Đề xuất nhập khẩu nội tạng đông lạnh: Tiếp tay cho tình trạng mất ATVSTP

(DĐDN) Sau hơn 2 năm thực hiện lệnh cấm, Bộ NN- PTNT vừa có công văn số 79/BNN-HTQT đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép nhập khẩu trở lại nội tạng động vật trắng đông lạnh (dạ sách trâu bò, pín, dạ dày, tràng, mề gà...), bắt đầu từ quý I/2013. Quyết định này của Bộ thêm một lần nữa khiến dư luận không ít băn khoăn, lo lắng về vấn đề ATVSTP vốn đang nhức nhối lâu nay.

Gần một tấn nội tạng động vật đã bốc mùi trên đường vận chuyển vào các tỉnh miền Nam tiêu thụ bị lực lượng Cảnh sát giao thông Thừa Thiên Huế phát hiện bắt giữ cách đây 1 tháng.

Phải nói ngay là, nhắc đến nội tạng động vật, chắc chắn nhiều người sẽ mường tượng đến những vụ vận chuyển nội tạng ôi thiu, thậm chí thối rữa tuồn vào tiêu thụ ở các thành phố lớn mà cơ quan chức năng liên tục phát hiện, bắt giữ trong thời gian qua. Điều này cũng cho thấy rõ những cái chưa được trong việc kiểm soát, sử dụng loại thực phẩm này. Vậy vì sao Bộ NN- PTNT lại vẫn tiếp tục yêu cầu cho nhập khẩu lại mặt hàng này?

Ba lý do của Bộ

Trao đổi với chúng tôi, đại diện lãnh đạo Bộ NN- PTNT cho biết, việc cho phép nhập khẩu trở lại nội tạng động vật trắng đông lạnh có ba lý do chính:

Thứ nhất, các nước thành viên WTO, đặc biệt là các đối tác thương mại lớn đã gây sức ép với VN khi cho rằng nước ta đã vi phạm quy định của Hiệp định Kiểm dịch động, thực vật (SPS) khi cấm nhập nội tạng. Các nước đều cho rằng, VN chưa đưa ra được bất kỳ chứng cứ khoa học nào cho biện pháp tạm thời này mà vẫn duy trì nó trong thời gian quá dài (tính đến nay đã trên 2 năm), điều đó là rất khó chấp nhận. Họ ngày càng tạo sức ép và áp dụng các biện pháp tác động đến xuất khẩu của ta.

Thứ hai, trên thực tế lượng nhập khẩu nội tạng trắng nếu có cho phép cũng sẽ ở mức độ không lớn. Như vậy về giá trị thương mại là không đáng kể. Đánh giá khả năng về lượng nếu cho phép nhập khẩu trở lại, vị đại diện này cho rằng các loại sản phẩm nhập khẩu tập trung chủ yếu vẫn là tràng, dương vật, tinh hoàn gia súc và mề gà với số lượng sẽ không nhiều hơn đáng kể so với lượng đã nhập trong những năm trước đây như đã báo cáo ở trên.

Thứ ba, năng lực và biện pháp kiểm soát ATTP đối với các sản phẩm động vật nhập khẩu của VN đã được cải thiện hơn trước. Về biện pháp, Bộ NN- PTNT đã ban hành Thông tư 25/2010/TT-BNNPTNT quy định việc kiểm tra ATTP hàng hóa có nguồn gốc động vật. Các cơ quan kiểm dịch động vật thuộc Cục Thú y đã được tăng cường về năng lực cho các đơn vị trực tiếp kiểm soát nhập khẩu ở các cửa khẩu lớn như Hải Phòng, Hà Nội, TP HCM, đảm bảo đủ khả năng và kinh nghiệm để kiểm soát tốt việc nhập khẩu mặt hàng này. Mặt khác, trong thời gian qua, các vi phạm về ATTP đối với các loại nội tạng nhập khẩu nói chung đều không phát sinh ở những lô hàng nhập chính ngạch tại các cửa khẩu lớn. Vấn đề mất ATTP chủ yếu xảy ra ở các hoạt động buôn lậu qua đường biên giới vốn thực chất là nằm ngoài vòng kiểm soát bằng các quy định pháp lý.

