Đề xuất Nhà nước thu phí sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư

Nhà nước thu phí sử dụng đường cao tốc đối với phương tiện lưu thông trên tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, sở hữu, quản lý và khai thác, gồm: Đường cao tốc do Nhà nước đầu tư theo hình thức đầu tư công; đường cao tốc được đầu tư theo các hình thức khác khi kết thúc hợp đồng, chuyển giao cho Nhà nước.

Chiều 26/3, tiếp tục Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5, các đại biểu đã thảo luận về dự án Luật Đường bộ.

Báo cáo một số nội dung lớn về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ cho biết, sau khi chỉnh lý, dự thảo Luật có 86 điều, giảm 6 điều so với dự thảo Luật Chính phủ trình.

Đáng quan tâm, có ý kiến đề nghị đánh giá sự cần thiết quy định thu phí sử dụng đường cao tốc trên tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, sở hữu, quản lý và khai thác. Theo Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh, Bộ Giao thông vận tải đã triển khai nghiên cứu phương án thu phí trên các tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư; đánh giá tác động trong trường hợp thu phí và không thu phí đối với các tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư.

Toàn cảnh hội nghị.

Cụ thể, các tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư đều có đường quốc lộ song hành, cho phép người tham gia giao thông có quyền lựa chọn sử dụng đường cao tốc hoặc đường quốc lộ. Người tham gia giao thông trên đường cao tốc được hưởng nhiều lợi ích hơn do tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí vận tải, chi phí nhiên liệu, chi phí khấu hao phương tiện.

Hình thức thu phí sử dụng đường bộ hiện tại chưa phân loại được người sử dụng đường bộ thông thường và người sử dụng đường bộ cao tốc (được hưởng chất lượng dịch vụ tốt hơn).

Để bảo đảm sự phù hợp giữa mức phí đóng góp và chất lượng dịch vụ được hưởng của người sử dụng, căn cứ trên nguyên tắc người sử dụng có quyền lựa chọn tuyến song hành, nếu sử dụng dịch vụ có chất lượng cao hơn thì phải trả chi phí cao hơn, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho rằng, quy định này là phù hợp, không dẫn đến phí chồng phí.

Theo Điều 50 dự thảo Luật, Nhà nước thu phí sử dụng đường cao tốc đối với phương tiện lưu thông trên tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, sở hữu, quản lý và khai thác, bao gồm: Đường cao tốc do Nhà nước đầu tư theo hình thức đầu tư công; Đường cao tốc được đầu tư theo các hình thức khác khi kết thúc hợp đồng, chuyển giao cho Nhà nước.

Bên cạnh đó, về hoạt động vận tải đường bộ, một số ý kiến cho rằng, quy định tại dự thảo Luật dẫn đến các loại hình dịch vụ cung cấp phần mềm kết nối hành khách với tài xế được xếp vào kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; đề nghị giữ quy định về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô như Luật Giao thông đường bộ năm 2008; quy định loại hình kinh doanh cung cấp ứng dụng phần mềm để kết nối hành khách với tài xế như Grab, Be hay Gojek là dịch vụ phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho rằng, dự thảo Luật Chính phủ trình quy định về loại hình kinh doanh vận tải bằng xe ô tô căn cứ vào vai trò của chủ thể tổ chức hoạt động vận tải thông qua hai yếu tố chính là “điều hành phương tiện và lái xe” hoặc “quyết định giá cước vận tải”.

Ảnh minh họa. (Ảnh: Phương Ngân)

Trường hợp tổ chức, cá nhân chỉ cung cấp ứng dụng kết nối cho bên thứ ba mà không trực tiếp tham gia điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước thì đã được quy định là dịch vụ hỗ trợ vận tải tại Điều 71 của dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý. Nội dung này được xây dựng trên cơ sở quy định của Nghị định 10/2020/NĐ-CP hiện nay.

Như vậy, nếu các tổ chức quản lý ứng dụng Grab, Be hay Gojek không tham gia hoạt động điều hành phương tiện và lái xe hoặc không tham gia quyết định giá cước vận tải thì không xác định là đơn vị kinh doanh vận tải. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh đề nghị giữ quy định này như dự thảo Luật.

Thảo luận tại hội nghị, đại biểu Lê Hoàng Anh (Đoàn tỉnh Gia Lai) cho rằng, tới nay chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn đường cao tốc, tạo ra nhiều bất cập, gây khó khăn cho việc triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông đường cao tốc. Đại biểu đề nghị luật hóa các nguyên tắc bắt buộc trong Luật, sau đó Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải mới ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể.

Cụ thể, đại biểu đề nghị cần có 6 điểm quy định trong Luật: Bắt buộc phải có dải phân cách cứng; phải có làn khẩn cấp; phải có điểm dừng đỗ; tốc độ các phương tiện di chuyển phải cao nhất trong các cấp kỹ thuật; khổ làn không thấp hơn 3,75m; quy định số làn cụ thể.

Đại biểu Trần Văn Khải, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội cho rằng, giao thông vỉa hè hiện nay là vấn đề vướng mắc lớn ở các thành phố. Việc này dự thảo Luật Đường bộ giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức quản lý, vận hành khai thác sử dụng bảo trì.

Tuy nhiên chưa có quy định về vấn đề giao thông vỉa hè. Đây là lỗ hổng trong quy định của luật lâu nay, vì vậy cần bổ sung quy định vỉa hè là đường giao thông dành cho người đi bộ, nghiêm cấp các phương tiên lưu thông trên vỉa hè (xe máy, xe đạp...). Trong trường hợp cho phép kinh doanh vỉa hè như chỗ đỗ xe, chỗ gửi xe, kinh doanh hàng ăn... thì vẫn phải đảm bảo dành phần vỉa hè cho người đi bộ.

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/de-xuat-nha-nuoc-thu-phi-su-dung-duong-cao-toc-do-nha-nuoc-dau-tu-168131.html