Thành cổ Sơn Tây trầm mặc giữa chộn rộn mua bán, như một chứng nhân lịch sử

Sơn Tây tích tụ hào khí của nhiều đời. Bên cạnh ngọn núi Tản Viên uy nghiêm, những cư dân Lạc Hồng đã định cư ở đây lâu năm, mà dấu tích là làng cổ Đường Lâm, nơi phát tích hai vị vua Phùng Hưng và Ngô Quyền. Và chính cái vật liệu đá ong làm nên diện mạo làng cổ Đường Lâm...

Từ khi sát nhập vào địa giới hành chính của thủ đô Hà Nội, đô thị Sơn Tây bất ngờ lên... thành phố, rồi đột ngột chuyển lại... thị xã. Thế nhưng, khi đến Sơn Tây, những biển hiệu và số nhà có cái ghi “thành phố” có cái ghi “thị xã” cũng không thể nào thu hút khách lạ bằng một tòa thành cổ có tuổi đời gần 200 năm.

Thành cổ Sơn Tây trầm mặc giữa chộn rộn mua bán, như một chứng nhân lịch sử, tiếp tục kể cho nhiều thế hệ người Việt nghe câu chuyện chìm nổi của một vùng đất văn hóa.

Sơn Tây tích tụ hào khí của nhiều đời. Bên cạnh ngọn núi Tản Viên uy nghiêm, những cư dân Lạc Hồng đã định cư ở đây lâu năm, mà dấu tích là làng cổ Đường Lâm, nơi phát tích hai vị vua Phùng Hưng và Ngô Quyền. Và chính cái vật liệu đá ong làm nên diện mạo làng cổ Đường Lâm cũng được dùng để xây dựng thành cổ Sơn Tây.

Thành cổ Sơn Tây được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 3 (1822) với nghệ thuật kiến trúc độc đáo của các hạng mục như: Tường thành, Cổng thành, Kỳ đài, Đoan Môn, Vọng Cung... thành được xây dựng chủ yếu bằng đá ong. Thành cổ Sơn Tây hình tứ giác với chu vi 326 trượng 7 thước (khoảng 1306,8m), tường thành cao 1 trượng 1 thước (khoảng 4,4m), 4 cổng thành Tây, Bắc, Đông, Nam. Chu vi hào nước bao quanh thành là 448 trượng (khoảng 1792m), rộng 6 trượng 7 thước (khoảng 26.8m), sâu 1 trượng (khoảng 4m).

Thành cổ Sơn Tây được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia năm 1994. Thành cổ Sơn Tây cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 40 km. Du khách đến thành cổ Sơn Tây thường được các công ty lữ hành thiết kế tour kết hợp tham quan Làng Văn Hóa Du Lịch Các Dân Tộc Việt Nam và Vườn quốc gia Ba Vì.

Thành cổ Sơn Tây là tòa nhà quân sự, có bốn cổng chính: chính Nam gọi là cổng Tiền, chính Bắc là cổng Hậu, hai cổng Tả và Hữu. Hai cổng Tiền và Hậu đều có cầu bắc qua hào nước dẫn vào cổng thành. Cổng Tiền nhìn ra phố Quang Trung, cổng hậu hướng ra phố Lê Lợi thẳng tới bờ sông Hồng. Cổng Tả nhìn ra chợ Nghệ, cổng Hữu hướng ra phố Trần Hưng Đạo. Mỗi cổng thành có hình tứ giác, có mặt cắt hình thang. Phía trên mỗi cổng đều có lầu canh (vọng lâu) và chỉ có duy nhất một lối ra vào.

Phía ngoài có đắp Dương mã thành (mang cá) hình chóp nón chắn phía ngoài của thành. Bề mặt thành có nhiều lỗ phía trên để quân lính nấp từ trong bắn súng ra ngoài. Trong thành, các công trình được xây dựng theo kiểu đối xứng trên trục trung tâm Nam - Bắc. Chính giữa là Vọng cung- nơi nghỉ của vua mỗi khi đi tuần và là nơi để các quan trong trấn hằng năm tới tế lễ hoặc bái vọng mỗi khi có chiếu chỉ.

Phía Tây là võ miếu, nơi thờ các tướng sĩ đã anh dũng hi sinh khi chiến đấu bảo vệ thành. Ở bốn góc thành xưa kia có bốn giếng nước hình vuông to, xây bậc đá ong xuống tận đáy để cung cấp nước cho quân lính sinh hoạt.

Thành cổ Sơn Tây được triều đình xây dựng để quản trị cả một vùng rộng lớn gồm một nửa tỉnh Hà Tây cũ, toàn bộ tỉnh Vĩnh Phúc và gần như toàn bộ tỉnh Phú Thọ. Không những thế thành còn trấn trị toàn vùng Tây Bắc, vùng thượng lưu sông Hồng, vùng lưu vực sông Lô, sông Chảy. Trải qua gần 200 năm với không biết bao nhiêu thăng trầm lịch sử, thành cổ Sơn Tây chỉ còn lại những bức tường thành, cửa Tiền, cửa Hậu, hai khẩu súng thần công và một số phế tích như Vọng lâu, điện Kính Thiên, giếng nước...

Thành cổ này, trong khoảng thập kỷ 70 - 80 của thế kỷ 19 là một trung tâm phòng bị kháng chiến chống Pháp của quan lại triều đình nhà Nguyễn (với những nhân vật lãnh đạo như: Hoàng Kế Viêm, Lưu Vĩnh Phúc... Giữa hai cuộc xâm lược Bắc kỳ lần thứ nhất (1872) và lần thứ hai (1883) của Pháp thành thất thủ vào tay quân Pháp ngày 16 tháng 12 năm 1883.

Ngày 16 tháng 5 năm 1924, Toàn quyền Đông Dương đã ra nghị định xếp hạng di tích thành Sơn Tây và giao trường Viễn Đông Bác Cổ (nay là Viện Bảo tàng lịch sử trung ương Pháp) quản lý. Ngày 26 tháng 5 năm 1946, sau khi thăm Trường võ bị Trần Quốc Tuấn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp mặt và nói chuyện với đồng bào ở thành cổ Sơn Tây.

Bước chân vào thành cổ Sơn Tây, không chỉ được chiêm ngưỡng đền đài xưa cũ, mà giữa không gian đầy hoài niệm ấy có những gốc cổ thụ cực đẹp. Những bóng cây xanh hắt lên tường rêu gợi bao nhiêu cảm xúc ấm áp và thanh cao. Đi thật chậm trong thành cổ Sơn Tây, càng thấm thía câu thơ của Quang Dũng: “Đôi mắt người Sơn Tây. U uẩn chiều lưu lạc...”.

LƯƠNG SƠN

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/thanh-co-son-tay-tram-mac-giua-chon-ron-mua-ban-nhu-mot-chung-nhan-lich-su-post173536.html