Đến làng tiến sĩ xứ Đông

Xứ Ðông (phía đông kinh thành Thăng Long xưa) truyền miệng câu nói: 'Tiền làng Ðọc, thóc làng Nhữ, chữ làng Chằm'. Làng Chằm là tên cũ của làng Mộ Trạch (xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương), từ xa xưa đã nổi tiếng là làng khoa bảng với 36 tiến sĩ Nho học thời phong kiến.

Cụ Vũ Hồn được người dân Mộ Trạch tôn là Thành hoàng và thờ phụng. Cụ cũng là thủy tổ của dòng họ Vũ nơi đây. ẢNH: TL.

Một làng bằng nửa thiên hạ

Ðến Mộ Trạch, chúng tôi đi qua cánh cổng làng uy nghi; quãng đường hơn 1km thẳng tắp hai hàng cau vua cao vút. Nơi đây cũng bình dị như bao làng quê khác, người dân sống chủ yếu bằng nghề nông nhưng thể hiện sự mẫu mực và tinh thần hiếu học được thắp sáng qua ngàn đời nay.

Mạch từ lòng đất chảy ra

Như nguồn sữa mẹ nuôi ta tháng ngày

Truyền rằng ở mạch giếng này

Là nguồn khoa bảng, chỉ đầy không vơi.

Dân làng Mộ Trạch tin rằng con cháu mình thông minh, học giỏi là nhờ uống nước giếng từ long mạch, hội tụ khí thiêng, tinh hoa đất trời…

Ði hơn 1km đường với hai hàng cau vua thẳng tắp, cao vút là đến cổng làng Mộ Trạch (xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương). Ảnh: MINH NGUYỆT

Ông Vũ Quốc Ái, thường trực Ban Quản lý di tích làng Mộ Trạch, người có gần 35 năm làm công tác này, được ví là “pho sử sống của làng” kể những câu chuyện về nguồn gốc, thành tích khoa bảng của các bậc tiền nhân một cách rành mạch: Từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XVIII, làng có 36 vị đỗ trạng nguyên, tiến sĩ, trong đó có 29 nhân tài họ Vũ, 5 vị họ Lê, 1 vị họ Nhữ, 1 vị họ Nguyễn. Khoa thi Bính Thân (1656) dưới triều vua Lê Thần Tông, cả nước có 3.000 người đi thi, 6 người đỗ tiến sĩ thì làng Mộ Trạch có 3 người (tuổi còn rất trẻ, từ 21-23, là: Vũ Trác Lạc, Vũ Ðăng Long và Vũ Công Lượng).

Vua Tự Ðức uyên thâm về chữ nghĩa, giỏi về chính trường còn phải tấm tắc khen và bút phê là “nhất gia bán thiên hạ” tức là “một làng bằng nửa thiên hạ”.

Ðến làng Mộ Trạch, chúng tôi được nghe các cụ cao tuổi trong làng tự hào cho biết: Từ đời cụ Tổ sinh cơ lập nghiệp trên đất Mộ Trạch cho tới các đời con cháu sau này, những người đỗ đạt cao trong các khoa thi đều trở thành quan thanh liêm, văn võ song toàn và có lòng yêu nước sâu sắc.

Du khách viếng miếu Mộ Trạch, nơi thờ Thành hoàng làng Vũ Hồn. Ảnh: MINH NGUYỆT

Thành Hoàng khai sáng truyền thống hiếu học

Theo thần tích, làng Mộ Trạch thờ Thành Hoàng tên húy Vũ Hồn. Vị này tư chất thông minh, năm 16 tuổi thi đỗ tiến sĩ, được vua nhà Ðường cử sang An Nam làm Thứ sử Giao Châu rồi làm Kinh lược sứ. Là người tinh thông thiên văn - địa lý - phong thủy, cụ Vũ Hồn cho rằng, cả vùng Hải Dương là một đại cuộc, huyện Ðường An là huyệt trường và làng Chằm Thượng là huyệt kết; giữ làng làm nguyên quán thì đời đời sẽ tiến phát về đường khoa bảng. Vì vậy, cụ Vũ Hồn đã cắm đất lập ấp với tên ban đầu là Khả Mộ trang.

Sau này, triều Trần đổi tên thành Mộ Trạch, nghĩa là vùng đất được mến mộ.

Do công lao to lớn, gây dựng truyền thống hiếu học cho con cháu đời sau nên cụ Vũ Hồn được người dân Mộ Trạch suy tôn là Thành hoàng làng và thờ phụng. Cụ cũng là thủy tổ của dòng họ Vũ nơi đây.

Tương truyền sau khi lập làng, cụ Vũ Hồn mở lớp dạy học, giáo dục và lan tỏa tinh thần hiếu học cho các thế hệ con cháu, từ đó hình thành nên truyền thống hiếu học cho làng. “Cụ Vũ Hồn rất đề cao việc học hành. Theo cụ, muốn trở thành người tốt thì phải ra sức học. Chính vì thế, cụ là người khơi nguồn truyền thống hiếu học của làng khoa bảng nổi tiếng này”, ông Vũ Quốc Ái chia sẻ.