Đề xuất không thể chấp nhận được

Trên thực tế, trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã liên tiếp phát hiện nhiều vụ nhập lậu cả nội tạng thối để tiêu thụ. Chỉ tính riêng tại Lào Cai, dù chỉ phát hiện hai vụ nhập lậu nội tạng nhưng số lượng phát hiện được lại lên đến 1,5 tấn. Tại Lạng Sơn, chỉ trong 2 tháng cuối năm (11 và 12/2012), công an đã phát hiện, bắt giữ 38 vụ buôn bán, vận chuyển nội tạng “bẩn”, thu gần 11 tấn nầm lợn, tràng lợn. Hay trước đó, Công an TP Lạng Sơn đã phát hiện hơn 3 tấn nầm “bẩn” từ Trung Quốc đang chuẩn bị được bốc dỡ xuống các xe tải để tuồn nào nội địa...

Ông Nguyễn Đăng Vang- Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi VN cho rằng, đề xuất trên của Bộ NN- PTNT không thể chấp nhận được, nó sẽ góp phần gây hại sức khỏe của người dân trong nước. Vì thực tế cho thấy, nội tạng chứa nhiều hàm lượng cholesterol; khả năng tồn dư các độc tố rất lớn, không tốt cho người tiêu dùng. Việc nhập nội tạng nếu không kiểm soát tốt, còn có nguy cơ mang theo các mầm bệnh lây lan. Cũng theo ông Vang, việc nhập nội tạng nếu không kiểm soát tốt còn có nguy cơ mang theo các mầm bệnh lây lan cho gia súc, gia cầm, ảnh hưởng tới chăn nuôi trong nước. Trước khi đưa ra đề xuất nhập khẩu nội tạng, đáng lẽ Bộ NN- PTNT cần hỏi ý kiến của người dân và nhà khoa học vì nếu “nhắm mắt” đề nghị kiểu này thì sức khỏe của gần 90 triệu người dân VN sẽ ra sao?.Tôi khẳng định, nếu được hỏi, chắc chắn người dân và nhà khoa học đều phản đối, không đồng ý với quyết định cho nhập nội tạng - ông Vang thẳng thắn.

Theo một chuyên gia đầu ngành Thú y, từng là Cục trưởng Cục Thú y Bộ NN- PTNT, khâu kiểm dịch ATTP cửa khẩu từ lâu đã là nỗi lo chung, đến nay chúng ta vẫn chưa đủ năng lực để làm tốt việc này. Lý do một số nước trong WTO gây áp lực mà Bộ NN- PTNT đưa ra, được chuyên gia này cho rằng, quá khiên cưỡng, không thỏa đáng. Bộ NN- PTNT phải có trách nhiệm xem xét mức độ ảnh hưởng quan hệ như thế nào, giải trình thêm cho thấu đáo. Và vị chuyên gia này khẳng định thêm lần nữa, cần cân nhắc, xem xét kỹ giữa cái lợi và tác hại, năng lực quản lý trong nước, tránh gây áp lực thêm cho công tác đảm bảo ATTP trong bối cảnh hiện nay.

Trước bức xúc của dư luận về đề xuất cho nhập khẩu nội tạng đông lạnh, chúng tôi đã liên hệ với Thứ trưởng Bộ NN- PTNT Vũ Văn Tám- người trực tiếp đặt bút ký đề xuất, Thứ trưởng Tám khẳng định đề xuất này là do Cục Thú y - cơ quan tham mưu trình lên, tôi chỉ ký. Bản thân ông không biết dư luận bức xúc như thế nào. Mọi vấn đề chi tiết phải trao đổi với ông Phạm Văn Đông- Cục trưởng Cục Thú y. Tuy nhiên, khi trao đổi với với ông Đông, ông này cho biết, việc này Cục chỉ có trách nhiệm báo cáo lên Bộ, còn có ý kiến thế nào là do Bộ quyết định. Ông Đông cũng giải thích thêm, việc cho nhập khẩu nội tạng động vật trở lại không có nghĩa là cho nhập ồ ạt, mà là nhập có kiểm soát. Vậy ai sẽ là cơ quan đứng ra chịu trách nhiệm nếu đề xuất của Bộ NN- PTNT sẽ trở thành “gánh nặng” nghiêm trọng với khỏe của người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Thanh Phong - Phó Cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế:
Cần cân nhắc kỹ lưỡng

