Đề xuất gói hỗ trợ quy mô lớn ứng phó với dịch Covid-19

Chính phủ đang huy động mọi nguồn lực, xây dựng dự thảo chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với quy mô đủ lớn để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Sớm “chốt” gói hỗ trợ hồi phục kinh tế

Tại hội nghị tham vấn về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế gắn với nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế giai đoạn 2022-2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, so với nhiều nước trong khu vực như Thái Lan có quy mô gói hỗ trợ dịch bệnh tương đương 11,4% GDP, Malaysia khoảng 5,3% GDP, thì mức hỗ trợ của Việt Nam vẫn ở mức thấp.

Kinh nghiệm quốc tế, khuyến nghị của các chuyên gia, tổ chức quốc tế đều cho rằng Việt Nam cần phải xây dựng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, để không lỡ nhịp khi bước vào trạng thái bình thường mới.

Bộ Kế hoạch và đầu tư đánh giá nền kinh tế Việt Nam đang chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tốc độ tăng trưởng chậm lại, quý 3 GDP -6,17%, tăng trưởng GDP 9 tháng chỉ đạt 1,42%.

Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa, các chuỗi cung ứng, tiêu dùng bị gián đoạn, đứt gãy; chi phí sản xuất tăng cao; năng lực nội tại, sức chống chịu của nền kinh tế ngày càng giảm sút; nguồn lực của cộng đồng doanh nghiệp ngày càng bị bào mòn; đời sống của người dân, người lao động gặp nhiều khó khăn.

Để hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế, thời gian qua Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, bao gồm cả chính sách tài khóa và tiền tệ như giãn, giảm thuế, phí, lệ phí, khoanh nợ, giãn nợ, gia hạn và giảm lãi suất các khoản vay, chi ngân sách nhà nước với quy mô khoảng 6,7 tỉ USD.

Sớm “chốt” gói hỗ trợ hồi phục kinh tế

Sớm “chốt” gói hỗ trợ hồi phục kinh tế

Nếu tính cả các khoản hỗ trợ qua các kênh quỹ bảo hiểm thất nghiệp, các khoản miễn, giảm cước viễn thông, điện, nước, học phí..., quy mô các gói hỗ trợ năm 2021 là khoảng 10,45 tỉ USD, tương đương 2,84% GDP, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết thêm.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và đầu tư, chính sách hỗ trợ thời gian qua vẫn chủ yếu nhằm giải quyết khó khăn ngắn hạn về tài chính của doanh nghiệp, người dân, chủ yếu tác động về phía cung của nền kinh tế, trong khi lại thiếu các giải pháp mang tính tổng thể, dài hạn, đồng bộ với nguồn lực đủ lớn để thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế gắn với cải cách cơ cấu, cải thiện năng lực cạnh tranh, sức chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc trong tương lai.

Theo ông Dũng, Việt Nam đã bắt đầu thay đổi cách tiếp cận với dịch bệnh theo hướng "thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19" để thực hiện vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Độ bao phủ vắc xin ngày càng khả quan cũng tạo điều kiện tốt để mở cửa, khôi phục các hoạt động kinh tế.

Do đó, Bộ Kế hoạch và đầu tư cho rằng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế là rất cấp thiết để có được những chính sách đúng đắn, tập trung mọi nguồn lực nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả nhất để kiểm soát dịch bệnh, hỗ trợ người dân, người lao động, nền kinh tế vượt qua khó khăn, thử thách, nắm bắt các thời cơ, xu hướng mới để nhanh chóng phục hồi và phát triển trong trạng thái bình thường mới.

Giải trình trước Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết bộ đang tham mưu Chính phủ thiết kế gói kích cầu bằng hỗ trợ lãi suất mỗi năm khoảng 20.000 tỉ đồng, hai năm khoảng 40.000 tỉ đồng để không ảnh hưởng đến nợ công và bội chi.

