Đến di sản Ramappa tìm hiểu kiến trúc 'đền chống lũ' của người Ấn Độ

Đền thờ Ramappa, bang Telangana, Ấn Độ - nơi thờ Thần Shiva có kiến trúc độc đáo nhằm bảo vệ công trình khỏi các trận lũ.

Đền Kakatiya Rudreshwara là một Di sản Thế giới được UNESCO ghi danh năm 2019. Từ trung tâm thành phố Hyderabad, thủ phủ của bang Telangana, miền Nam Ấn Độ, du khách di chuyển quãng đường 209km để đến đền. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Đền được xây dựng năm 1213 dưới đế chế Kakatiya, là một đại diện tiêu biểu cho nghệ thuật Kakatiya. Đây là điểm đến dành cho những ai muốn chiêm ngưỡng kiến trúc độc đáo và tìm hiểu về lịch sử văn hóa Ấn Độ. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Đền còn có tên gọi là Ramappa, là ngôi đền duy nhất tại Ấn Độ được đặt theo tên của nhà điêu khắc chính. Nhà thám hiểm Marco Polo từng nhận xét đây là "ngôi sao sáng nhất trong dải ngân hà các đền thờ." (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Vật liệu chính dùng để xây dựng đền là đá sa thạch đỏ. Điểm đặc biệt của ngôi đền là phần chân đế được tạo nên bởi nhiều lớp đá nằm ngang. Mục đích là để nước lũ chảy qua, không làm sụt lún công trình này. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Hướng dẫn viên địa phương cho hay thần chủ của ngôi đền này là Shiva, một trong ba vị thần tối cao của đạo Hindu (cùng Brahma và Vishnu). (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Du khách thích thú chụp ảnh lưu niệm bên ngoài gian thờ chính. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Những con voi nối đuôi nhau tạo thành một vòng xung quanh đền. Có tất cả 526 con voi và không con nào giống con nào. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Cửa vào chính điện có tượng hai cô gái ở hai bên. Cô gái bên trái của điện đứng ở tư thế chào Namaskar. Hai tay chắp lại trước ngực chào đón người vào bên trong. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Cô gái bên phải cửa vào chính điện cầm hoa quả để trao tặng người từ trong đi ra, thể hiện truyền thống của người dân Ấn Độ là tặng quà khi khách ra về. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Không gian chính trong đền là nơi thờ Thần Shiva. Khách hành hương sẽ vào trong cầu nguyện và được bôi màu vào trán để nhận phước lành. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Khách tham quan chờ để được ban nước thiêng, nhận sự phù hộ của Thần Shiva. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Đây là phần trần của đền Ramappa. Ngay chính giữa là hình ảnh vị thần của những điệu múa (God of dance), xung quanh là những vị thần cai quản những lĩnh vực khác nhau, như mưa gió, của cải… Ngay phía dưới phần trần này là nơi biểu diễn những điệu múa đẹp nhất dâng tặng các vị thần. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Ganesha mình người đầu voi là một vị thần đáng kính trong Ấn Độ giáo (Hindu). Thần Ganesha là tượng trưng của tài trí, hạnh phúc và thành công. Ngài là con của thần Shiva và nữ thần Parvati. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Theo truyền thuyết, bò thần Nandi là vật cưỡi của Thần Shiva. Do đó, người Ấn Độ không ăn thịt bò. Tất cả các bộ phận của bò đều mang một ý nghĩa tôn giáo nhất định. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Tượng vũ nữ được tạc trong tư thế gợi cảm. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Ngôi đền còn lưu giữ được rất nhiều tượng và phù điêu mang những nét nghệ thuật Kakatiya điển hình. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Tượng vũ nữ sát mái đền được điêu khắc sinh động. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Hình ảnh người khiêu vũ và chơi nhạc cụ có thể bắt gặp ở khắp nơi trong đền. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Chân cột đá chạm khắc hình vũ nữ. Nếu làm theo các động tác này, du khách có thể hoàn thành một bài múa Ấn Độ. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Phù điêu tạc hình thần Krishna đang thổi sáo (hình nhỏ phía trên). Âm thanh từ cây sáo đi ra ở phần hình ống phía dưới (bên tay phải cô gái đang múa). Khi gõ vào, ống này sẽ phát ra âm thanh trong trẻo thanh thoát. Duy nhất chỉ có phần ống này mới phát ra âm thanh dù đây là một tác phẩm điêu khắc liền khối. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Hướng dẫn viên gõ vào phần ống sáo, tạo ra âm thanh trong trẻo. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Các tác phẩm điêu khắc mang hình ảnh của các vị thần Hindu và phản ánh cuộc sống của người dân. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/den-di-san-ramappa-tim-hieu-kien-truc-den-chong-lu-cua-nguoi-an-do-post936320.vnp