Đem quân đến Latvia, Ý định khiêu chiến với Nga?

Chuyên gia Ý đã phải “nói đỡ” với Moscow rằng, nước này gửi quân đến Latvia nhưng không có ý định gây sự với Nga, mà do bị NATO ép buộc.

Italia gửi quân đến Latvia, áp sát Nga

Theo nguồn tin của NATO, Italia sẽ triển khai các đơn vị quân đội, gồm khoảng 140 binh sĩ đến quốc gia thuộc vùng Baltic là Latvia, nằm sát biên giới nước Nga. Hơn nữa, trong năm 2018, Italia sẽ chỉ huy lực lượng phản ứng nhanh của NATO tại vùng Biển Baltic.

Quyết định về việc Italia phải đưa quân đến Latvia đã được thông qua vào tháng 7 tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Warsaw, nhưng thông tin này giờ mới được công bố. Đặc biệt là, người đầu tiên cho biết về điều đó không phải là Chính phủ của ông Matteo Renzi mà là Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg.

Trong một cuộc phỏng vấn với Sputnik, chuyên gia quân sự của Italia Mirko Molteni bình luận về thông tin này: "Quyết định đó đã được giữ bí mật trong ba tháng. Chính phủ Italia đã nhượng quyền công bố tin này cho Jens Stoltenberg, khi ông này đến Italia nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Học viện Quốc phòng NATO ở Rome.

Các đảng phái đối lập đều phản đối quyết định này, nhưng như thường lệ, Chính phủ làm ra vẻ mọi thứ đều bình thường.

Thế nào là bình thường? Trên thực tế Italia tuyên chiến với Nga? Rome đã từng nhiều lần nói lên ý muốn duy trì cuộc đối thoại với Moscow, nhưng trên thực tế Italia mù quáng tuân theo mệnh lệnh của NATO và Hoa Kỳ.

Thông tin này là rất xấu bởi vì lại một lần nữa cho thấy rằng, Italia là một quốc gia không có chủ quyền hoàn toàn và đầy đủ.

Điều thứ hai là, quyết định này có thể gây hại cho mối quan hệ song phương giữa hai nước, mặc dù hiện nay Italia là quốc gia thân thiện nhất với Nga trong số các nước phương Tây.

Italia mang quân đến Latvia nhưng không định gây sự với Nga

Xét theo mọi việc, NATO đang gây áp lực lên Italia để Rome triển khai quân đội ở các nước vùng Baltic, mặc dù phạm vi lợi ích của Italia là vùng Địa Trung Hải chứ không phải vùng biển Baltic. Vậy tại sao Thủ tướng Renzi không trình nội dung này lên Quốc hội xem xét?

Chuyên gia Molteni nhận định rằng, đơn giản là ông Renzi buộc phải làm như vậy, Nga cũng nhận thức được rằng, Italia buộc phải làm như vậy, bởi nước này vẫn là "đồng minh hạng nhì" của Mỹ và buộc phải mù quáng tuân theo những văn kiện bí mật đã được Italia ký kết vào năm 1950.

Ngoài ra, mọi người cũng hiểu rằng, mối quan hệ giữa NATO và Nga chủ yếu phụ thuộc vào kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Trong khi đó, các chính trị gia và doanh nhân người Italia thường xuyên đến thăm Nga. Rõ ràng, không phải tất cả mọi người trên bán đảo Apennine bị mất trí nhớ.

Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Italia đã là một đồng minh của Đức Quốc Xã và đã chiến đấu chống Nga. Chiến dịch đó đã không mang lại kết quả tốt đẹp nào cho đất nước mà ngược lại, khoảng 3 triệu người Ý đã thiệt mạng, hơn 64 nghìn người đã bị bắt làm tù binh.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/dem-quan-den-latvia-y-dinh-khieu-chien-voi-nga-3321182/