Đề xuất sửa đổi Luật Kế toán

(Chinhphu.vn) – Bộ Tài chính đang dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán.

Ảnh minh họa

Bộ Tài chính cho biết, Luật Kế toán đã được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 17/6/2003, sau 10 năm thực hiện cho thấy đã đạt được những kết quả quan trọng song cũng còn những tồn tại hạn chế.

Bộ Tài chính đã dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán nhằm tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về kế toán, đặc biệt là nguyên tắc kế toán, chế độ kế toán, chuẩn mực kế toán và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan trong việc tuân thủ quy định pháp luật về tài chính, kế toán nhằm tạo điều kiện cho kế toán thật sự trở thành một công cụ trong việc quản lý tài chính của doanh nghiệp, các đơn vị tài chính kế toán cũng như công cụ quản lý, giám sát của Nhà nước…

Bộ Tài chính cho biết, về nguyên tắc kế toán, hiện tại Luật Kế toán quy định duy nhất theo nguyên tắc giá gốc (giá trị ghi sổ) để hạch toán và lập báo cáo tài chính. Tuy nhiên, do môi trường kinh tế-xã hội đã có sự thay đổi, Việt Nam đang hoàn chỉnh cơ chế kinh tế thị trường, vì vậy việc hạch toán theo giá gốc là chưa phù hợp với thông lệ phổ biến trên thế giới và các chuẩn mực kế toán quốc tế; một số lĩnh vực kinh doanh như tín dụng, chứng khoán nếu phản ánh theo giá gốc sẽ không thấy được thực chất của vốn, tài sản trong kinh doanh.

Mặt khác, hạch toán theo giá trị hợp lý (giá trị thị trường) cũng sẽ không hoàn toàn phù hợp với điều kiện của Việt Nam, vì một số yếu tố kinh tế thị trường vẫn chưa thực hiện hoàn chỉnh, theo đó có loại tài sản nếu hạch toán theo giá trị hợp lý thì không có đủ cơ sở xác định giá để hạch toán và báo cáo.

Xuất phát từ tình hình trên, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung thêm nguyên tắc: Đối với một số loại tài sản có giá trị thường xuyên biến động theo giá thị trường và có cơ sở định giá thì đơn vị kế toán được hạch toán theo giá trị hợp lý do Bộ Tài chính quy định.

Bộ cũng đề xuất sửa đổi quy định về hóa đơn bán hàng. Theo Bộ Tài chính, hóa đơn bán hàng là một trong những chứng từ quan trọng để hạch toán hoạt động kinh doanh tài chính của doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức kinh tế, đồng thời là căn cứ để kê khai, thanh quyết toán thuế với ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, điều 12 Luật Kế toán chưa phản ánh nội dung này.

Bộ Tài chính đề xuất quy định rõ: Hóa đơn bán hàng là chứng từ kế toán đặc biệt do đơn vị kế toán lập khi bán hàng, cung cấp dịch vụ cho người mua. Hóa đơn bán hàng dùng để hạch toán kế toán tại đơn vị và sử dụng để kê khai, thanh toán, quyết toán thuế với ngân sách Nhà nước. Nội dung, hình thức hóa đơn bán hàng, trình tự lập và quản lý nội dung hóa đơn bán hàng thực hiện theo quy định pháp luật về hóa đơn bán hàng.

Cấm cho thuê, mượn chứng chỉ hành nghề kế toán

Theo Bộ Tài chính, việc cá nhân, tổ chức kinh doanh dịch vụ kế toán đã được quy định tại Điều 55 Luật Kế toán. Tuy nhiên, các điều kiện để thành lập doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán, điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề kế toán chưa được quy định cụ thể.

Bộ Tài chính đã đề xuất bổ sung, sửa đổi theo hướng quy định: Để thành lập doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán phải có ít nhất 2 người có chứng chỉ kế toán, trong đó Giám đốc doanh nghiệp phải có chứng chỉ hành nghề kế toán từ 2 năm trở lên. Doanh nghiệp có thể được thành lập dưới hình thức Công ty trách nhiệm hữu hạn (tương tự như đối với doanh nghiệp kiểm toán độc lập) và có vốn pháp định từ 1 tỷ đồng trở lên. Những người có chứng chỉ hành nghề kế toán làm việc trong doanh nghiệp phải tham gia góp vốn tối thiểu 50% vốn điều lệ đơn vị.

Đồng thời, bổ sung thêm các quy định về hồ sơ thủ tục cấp, đình chỉ và thu hồi giấy chứng nhận kinh doanh dịch vụ kế toán.

Tại dự thảo, Bộ Tài chính cũng đề xuất bổ sung 2 hành vi: Lập hai hoặc nhiều hệ thống sổ kế toán tài chính khác nhau; cho thuê, cho mượn chứng chỉ hành nghề kế toán vào quy định các hành vi bị cấm.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây .

Thanh Hoài

Từ khóa: Kế toán

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/chinh-sach-moi/de-xuat-sua-doi-luat-ke-toan/189717.vgp