Đếm ngày Tết đến

Tết sắp đến tôi lại ước mong về nhà. Về để xòa vào lòng bà đón nhận hơi ấm yêu thương. Về để mẹ nấu canh khổ qua cho ăn. Về để chuyện trò rôm rả cùng mọi người cho thỏa lòng tháng ngày cách xa.

Nhẩm đếm thời gian mới hay còn chưa đầy một tháng nữa là tới Tết. Thời gian đều đều ngó vậy mà nhanh thật. Những ngày trôi về cuối năm lòng tôi lại háo hức và rộn ràng quá chừng.

Ừ thì, nghe xuân sang Tết đến lòng ai chẳng nôn nao. Người lớn nôn nao để được gặp cháu con ở xa về thăm. Trẻ nhỏ nôn nao mong có đồ mới mặc đi chơi Tết. Còn tôi, dù không còn nhỏ cũng chưa thực sự trở thành người lớn nhưng đủ trưởng thành để hiểu khoảnh khắc đoàn viên nó thiêng liêng và ấm áp biết nhường nào. Mà cái Tết năm nay khác hẳn những năm đã qua.

Lần đầu tiên cô sinh viên đi học xa trở về nhà. Lần đầu tiên thấu cảm cái cảm giác đợi ngày được nghỉ học nó khó tả như thế nào. Sinh viên năm nhất xa nhà là thế. Nhớ và thương gia đình xiết bao.

Gia đình tôi không giàu sang tiền bạc chỉ đủ đầy tình yêu thương thôi. Mỗi thành viên trong gia đình là một mảnh ghép, là một trái tim bé nhỏ cùng hòa quyện lại tạo thành gia đình hạnh phúc lớn to. Ngày Tết không gì vui và hạnh phúc bằng cảnh mọi người ngồi gần nhau bên mâm cơm vừa ăn những món ngon, vừa chuyện trò thân tình.

Theo phong tục truyền thống xưa nay, ngày Tết không thể nào thiếu bánh tét, bánh chưng rồi cả những món quen thuộc như thịt kho tàu, canh ca ri, gà xé, rôm chả... Và gia đình tôi cũng thế. Tất cả đều ngon thơm dưới bàn tay nấu nướng đảm đang của mẹ. Nhưng những món này lại chẳng phải sở thích của tôi. Ngộ ghê. Đồ ngon mà không thèm. Đúng là ngộ thật. Nhưng biết làm sao được. Ngày Tết tôi chỉ ghiền mỗi canh khổ qua.

Món canh khổ qua mẹ nấu thật ngon.

Món canh khổ qua mẹ nấu thật ngon.

Dù còn trẻ, tôi không hiểu sao mình lại có quan niệm rằng trong những ngày đầu năm phải ăn món gì đó mang ý nghĩa mong cầu một năm mới với những điều tốt đẹp và may mắn hơn. Tôi nhận ra canh khổ qua mang trong mình cái tên đầy triết lý cuộc đời rất phù hợp khi dùng trong năm mới.

Xưa nay, vị đắng luôn đại diện cho những thứ độc hại và không tốt cho sức khỏe. Ấy vậy mà khổ qua lại khác hẳn. Đắng của khổ qua là đắng bổ, đắng ngon. Đắng của khổ qua là đắng vị đời.

Cuộc đời không có cay đắng, khổ ải làm sao thử sức gian nan, làm sao tôi luyện một con người trở nên bản lĩnh và mạnh mẽ hơn. Khó khăn, vất vả là điều bắt buộc phải hiện diện trong cuộc sống. Đôi chân cứ giẫm gai, nếm mật đi rồi thế nào cũng vượt qua cái khổ khi lòng ta có niềm tin mãnh liệt ở tương lai.

Với ý nghĩ đó, thay vì ăn món ngon sẵn có tôi bảo mẹ nấu cho một tô khổ qua. Không có khổ qua Tết với tôi không ý vị gì. Không phải chính tay mẹ nấu khổ qua cũng chẳng ngon. Thật khó giải thích cho điều này. Có lẽ mẹ nấu ngon hoặc cũng có thể khẩu vị tôi quen với cách nêm nếm của mẹ.

