Đèn cù, tít mù nó lại vòng quanh

Thời trước, trên đài phát thanh tôi thường được nghe bài hát 'Cái đèn cù'. Chẳng nhớ bài này của ai? Sáng tác trên làn điệu dân ca nào nhưng chỉ còn nhớ mấy lời như sau: 'Khen ai khéo kết cái đèn cù/ Đèn cù đèn cù là đèn cù/ Voi giấy í a ngựa giấy/ Tít mù nó lại vòng quanh/ Tít mù nó lại vòng quanh...'.

Bẵng đi một thời gian, bài này thuộc loại “những bài hát bị lãng quên” cùng năm tháng. Chẳng còn ai hát nữa. Tình cờ lướt mạng chợt thấy Ngô Quý Đức, trưởng nhóm “My Hà Nội” suốt nhiều năm đồng hành gìn giữ những trò chơi dân gian của Hà Nội và các vùng miền, đang hí hoáy với bậc lão thành nghệ sĩ dân gian để phục dựng lại cây đèn kéo quân trong một ngôi nhà khang trang, treo la liệt những cây đèn kéo quân khiến tôi lại nhớ đến hình ảnh ông nội, nhớ lại những ngày ấu thơ mỗi khi Trung thu về được đón tết cùng ông.

Ngày ấy, tôi mới học lớp tư Trường Hàng Kèn (nay là Trường Tiểu học Quang Trung, Hà Nội). Tôi là cháu đích tôn trong nhà và cháu trai đầu tiên nên được ông nội cưng chiều lắm. Tết Trung thu là dịp ông nội thể hiện hết mức cưng chiều thằng cháu. Năm nào cũng vậy, trước Tết khoảng nửa tháng, khi trong từng ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà nhà thấy tiếng trống trẻ con gõ "Tung... tung... tung...", là không những trẻ con mà cả người lớn cũng rạo rực chờ đón cái không khí tưng bừng của ngày Trung thu. Trên phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường, các lò bánh trung thu mà chủ yếu là bánh nướng, bánh dẻo đều mở cửa rộn ràng đón khách.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền hướng dẫn các bạn trẻ làm đèn kéo quân. Ảnh: Hà An.

Đi học về, lũ trẻ chúng tôi nhảy tàu điện lên Bờ Hồ rồi la cà dọc phố xem các bác thợ làm bánh dẻo, bánh nướng nhào bột dập khuôn nghe bôm bốp. Vui đáo để. La cà hết phố Hàng Đường, chúng tôi lượn sang Hàng Mã. Trời ơi, cả một thiên đường của trẻ thơ. Nào là đèn ông sao, đèn con thiềm thừ, đèn ông sư, đèn kéo quân mặt nạ người, mặt nạ Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới... đủ loại. Tôi khoái nhất là đến khu bán tàu thủy chạy bằng dầu hỏa. Từ xa đã thấy cả đám người lớn, trẻ con xúm xít quanh chiếc chậu lớn đầy ắp nước. Người ta bày đủ loại tàu thủy làm bằng sắt tây, cái to cái nhỏ. Có cái tàu to như hàng không mẫu hạm, người lớn hai tay bê khệ nệ mới thả được vào chậu. Có cái chỉ nhỉnh hơn con chuột. Lạ nhất là chỉ đổ tí dầu vào cái phao dầu rồi châm lửa đưa phao vào lò trong bụng tàu, khói đen từ từ bốc lên ống khói và tàu bắt đầu nổ tiếng máy giòn tan. "Pập! Pập! Pập!" cứ thế tăng dần và con tàu từ từ nhúc nhích lượn vòng quanh chậu nước. Tôi mê mẩn xem, nhằm một chiếc tàu vừa ý nhất và hỏi giá trước, rồi thấp thỏm đợi đến ngày ông nội cho đi sắm sẽ đề đạt nguyện vọng.

