Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu: Còn nhiều tranh cãi

Bộ LĐ-TB&XH đang lấy ý kiến để sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động năm 2012, trong đó sẽ cân nhắc tăng tuổi nghỉ hưu.

Theo TTXVN, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho biết Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang nghiên cứu về việc tăng tuổi nghỉ hưu trong lần sửa đổi Bộ Luật Lao động trình Quốc hội trong năm 2017. Tuổi nghỉ hưu của nữ sẽ tăng lên 58 và nam giới tăng lên 62 đã từng được đề xuất trong lần sửa Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 là một trong những phương án sẽ được nghiên cứu để đề xuất.

Thứ trưởng Phạm Minh Huân nhận định, Việt Nam đang ở trong giai đoạn đặc thù giữa quá trình già hóa và quá trình dân số vàng đan xen nhau. Vì vậy, vấn đề tận dụng nguồn nhân lực, đảm bảo việc làm và vấn đề an toàn về quỹ bảo hiểm xã hội là ba trục song song với nhau. Trong lần sửa Luật lao động lần này, ban soạn thảo sẽ tính toán nghiên cứu lộ trình điều chỉnh dần tuổi nghỉ hưu để trình Quốc hội.

Công nhân may nên được nghỉ hưu trước tuổi. Ảnh: Báo Người lao động

Thông tin báo Người lao động đăng tải, với ý kiến ủng hộ tăng tuổi nghỉ hưu, lý do được đưa ra là tuổi thọ của người Việt Nam ngày càng tăng, thời gian hưởng lương hưu kéo dài dẫn đến nguy cơ vỡ quỹ BHXH vào năm 2034. Về phía ý kiến phản đối, trong đó có nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng thì phân tích rõ: Trước quan ngại về việc vỡ Quỹ BHXH, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã khuyến cáo 2 vấn đề: Nâng tuổi nghỉ hưu để tăng thời gian đóng BHXH và đóng BHXH phải dựa trên lương thực hưởng chứ không phải trên lương tối thiểu. “Tại sao chỉ đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu mà không nghĩ đến việc rất quan trọng để tăng tiền Quỹ BHXH là mức đóng trên lương?” - ông Đặng Ngọc Tùng đặt câu hỏi, theo báo Người lao động.

Theo kinh nghiệm quốc tế, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là quan trọng, đa số các nước đều điều chỉnh dần dần. Tuy nhiên không có quốc gia nào điều chỉnh tuổi hưu khi đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng và tỉ lệ thất nghiệp ở lao động trẻ cao như Việt Nam bây giờ. Ông Lê Anh Vũ, giảng viên Trường Đại học Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) trao đổi với báo Người lao động: “Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu ngoài việc căn cứ trên dữ liệu về dân số còn phải tính toán thêm nhiều vấn đề có liên quan như cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phúc lợi xã hội, hội nhập quốc tế, giới tính, ngành nghề… Đặc biệt đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu cần có những nghiên cứu, thăm dò ý kiến từ chính người lao động trong từng ngành nghề cụ thể, tránh áp đặt chủ quan”.

Báo An ninh Thủ đô đưa tin, đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu để tận dụng năng lực, trình độ chuyên môn của nhóm lao động lớn tuổi là điều có thể thực hiện nhưng phải tính toán đến hai yếu tố: ngành nghề và sức ép việc làm đối với lao động trẻ. Bên cạnh đó, phải tiến hành các nghiên cứu khoa học dựa trên cơ sở thực tiễn của Việt Nam. Việc nhiều nước trên thế giới đã tăng tuổi hưu có thể xem là kinh nghiệm, mang tính chất tham khảo chứ không thể áp dụng trực tiếp cho Việt Nam.

Ông Lê Đình Quảng chia sẻ vowis PV An ninh thủ đô, với quan điểm có thể xem xét nâng tuổi hưu của nhóm lao động gián tiếp, cần xây dựng một lộ trình cụ thể nhằm đảm bảo sự ổn định trong quỹ lương, sức chịu đựng của doanh nghiệp và tâm lý của người lao động.

Để tránh dư luận xã hội về việc tăng tuổi hưu sẽ tạo ra tâm lý “tham quyền cố vị”, “giữ ghế”, ảnh hưởng tới cơ hội việc làm của thế hệ trẻ cần phải có một lộ trình tăng dần tuổi hưu theo lũy tiến. Bên cạnh đó, phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tạo sự linh hoạt, minh bạch hóa quá trình tuyển dụng, hạn chế độ tuổi nhất định cho từng công việc, đặc biệt là khu vực hành chính sự nghiệp.

Chia sẻ với An ninh thủ đô, bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đang tăng lên. Điều này tạo ra nhiều áp lực với quỹ hưu trí trong tương lai gần, đòi hỏi phải có những thay đổi về tuổi nghỉ hưu.

Tuy nhiên, việc nâng tuổi nghỉ hưu cần một lộ trình dựa trên những nghiên cứu khoa học căn cứ vào điều kiện thực tiễn của Việt Nam và lộ trình này có thể kéo dài 15-20 năm. Tới đây, việc tăng tuổi hưu cần phải tính tới cả vấn đề giới giữa lao động nam và nữ. Theo quy định của pháp luật hiện hành, nữ giới có tuổi nghỉ hưu sớm hơn nam giới 5 năm, tuy nhiên theo điều tra khảo sát, có tới hơn 40% phụ nữ vẫn tiếp tục làm việc sau khi nghỉ hưu.

Việc tăng tuổi nghỉ hưu cũng phải tính đến việc làm thế nào để vừa sử dụng tốt nhóm người cao tuổi nhưng vẫn phải tạo cơ hội cho lao động trẻ, nhất là nhóm lao động được đào tạo bài bản, có trình độ chuyên môn cao có cơ hội làm việc và cống hiến. Do đó, tới thời điểm này, Bộ LĐ-TB&XH vẫn đang nghiên cứu, tính toán các phương án mà chưa định hình sẽ tăng theo hướng nào.

Mạnh Long (T/h)

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/de-xuat-tang-tuoi-nghi-huu-con-nhieu-tranh-cai-d104456.html