Ông Vũ Quốc Ái, thường trực Ban Quản lý di tích Làng Mộ Trạch chia sẻ: Nhà bia đối với người dân Mộ Trạch không chỉ là hào quang lịch sử của nhiều thế hệ đi trước mà còn là động lực, là thông điệp ý nghĩa cho các thế hệ mai sau. Ảnh: MINH NGUYỆT

Tiếp nối truyền thống

Người làng Mộ Trạch phấn đấu và răn dạy con cháu về truyền thống hiếu học, cũng là để mạch chữ không ngừng chảy nơi mảnh đất xứ Ðông nhiều nhân tài này. Chỉ riêng đời chúa Trịnh Tráng, Mộ Trạch có đến 17 người đỗ đạt, làm quan trong triều nên dân gian mới có câu: “Mộ Trạch họp làng giữa kinh đô”. Ðó là chưa kể đến các cử nhân, tú tài nhiều không kể hết.

Suốt hơn 5 thế kỷ từ triều Trần qua triều Lê, Mạc đến thời vua Lê chúa Trịnh, làng Mộ Trạch luôn luôn có các bậc anh tài, trong đó đa phần thuộc dòng họ Vũ. Có thể kể: Gia đình cụ Vũ Quốc Sĩ có 5 con trai thì cả năm người đều làm quan lớn trong triều đình, trong đó 3 người đỗ tiến sĩ. Có gia đình “tam đại tiến sĩ” là Vũ Bạt Tụy (ông), Vũ Duy Ðoán (cha), Vũ Duy Khuông (cháu) cùng đỗ tiến sĩ và làm quan dưới triều vua Lê Thánh Tông.

Ðiển hình khác ở làng là một gia đình có 5 người con, trong đó 1 người làm tể tướng, 3 người làm quận công, 1 hoằng pháp và 1 tiến sĩ. Dòng họ này vẫn còn lưu giữ hoành phi câu đối, bia đá nói về tể tướng - quốc lão Vũ Duy Chí, đặt tại nhà thờ Quang Chấn. Hậu duệ trưởng dòng Vũ Duy là ông Vũ Trọng Chính đảm nhiệm việc trông nom, thờ cúng nơi này.

Tác giả bài viết trao đổi với ông Nguyễn Trọng Chính - hậu duệ trưởng dòng Vũ Duy, người đảm nhiệm việc trông nom, thờ cúng ở nhà thờ Quang Chấn. Ảnh: CTV

Cách đây 4 năm tại nhà thờ Quang Chấn, chúng tôi được ông Nguyễn Trọng Chính giới thiệu chi tiết: Cụ Vũ Duy Chí sinh năm 1605, mất năm 1679. Sự nghiệp của cụ gắn liền với chúa Trịnh Tráng và Trịnh Tạc, trong chiến tranh chống Mạc và chống chúa Nguyễn ở Thuận Quảng. Ông Chính còn cho biết: Nhà thờ có tên Quang Chấn là vì có công danh quý hiển truy tặng tiên tổ, lại tập ấm cho con cháu về sau, đã làm rực rỡ người trước, phấn chấn người sau.

Ngày nay, tiếp nối truyền thống hiếu học của cha ông cùng với sự quan tâm, chú trọng những hoạt động khuyến học của làng xã, của từng dòng họ, các thế hệ con cháu làng Mộ Trạch vẫn không ngừng phấn đấu học tập, đỗ đạt thành tài.

Ông Vũ Trọng Chính còn cho biết: Hàng năm, trước mỗi kỳ thi đại học và THPT, Chi hội Khuyến học làng Mộ Trạch đều tổ chức hội nghị tư vấn tuyển sinh và mời các giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, giảng viên các trường đại học, học viện về tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm chọn trường học, ngành học cho học sinh trong làng.

Ông Vũ Huy Cường, Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Hồng chia sẻ: “Truyền thống hiếu học ấy được con cháu kế thừa và tiếp nối đến tận bây giờ. Ở làng Mộ Trạch, những gia đình có 3-4 người con học đại học không phải là hiếm. Còn những gia đình có 2 con vào đại học thì rất nhiều. Ðó là niềm tự hào của chúng tôi”.

Ông Vũ Huy Cường cho biết thêm: Tại lễ hội kỷ niệm ngày sinh Ðức Thần tổ Vũ Hồn - Thành Hoàng làng Mộ Trạch, thủy tổ dòng họ Vũ - Võ Việt Nam được tổ chức vào mùng 8 tháng Giêng hàng năm, Chi hội Khuyến học làng Mộ Trạch và Ban Khuyến học - Khuyến tài của Hội đồng dòng họ Vũ - Võ Việt Nam khen thưởng các học sinh, sinh viên đạt thành tích xuất sắc trong học tập nhằm động viên, khích lệ thế hệ trẻ tiếp nối truyền thống hiếu học, khoa bảng của cha ông.

MINH NGUYỆT

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/141/313090/den-lang-tien-si-xu-dong.html