Khi đề xuất bất kỳ một nội dung nào thì cơ quan đề xuất cũng có cái lý của họ và họ đã cân nhắc tới yếu tố kinh tế và yếu tố tác động tới sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, nội tạng nhập khẩu cần quản lý chặt chẽ về nguồn gốc xuất xứ và các chỉ số đảm bảo về ATVSTP.

Vì thực tế, nội tạng động vật thường dính các chất bẩn từ phân, qua quá trình chế biến không đảm bảo nên dễ mắc phải các vi khuẩn độc hại gây tiêu chảy, gây bệnh. Đó là chưa kể tới những lô hàng nội tạng buôn lậu bắt được trong thời gian qua thường được ướp hóa chất và có thể để được rất lâu mà không bốc mùi. Đó là chưa kể tới việc một số DN, đơn vị kinh doanh làm ăn bất chính sẽ nhân cơ hội này để “lách luật” nhập về với số lượng lớn, vì mua rẻ, bán đắt. Do đó, vấn đề nhập khẩu loại mặt hàng này cần cân nhắc kỹ lưỡng, hãy thực sự nghĩ tới sức khỏe của người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng thư ký, Phó chủ tịch hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng VN: Lý do khó chấp nhận

Phần lớn các nước, người dân không sử dụng nội tạng làm thực phẩm cho người, mà chỉ dùng chế biến cho chăn nuôi thì VN lại cho nhập khẩu về làm thực phẩm. Đáng nói, loại hàng hóa này không có giá trị về mặt dinh dưỡng, lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATTP rất cao. Các lô hàng lòng, tràng, dạ dày… tẩm ướp hóa chất bảo quản, vận chuyển hàng tháng trời trên biển đã từng được phát hiện. Vậy tại sao VN phải nhập những thứ đó về tiêu thụ? Trong khi đó, để bảo vệ sản xuất trong nước, bảo vệ người tiêu dùng, xu hướng chung của tất cả các nước là xây dựng rào cản kỹ thuật. Do đó, lý do mà Bộ NN- PTNT đưa ra là khó có thể chấp nhận được.

PGS TS Nguyễn Thị Lâm - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia:
Nên mua sản phẩm có tem nhãn rõ ràng

Do những cam kết khi tham gia thị trường WTO và bản thân người dân VN vẫn có nhu cầu tiêu thụ nội tạng thì việc nhập vẫn cần phải cho phép. Tuy nhiên, vấn đề là nhà nước quản lý sao cho chất lượng sản phẩm nhập khẩu đảm bảo. Nếu nhập theo đường chính ngạch, có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo các chỉ tiêu yêu cầu thì không có gì đáng bàn.

Nhưng có 2 nguồn nhập cần phải nói đến là tạm nhập- tái xuất và hàng lậu. Hàng tạm nhập- tái xuất là hàng chỉ đi qua VN, sau đó sẽ nhập khẩu sang nước thứ ba- chính là hàng mà thời gian qua không ít lô được các cơ quan chức năng phát hiện là kém chất lượng. Còn hàng lậu thì chất lượng không thể đảm bảo. Lời khuyên của chúng tôi là: Người tiêu dùng nên mua sản phẩm có tem nhãn rõ ràng, ở những địa chỉ bán tin cậy. Khi mua, khi ăn thì vận dụng những giác quan, cảm quan để chọn được sản phẩm tươi ngon.

DĐDN sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này vào số báo tiếp theo.

Mai Thanh

Nguồn DĐDN: http://dddn.com.vn/20130116120359763cat163/de-xuat-nhap-khau-noi-tang-dong-lanh-tiep-tay-cho-tinh-trang-mat-atvstp.htm