Đề xuất quản lý riêng biệt thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử

Theo đề xuất của đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) tại Tọa đàm 'Thực trạng thuốc lá mới và giải pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng' mới đây, cần quản lý riêng biệt thuốc là làm nóng và thuốc lá điện tử để phù hợp với định nghĩa của luật hiện hành.

Thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO): “Sản phẩm thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng đều có chứa nicotine, nhưng khác nhau ở thành phần. Thuốc lá làm nóng có nguyên liệu thuốc lá trong điếu thuốc lá ngắn đặc chế. Thuốc lá điện tử thì có thành phần là dung dịch tinh dầu với khoảng 15.500 loại hương liệu được sử dụng, trong đó, rất nhiều loại hương liệu độc hại, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, có thể gây cháy nổ, và có thể pha trộn các chất khác vào dung dịch như ma túy, cần sa”.

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Cao Trọng Quý, Trưởng phòng Công nghiệp, tiêu dùng thực phẩm, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) khuyến nghị, cần phân biệt rõ sản phẩm thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng.

Cần quản lý riêng biệt đối với loại hình thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử (ảnh minh họa)

Đánh giá về thực trạng hiện tại, các đại biểu tham gia tọa đàm đã nêu lên nghịch lý: Nhóm sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng,… hiện chưa được phép nhập khẩu nhưng các sản phẩm này lại vào Việt Nam qua con đường nhập lậu hoặc xách tay, được mua, bán dễ dàng và đang được sử dụng phổ biến trong xã hội, cộng đồng. Điều này mang đến nhiều hệ lụy cho sức khỏe của người dùng, tạo gánh nặng cho ngành y tế và toàn xã hội nói chung.

Cũng theo ý kiến các chuyên gia tại tọa đàm, trong tiến trình hoàn thiện khung pháp lý quản lý thuốc lá mới, cần quan tâm đầy đủ đến vấn đề thị trường thay vì chỉ tiếp cận theo hướng bảo vệ sức khỏe người dùng.

Liên quan đến cơ sở pháp lý, tiến trình kiểm soát thuốc lá mới, ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, chúng ta chỉ mới tiếp cận theo hướng bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng, nhưng chưa quan tâm đầy đủ đến vấn đề thị trường. Đồng thời việc cấm mặt hàng này cũng không khả thi về mặt thực tiễn. Trong khi đó, Luật Phòng chống tác hại thuốc lá đã có quy định rõ vùng ảnh hưởng, phạm vi, đối tượng bị cấm tiếp xúc với mọi loại thuốc lá, cũng như đã giải thích rõ định nghĩa về sản phẩm thuốc lá thuộc phạm vi điều chỉnh của luật.

Ông Nguyễn Đức Kiên nêu rõ, tinh thần của Chính phủ đối với vấn đề thuốc lá mới là tôn trọng thực tế khách quan, nhưng vẫn có những biện pháp đồng bộ, vừa bảo đảm người dùng được dùng hàng chất lượng và bảo đảm không thất thu ngân sách của Nhà nước, bảo đảm quản lý để không tạo thành một mặt hàng siêu lợi nhuận và bảo vệ sức khỏe người dân Việt, đặc biệt là thế hệ trẻ. Theo đó, Chính phủ đã giao cho Bộ Công Thương chủ trì đề xuất phương án quản lý thuốc lá mới.

Cũng đề cập nội dung này, ông Cao Trọng Quý thông tin, đến nay, đã có 184/195 quốc gia đã ban hành quy định quản lý thuốc lá làm nóng, 111/195 quốc gia ban hành quy định quản lý thuốc lá điện tử. Cơ chế quản lý 2 sản phẩm này còn khác nhau giữa các nước, nhưng điểm chung là phần lớn đều áp dụng quy định theo Luật Phòng chống tác hại thuốc lá của nước sở tại.

Về tiến trình xây dựng Chính sách quản lý thí điểm về thuốc lá mới, ông Cao Trọng Quý cho biết, đối với quan điểm của cơ quan soạn thảo, chúng tôi căn cứ vào ý kiến của Bộ Tư pháp cần đánh giá sự tương thích của thuốc lá thế hệ mới với định nghĩa của thuốc lá hiện nay, nếu có sản phẩm thuốc lá thế hệ mới nào thuộc phạm trù thuốc lá thì đề xuất đưa định nghĩa thuốc lá thế hệ mới vào Nghị định về kinh doanh thuốc lá thay thế Nghị định 67/2013.

“Bộ Công Thương đã có 2 lần trình Chính phủ chính sách quản lý thí điểm về quản lý thuốc lá mới, song hiện vẫn chưa thống nhất với Bộ Y tế. Bộ Công Thương đang xây dựng theo hướng tiệm cận gần nhất với Bộ Y tế để bảo đảm phù hợp với thực tiễn quản lý cũng như thông lệ quốc tế”, ông Quý thông tin.

Tuấn Minh

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/de-xuat-quan-ly-rieng-biet-thuoc-la-lam-nong-va-thuoc-la-dien-tu-161856.html