Ủng hộ gói kích cầu bởi sẽ thúc đẩy kinh tế phát triển và tăng thu ngân sách, giảm bội chi trở lại trong các năm sau, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói: "Chúng ta phải thực hiện gói kích cầu vào chương trình trọng điểm có sức lan tỏa lớn, vào lĩnh vực hiệu quả. Nếu hỗ trợ lãi suất 4% thì có 1 triệu tỉ đồng đưa vào nền kinh tế, sẽ tạo việc làm, thúc đẩy sản lượng..."

Giảm thủ tục tiếp cận hỗ trợ

TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương, đánh giá thời gian qua, các chính sách về an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp thông qua giãn, khoanh nợ, giảm thuế… được triển khai rất kịp thời. Tuy nhiên, quy mô của các chính sách này còn quá nhỏ so với mức trung bình của thế giới và còn nhiều hạn chế. Chẳng hạn, các gói hỗ trợ cơ bản dựa vào chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa; việc giãn, hoãn, giảm thuế không có nhiều tác động vì DN không có thu nhập; chế tài thực thi yếu, thiếu quyết liệt, tỉ lệ thụ hưởng còn cách khá xa so với kỳ vọng…

"Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023 đang được xây dựng với gói hỗ trợ lớn, qua đó thể hiện tính quyết liệt hơn. Chương trình này có 3 ý nghĩa: giúp người dân, người lao động và DN vượt khó; bắt nhịp phục hồi kinh tế và góp phần đặt nền móng, tạo nền tảng cho giai đoạn tăng tốc phát triển trong 5 năm tới hoặc dài hạn hơn. Chương trình phục hồi phải có quy mô đủ lớn với hàng chục tỉ USD cho giai đoạn 2 năm, trong đó cần có những khoản hỗ trợ chi trực tiếp tiền mặt" - ông Thành nêu.

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Như So (Bắc Ninh), cần khẩn trương giải ngân các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp đã ban hành trong thời gian qua. "Một số chính sách chưa bao quát hết các nhóm đối tượng; việc tiếp cận các gói chính sách hỗ trợ còn nhiều khó khăn, tỉ lệ hưởng thụ còn hạn chế" - vị đại biểu phản ánh.

Cụ thể, nhiều doanh nghiệp tuy sản lượng sản xuất giảm nhưng doanh thu vẫn cao hơn so với những năm trước; không ít doanh nghiệp có lợi nhuận âm do giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu và chi phí vận chuyển tăng mạnh, chịu gánh nặng các chi phí bảo đảm vừa sản xuất vừa chống dịch... lại không thuộc nhóm đối tượng hỗ trợ.

Hoặc, đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực gần như bị "đóng băng" do dịch bệnh như du lịch, khách sạn, nhà hàng..., việc miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp thực sự không có ý nghĩa. Do vậy, theo đại biểu Nguyễn Như So, vấn đề đặt ra là cần tối giản và rút gọn các thủ tục rườm rà, không hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi doanh nghiệp tiếp cận được nguồn hỗ trợ quý giá từ các gói hỗ trợ của nhà nước.

Tại hội thảo mới đây, TS Cấn Văn Lực cho rằng các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế phải tác động cả tổng cung và tổng cầu vì hiện nay “cầu thì yếu còn cung thì tắc nghẽn”. TS Lực đề nghị các gói hỗ trợ phải khả thi và triển khai nhanh, hiệu quả với đối tượng chủ yếu là lao động và người sử dụng lao động.

Từ đó, ông Lực đề xuất gói hỗ trợ tài chính, tiền tệ với tổng giá trị gần 844.000 tỉ đồng (10,38% GDP năm 2021) tập trung trong 2 năm 2022 - 2023. Trong đó, các chính sách tài khóa khoảng 678.395 tỉ đồng, các chính sách tiền tệ 65.000 tỉ đồng, các chính sách an sinh xã hội 12.800 tỉ đồng và chính sách khác khoảng 37.650 tỉ đồng; cùng với khoảng 50.000 tỉ đồng đầu tư của Tổng công ty quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Bài ảnh Bảo Anh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/goc-nhin/de-xuat-goi-ho-tro-quy-mo-lon-ung-pho-voi-dich-covid-19-802869.html