Đề xuất tăng giờ làm thêm: Không làm thì đói, làm thì mệt

Nhiều doanh nghiệp đang kiến nghị tăng giờ làm thêm từ 200 giờ/năm lên 400 giờ/năm. Tuy nhiên, các chuyên gia lao động nhận định, người lao động sẽ mệt mỏi, dễ xảy ra tai nạn lao động. Còn người lao động, dù mệt vẫn miễn cưỡng làm thêm vì không làm sẽ... nghèo.

Nghèo còn làm ít?

Hiện nay, Bộ luật Lao động quy định thời gian làm việc bình thường của người lao động là 8 giờ/ngày và 48 giờ/tuần. Bên cạnh đó, số giờ làm thêm của người lao động không quá 4 giờ/ngày, 30 giờ/tháng và 200 giờ/năm. Chỉ những trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định, số giờ làm thêm mới được 300 giờ/năm. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai các doanh nghiệp cho rằng điều này không còn phù hợp.

Công nhân thích tăng ca bởi thu nhập của họ quá thấp (ảnh chụp tại Bình Dương). Ảnh: Minh Nguyệt

Tổ chức lao động quốc tế đưa ra mức làm việc trung bình là 48 giờ/tuần. Nhưng giờ làm việc trung bình ở Việt Nam là 45,2 giờ/tuần. Tuy nhiên, cũng có một bộ phận khá lớn người lao động phải làm việc nhiều hơn số giờ quy định, tỷ lệ này ở mức 37,3%. Tỷ lệ này cao hơn những nước khác như Malaysia, Thái Lan, Hongkong (Trung Quốc)”.

Ông Jon Messenger -
Chuyên gia về điều kiện
làm việc ILO tại Geneva

Theo ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty May Hưng Yên, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên, luật quy định số giờ làm thêm như trên là tiến bộ, nhưng trong bối cảnh đất nước còn nghèo, còn đi sau thế giới, chúng ta phải làm việc với cường độ và thời gian nhiều hơn mới đuổi kịp các nước.

Ông Dương cho rằng, việc quy định giới hạn giờ làm thêm quá thấp gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc đáp ứng tiến độ đơn hàng hoặc nếu nhận đơn hàng có thể bị phạt vì chậm tiến độ. Hơn nữa, nếu doanh nghiệp có vi phạm quy định về giờ làm việc, khách hàng nước ngoài về kiểm tra phát hiện vi phạm giờ làm thêm sẽ hủy hợp đồng, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp.

Theo ông Dương, lao động cũng thích được làm thêm giờ để tăng thu nhập. Đối với May Hưng Yên, nếu không làm thêm giờ, mức lương của người lao động chỉ khoảng 4 triệu đồng/tháng trong khi làm thêm giờ có thể được 8 triệu đồng/tháng.

Ông Bang Huyn Woo - Phó Tổng Giám đốc phụ trách đối ngoại, Công ty TNHH Samsung Electronic Việt Nam cho biết, giờ làm thêm của Việt Nam đang thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và thế giới. Hiện nay, GDP bình quân đầu người của Việt Nam khoảng 2.232 USD/năm (hơn 49 triệu đồng/năm) trong khi số giờ làm thêm chỉ 30 giờ/tháng, 200 giờ/năm. Nếu so với Nhật Bản, GDP bình quân đầu người của họ lên tới 41.000 USD/năm (902 triệu đồng/năm), cao gấp 18 lần thu nhập bình quân của người Việt. Đáng nói, số giờ làm thêm của người Nhật vẫn cao gấp đôi Việt Nam, tương đương 60 giờ/tháng, 720 giờ/năm. Hay so sánh với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, số giờ làm thêm của họ vẫn rất cao, khoảng 60 giờ/tháng.

Tăng giờ làm dễ xảy ra tai nạn

Ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN) thừa nhận đúng là có nhiều doanh nghiệp dệt may phản ánh tình trạng đơn hàng cần thực hiện gấp, nhưng gặp khó khăn bởi quỹ thời gian làm thêm ít. Vì vậy, có thể xem xét theo hướng “nới rộng” giới hạn giờ làm thêm, có thể nâng lên mức tối đa là 400 giờ/năm, nhưng việc tăng giờ làm thêm chỉ nên áp dụng ở một số doanh nghiệp đặc thù theo ngành nghề hoặc sử dụng đông lao động.

“Việc này phần nào sẽ tạo sự linh hoạt cho doanh nghiệp, tuy nhiên chế độ trả lương giờ làm thêm nên tính theo phương pháp lũy tiến. Nếu doanh nghiệp huy động người lao động làm thêm từ 200-300 giờ, người sử dụng phải trả bằng 200% lương của ngày làm việc bình thường. Nếu tăng từ 300-400 giờ, người sử dụng lao động phải trả mức 250% lương của ngày làm việc bình thường và nếu trên 500 giờ, mức phải trả bằng 300% lương” - ông Quảng kiến nghị.

Trong khi đó, ông Ngô Thành Phát - Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty May Việt Tiến cho rằng, số giờ làm thêm hiện nay là phù hợp. Đối với Việt Tiến, người lao động làm việc 8 tiếng, cộng 1 tiếng làm thêm và được nghỉ chiều thứ 7, cả ngày Chủ nhật. Dù số giờ làm việc thấp hơn những nơi khác, nhưng năng suất lao động vẫn cao, tổng thu nhập của người lao động vẫn được 8,5 triệu đồng/tháng.

"Khi người lao động làm quá 9 giờ/ngày trong ngành may mặc sẽ rất mệt mỏi, nếu ép họ làm thêm 1 giờ nữa không những năng suất không cao, mà còn có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động" - ông Phát nói.

Ông Phát cũng cho rằng, việc tăng năng suất lao động không phải bằng cách kéo dài thời gian làm việc mà phải thông qua việc cải tiến công nghệ, quy trình sản xuất và đưa thiết bị hiện đại, đào tạo nguồn nhân lực. Do đó, với Việt Tiến, trước đây người lao động phải mất 10 giờ mới làm ra 100 sản phẩm thì nay chỉ mất 8 giờ, trong khi thu nhập vẫn ổn định.

Thực tế, tăng thời gian làm thêm giờ không phải là một giải pháp dài hạn để tăng cường sản xuất. Thời gian làm việc dài trong một tuần (hơn 48 giờ/tuần) thường đi kèm tình trạng mệt mỏi, dẫn tới các vấn đề về sức khỏe như bệnh tim mạch, thậm chí làm tăng tỷ lệ tử vong, cũng như làm gia tăng sự nhầm lẫn khi làm việc hay tai nạn lao động. Ngoài ra, thời gian làm việc dài trong 1 tuần (hơn 48 giờ/tuần) cũng đi kèm với tình trạng mất cân bằng cuộc sống-công việc và làm tăng mâu thuẫn cuộc sống-công việc.

Tiếp thu những ý kiến của doanh nghiệp, ông Phạm Minh Huân - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho hay, Bộ sẽ nghiên cứu số giờ làm thêm sao cho phù hợp để vừa đáp ứng được yêu cầu sản xuất, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp nhưng cũng phải tính tới khả năng hồi phục của người lao động. “Đây sẽ là một trong những nội dung sửa đổi Luật Lao động sắp tới” - Thứ trưởng Huân nói.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/de-xuat-tang-gio-lam-them-khong-lam-thi-doi-lam-thi-met-714122.html