Đề xuất tiêu chuẩn chức danh đấu giá viên

Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp công chứng viên, đấu giá viên, hỗ trợ nghiệp vụ và hỗ trợ pháp lý trong lĩnh vực công chứng, đấu giá tài sản và trợ giúp pháp lý.

Nhiệm vụ của chức danh nghề nghiệp đấu giá viên

Theo dự thảo, đấu giá viên có nhiệm vụ tổ chức thực hiện đấu giá tài sản theo quy định của Luật Đấu giá tài sản.

Bên cạnh đó, chủ trì hoặc tham gia nghiên cứu, xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản, đề án, chương trình, kế hoạch về đấu giá tài sản trong phạm vi địa phương; tham gia xây dựng các văn bản, đề án, chương trình, kế hoạch về đấu giá tài sản được phân công.

Đồng thời, chủ trì hoặc tham gia thực hiện sơ kết, tổng kết, chế độ báo cáo, thống kê về tổ chức và hoạt động đấu giá tài sản tại địa phương với cơ quan quản lý nhà nước về đấu giá tài sản; tham gia nâng cao trình độ nghiệp vụ, quy tắc ứng xử cho đấu giá viên; quản lý, theo dõi, kiểm tra hoạt động bán đấu giá tài sản bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Đấu giá viên hướng dẫn, giám sát việc tập sự của người tập sự hành nghề đấu giá; kiến nghị các cơ quan, tổ chức đảm bảo quyền và nghĩa vụ hợp pháp của tổ chức và công dân có liên quan đến hoạt động đấu giá tài sản; tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo; giải quyết tranh chấp về đấu giá tài sản; phối hợp với các cơ quan, tổ chức ở địa phương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong lĩnh vực đấu giá tài sản.

Đấu giá viên có nhiệm vụ tham dự các cuộc họp liên quan đến lĩnh vực chuyên môn ở trong và ngoài cơ quan theo phân công; tham dự các cuộc họp đơn vị, họp cơ quan theo quy định; thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công.

Bộ Tư pháp cho biết, hiện nay, trong cả nước có 214 đấu giá viên đang hành nghề tại các Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp của chức danh nghề nghiệp đấu giá viên

Theo dự thảo, đấu giá viên thực hiện theo các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của viên chức Ngành Tư pháp. Đồng thời, thực hiện theo các quy định, quy tắc đạo đức nghề nghiệp đấu giá viên.

Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của chức danh nghề nghiệp đấu giá viên

Đấu giá viên có bằng tốt nghiệp đại học hoặc trên đại học thuộc một trong các chuyên ngành luật, kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng.

Bên cạnh đó, đấu giá viên có giấy chứng nhận tốt nghiệp khóa đào tạo nghề đấu giá trừ trường hợp được miễn đào tạo nghề đấu giá; có văn bản xác nhận đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề đấu giá hoặc trừ trường hợp không phải tập sự và tham dự kiểm tra kết quả tập sự hành nghề đấu giá.

Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp đấu giá viên

Dự thảo nêu rõ, đấu giá viên phải nắm vững và có năng lực vận dụng các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực đấu giá tài sản; có kiến thức, hiểu biết về hệ thống pháp luật và chuyên sâu liên quan đến tài sản đấu giá, trình tự, thủ tục đấu giá.

Đấu giá viên thực hiện thành thạo các kỹ năng nghiệp vụ đấu giá tài sản; trực tiếp điều hành cuộc đấu giá tài sản theo đúng quy định của pháp luật; có năng lực hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng thực hiện nhiệm vụ về đấu giá.

Đồng thời, đấu giá viên nghiên cứu, tổng hợp, phân tích, đánh giá, thuyết phục, tổ chức triển khai công việc và giải quyết các vấn đề phát sinh, xử lý các tình huống thuộc lĩnh vực đấu giá; có kỹ năng phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan khi thực hiện nhiệm vụ đấu giá.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Nguồn Chính Phủ: https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/de-xuat-tieu-chuan-chuc-danh-dau-gia-vien-11924052016063574.htm