Thật ra, canh mẹ nấu không có nguyên liệu hay bí quyết gì đặc biệt cả. Cũng chỉ là vài trái khổ qua nhồi nhân thịt xay, nấm mèo. Nhưng hay ở chỗ khổ qua mẹ nấu mềm vừa phải, nhân bên trong nhai có chút giòn giòn của nấm và chút béo thơm của thịt heo xay rất chi là ngon. Canh mẹ nấu không quá đắng, ngược lại đọng trong những giọt nước trong có vị ngọt thanh lạ kỳ. Không phải nước giải khát mà cứ như nước giải khát vậy. Húp chén canh vào cuống họng thấy sảng khoái và cảm giác mê thích tuyệt vời. Bởi vậy mà tôi ăn canh nhiều hơn cả ăn cơm.

Tôi có nhờ mẹ chỉ cách nấu nhưng rồi tôi nấu không ra ngô ra khoai chi cả. Mỗi lần vào bếp chỉ có vụng về làm hỏng nguyên liệu rồi còn bất cẩn làm vỡ chén bát nữa.

Nguyên liệu mẹ nấu cũng rất bình thường.

Nguyên liệu mẹ nấu cũng rất bình thường.

Bà tôi hay bảo: "Ăn ở có kiêng mới có lành. Trong nhà, bếp là một phần rất quan trọng không thể xem thường. Ngày trước, ai vào bếp mà lấy đũa gõ lên kiềng là không nên. Làm gì cũng phải nhẹ nhàng nếu không ông Táo quở phạt".

Thế hệ của tôi bây giờ thật mơ hồ hình ảnh gian bếp đơn sơ có mồ hóng bám quanh. Bởi lẽ gia đình tôi dù còn vất vả cũng đỡ hơn trước rất nhiều. Bếp mới áp gạch men xung quanh sáng bóng không tối tăm đầy bụi khói như thuở xưa.

Nhưng dù hiện đại thế nào đi chăng nữa, việc cẩn thận mỗi khi vào bếp luôn phải ghi nhớ. Nhớ luôn việc thắp hương mỗi ngày cho ông Táo. Và đặc biệt hơn cả, mỗi năm chỉ có một ngày tiễn ông Táo về trời, dù có bận bịu thế nào cũng sắm lễ đủ đầy cúng cho tươm tất. Làm như vậy ông Táo sẽ phù hộ mà về trời tấu trình những việc tốt của gia đình mình.

Tôi học lời dặn của bà và mẹ nên rút kinh nghiệm không để xảy ra chuyện làm vỡ chén bát nữa. Con gái lớn rồi mà. Con gái đã thành sinh viên rồi còn gì nữa.

Ừ thì, đã lớn. Ừ thì, sinh viên. Nhưng mà tâm hồn tôi hãy còn thơ ngây và nhất là cái lòng đa cảm dễ khóc lắm. Nhất là những khi xa nhà.

Nhà với tôi là kho báu chứa đựng những tình cảm thiêng liêng. Những tình cảm chẳng bao giờ mất đi và không ai có thể đánh cắp. Lặng lẽ cất giấu thật kín kẽ. Để rồi một lúc nào đó, khi cánh én báo mùa xuân về, trái tim chợt rung rinh cảm xúc vỡ òa trong hạnh phúc đoàn viên.

Trong khoảnh khắc ấy, tôi thấy mình hãy còn may mắn hơn biết bao đứa khác. Và tôi biết mình phải trân quý thật nhiều những mùa Tết ở quê nhà. Tết quê nhà Tết của yêu thương đong đầy. Tết quê nhà Tết của sum vầy đoàn viên.

Ngô Thị Mỹ Vân

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn//van-hoa/dem-ngay-tet-den-c26a45790.html