“Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”

Dòng chủ lưu trong truyền thống lịch sử dân tộc Việt Nam là chủ nghĩa dân tộc, ý chí độc lập và khát vọng tự do, không bao giờ khuất phục trước quân ngoại bang xâm lược và thống trị. Trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945, bằng sức lực, trí tuệ của toàn dân tộc, nhân dân Việt Nam đã đứng lên “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.

1. Tháng 9/1939, chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ. Ở châu Âu, đế quốc Pháp tham chiến. Ở Đông Dương, chính quyền thuộc địa thi hành chính sách thời chiến. Năm 1940, phát xít Nhật bắt đầu xâm lược Đông Dương. Nhân dân Việt Nam phải chịu hai tầng xiềng xích áp bức của Pháp, Nhật. Vấn đề giải phóng dân tộc Việt Nam được đặt ra cấp bách hơn bao giờ hết.

Khi phân tích về xu thế diễn biến cuộc chiến tranh giữa phe phát xít và phe Đồng minh, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh khẳng định thắng lợi cuối cùng sẽ thuộc về phe dân chủ và nhận định thời cơ giải phóng dân tộc Việt Nam đang đến rất gần, tình thế thuận lợi cho Tổng khởi nghĩa sắp xuất hiện: “Ấy là nhịp tốt cho ta/Nổi lên khôi phục nước nhà tổ tông”. Cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai như một cơn lốc lớn quét qua thế giới, thúc đẩy các dân tộc phải vùng lên giải phóng mình khỏi ách nô dịch của chủ nghĩa đế quốc, thực dân và phát xít. Đối với dân tộc Việt Nam lúc này, “ai cũng chán ghét cuộc đời nô lệ, ai cũng mong muốn độc lập tự do và đang trong tư thế một người lên tiếng vạn người ủng hộ”. . Đây là cơ hội lịch sử nghìn năm có một để Đảng lãnh đạo và tổ chức toàn dân đứng lên đánh Pháp, Nhật giành lại quyền độc lập tự do thiêng liêng của dân tộc.

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nhanh chóng triệu tập và trực tiếp chủ trì Hội nghị lần thứ 8 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp tại Pắc Bó (Hà Quảng, Cao Bằng) từ ngày 10 đến ngày 19/5/1941. Hội nghị đã nhất trí đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu; quyết định thành lập Việt Nam Độc lập Đồng minh - gọi tắt là Mặt trận Việt Minh - là liên minh chính trị tự nguyện của những cá nhân, tổ chức đảng phái, giai cấp, dân tộc, đoàn thể cứu quốc ở Việt Nam nhằm mục đích đánh Pháp, đuổi Nhật giành độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân. Việt Minh đã tích cực xây dựng và thường xuyên củng cố tổ chức của mình cả ở cấp trung ương và các cấp địa phương.

Các tổ chức đoàn thể cứu quốc (phụ lão, thanh niên, phụ nữ, nhi đồng, công nhân, nông dân, quân nhân, trí thức, văn nghệ sĩ...) được thành lập để đoàn kết tập hợp mọi giới đồng bào trong Mặt trận Việt Minh, tích cực chuẩn bị lực lượng của ta để giải phóng cho ta khi thời cơ đến. Việt Minh phát triển rộng rãi và nhanh chóng trở thành lực lượng chính trị mạnh mẽ giữ vai trò quyết định trong cuộc vận động giải phóng dân tộc những năm 1941 - 1945. Đại úy A. Patti - phụ trách SI (tình báo) của Tổ đặc trách Đông Dương và sau này là chỉ huy của OSS (tiền thân của CIA) tại Đông Dương - trong tháng 5/1945 - đã đánh giá: “đây (Việt Minh - N.V.A) là thành phần quan trọng nhất, được ủng hộ rộng rãi nhất từ nhân dân Việt Nam”.

Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính hất cẳng Pháp để độc chiếm Đông Dương. Khi tiếng súng “Nhật, Pháp bắn nhau” còn đang nổ, Ban Thường vụ Trung ương Đảng (mở rộng) đã họp và nhận định thời cơ khởi nghĩa đang đến rất gần và chủ trương “phát động một cao trào kháng Nhật cứu nước mạnh mẽ làm tiền đề cho cuộc Tổng khởi nghĩa”. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Mặt trận Việt Minh, các tổ chức đoàn thể cứu quốc: Công nhân cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Văn hóa cứu quốc và cả các tổ chức Thanh niên Tiền phong (ở Sài Gòn và vùng Nam bộ), Thanh niên tiền tuyến (ở Huế và các tỉnh miền Trung)... đã thu hút được đông đảo các tầng lớp quần chúng tham gia, tập hợp trong hàng ngũ của Mặt trận Việt Minh, đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng để chờ thời cơ đến để đứng lên giành độc lập. Khí thế cách mạng ngày càng dâng cao trong những ngày sôi sục chuẩn bị Tổng khởi nghĩa giành độc lập.

2. Giữa tháng 8/1945, tình thế cho Tổng khởi nghĩa nổ ra thắng lợi đã đến. Theo dõi sát thời cuộc thế giới và trong nước, qua bản tin của đài Xan Phran-xi-cô (Mỹ) loan báo Chính phủ Thụy Sĩ đã chuyển công hàm của Nhật Bản đến Chính phủ Mỹ đề nghị sửa đổi bốn điều trong Tuyên bố Pốtx-đam, Hồ Chí Minh nhận thấy động thái sắp đầu hàng của Nhật Bản. Ngay trong đêm 12/8/1945, Người đã bàn với Tổng Bí thư Trường Chinh họp ngay Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng tại Tân Trào. Theo sự gợi ý và chỉ đạo của Người, Thường vụ Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh đã quyết định thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc và nhanh chóng phát đi bản Quân lệnh số 1 - Lệnh Tổng khởi nghĩa.

Ngày 16/8/1945, ngay sau Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng, Đại hội Quốc dân họp và bàn ngay những vấn đề then chốt. Đại hội tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa, quyết định thành lập Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam hoạt động như một Chính phủ cách mạng lâm thời. Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Dân tộc giải phóng. Nghị quyết của Hội nghị Tân Trào viết: “Chỉ có thực lực của ta mới quyết định được sự thắng lợi của ta và đồng minh”. Ngay trong ngày 16/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Thư kêu gọi tổng khởi nghĩa tới toàn thể quốc dân Việt Nam: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta... Chúng ta không thể chậm trễ”.

Theo lời kêu gọi của Người, cả dân tộc đã nhất tề đứng dậy với khí thế mãnh liệt chưa từng thấy, giành lại tự do, độc lập. Cuộc cách mạng đã thắng lợi trọn vẹn trên phạm vi cả nước trong khoảng thời gian chưa đầy một tháng. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh trang trọng khẳng định trong lời Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!” Bản Tuyên ngôn độc lập cũng tuyên bố với quốc dân đồng bào và thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.

*
* *

Cho đến hôm nay, bài học và những kinh nghiệm rút ra từ lịch sử về đoàn kết tập hợp lực lượng, phát huy tối đa sức mạnh của cả dân tộc để giành độc lập tự do trong những ngày tháng sôi sục khí thế cách mạng trước đây vẫn cần được vận dụng sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trước những biến động phức tạp của tình hình.

TS.Ngô Vương Anh

Nguồn TTXVN: http://baotintuc.vn/phong-su/dem-suc-ta-ma-tu-giai-phong-cho-ta-20140826232133912.htm