Thế rồi, đến chiều hôm ấy, ông nội tôi hẹn đi chơi chợ Trung thu. Tôi hí hửng chải đầu tóc mượt mà. Mẹ mặc cho tôi cái quần soóc có dải, đi dép xăng đan gọn gàng, rồi ông nội vẫy xích lô để hai ông cháu đi sắm đồ chơi Trung thu. Ông dẫn tôi đi chọn đèn, chọn mọi thứ. Tôi xin ông mua đèn con thiềm thừ. Tôi thích cái đèn này hơn đèn ông sao, bởi đôi tay có thể cử động được khi rước đèn. Ông hỏi: Cháu thích gì nữa? Tôi xin mua cái tàu thủy xinh xinh. Thật thú vị vô cùng có trong tay chiếc tàu mà mình mơ ước.

Mua đủ thứ xong thì ông mới dắt tôi đến góc phố, nơi bày các loại đèn kéo quân. Đèn kéo quân là thứ đồ chơi xa xỉ, đắt tiền nên bọn trẻ con chúng tôi khi lân la ngoài chợ chỉ tò mò đứng xem cho biết vậy thôi. Vả lại chỉ khi có khách mua, người ta mới châm bấc đốt và thử đèn trình diễn nên trẻ cũng không mấy ham. Ông tôi ngắm nghía hồi lâu rồi cẩn thận xem từng miếng giấy trang kim tỉa hoa lá, chim chóc và các hoa văn tinh xảo trang trí quanh thân đèn, cái móc treo đèn và đặc biệt là các bộ con giống tỉa bằng giấy để tạo ra những hình bóng sinh động, cử động được bởi một hệ thống dây làm từ tóc người nối với các con rối bóng. Chúng quay tròn khi đèn được thắp sáng và tạo luồng hơi nóng quay nhanh quay chậm. Mỗi chiếc đèn, một sự tích. Có chiếc đèn thể hiện cảnh Hai Bà Trưng cưỡi trên lưng voi có tay kiếm vung lên chém, lũ giặc hạ giáo đầu hàng; lại có cả đèn dựng những chuyện tân thời như những cua rơ gò lưng đạp xe... Ông nội tôi chọn chiếc đèn không lớn lắm, giá vừa phải, có trình diễn cảnh Lê Lợi lừa giặc Minh. Ông giải thích: “Thời chống giặc Minh, quân khởi nghĩa Lam Sơn đã làm chiếc đèn to không lồ, cho diễn cảnh nghĩa quân điều binh khiển tướng. Đèn thắp lên, cây đèn khổng lồ chuyển động. Từ xa, quân địch thấy quân tướng rầm rộ chuyển binh trên núi, nom cái bóng mà tưởng là thật, sợ dựng tóc gáy về báo cáo tướng giặc. Chúng sợ mà chẳng dám bén mảng vào căn cứ quân khởi nghĩa...”.

Tôi biết đến đèn kéo quân, đến chuyện lịch sử thời Vua Lê cũng là do ông tôi đã khai trí cho từ ngày ấy.

Nay thằng cháu đích tôn của tôi cũng theo tôi đi chợ Trung thu. Hỏi cháu thích gì, cháu chỉ lắc đầu. Cho xem cái tàu thủy cũng chỉ liếc qua. Quanh khu chợ đồ chơi là cả “rừng” đồ chơi chạy điện, đồ chơi điện tử, từ tàu bay trực thăng, người máy cho đến người dơi, người nhện... đủ kiểu. Thằng cháu chỉ một “siêu nhân” và cái mặt nạ siêu nhân cùng thanh kiếm siêu nhân, khẩu súng siêu nhân.

Ôi! Cứ tưởng tít mù nó lại vòng quanh. Đời ông thế, đời cha thế, rồi đời cháu lại thế, luẩn quẩn theo cái vòng cha truyền con nối ấy là luật trời. Nhưng đâu phải thế!

Nhưng tôi vẫn tin, những giá trị truyền thống vẫn còn tiếp biến mãi, như chàng trai “8X” Ngô Quý Đức tôi đã nhắc ở trên và còn nhiều bạn trẻ khác đang nhiệt huyết giữ gìn bản sắc của cha ông theo tư duy mới, sáng tạo mới.

Tiến sĩ VŨ THẾ LONG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/den-cu-tit-mu-no-lai-vong-quanh-636502