Đề xuất dừng Quỹ bảo hiểm Hưu trí bổ sung tại doanh nghiệp

Bộ Tài chính muốn chuyển chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung tự nguyện từ các doanh nghiệp tư nhân sang BHXH Việt Nam quản lý nhằm giảm thiểu rủi ro cho người tham gia.

Bộ Tài chính vừa đề nghị Ủy ban Xã hội của Quốc hội và Bộ LĐ-TB&XH xem xét sửa đổi quy định về bảo hiểm hưu trí bổ sung (BHHTBS) trong Luật BHXH (sửa đổi), đang chuẩn bị trình Quốc hội cho ý kiến lần hai vào tháng 5 tới đây.

Doanh nghiệp quản lý tăng rủi ro?

Theo Bộ Tài chính, Luật BHXH 2014 đã quy định về BHHTBS và giao cho Chính phủ hướng dẫn cụ thể. Thời gian qua, Bộ Tài chính và Bộ LĐ-TB&XH đã tham mưu Chính phủ ban hành các văn bản dưới luật và trực tiếp hướng dẫn doanh nghiệp (DN) tư nhân triển khai với hình thức đóng góp tự nguyện để nhận lương hưu.

Từ năm 2016 đến nay, Bộ Tài chính đã cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ quản lý Quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung tự nguyện cho bốn DN: Công ty quản lý Quỹ đầu tư Dragon Capital Việt Nam (DCFM), Công ty cổ phần Quản lý Quỹ đầu tư SSI (SSI), Công ty cổ phần Quản lý Quỹ đầu tư MB (MB Capital) và Công ty Liên doanh quản lý Quỹ đầu tư chứng khoán Vietcombank (VCBF). Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của các quỹ này là 857,97 tỉ đồng.

Người dân tìm hiểu tham gia BHXH tự nguyện ngày càng tăng. Ảnh: P.PHONG

Từ kết quả trên, Bộ Tài chính đánh giá hệ thống Quỹ BHHTBS tự nguyện chưa thực sự phát triển. Nguyên nhân chủ yếu do thu nhập bình quân đầu người còn thấp, ảnh hưởng của dịch bệnh, thói quen tiết kiệm dài hạn còn hạn chế. Thêm vào đó, kênh gửi ngân hàng có lãi suất hấp dẫn người dân và linh hoạt hơn…

Bộ Tài chính đề xuất Quỹ BHHTBS sẽ hoạt động theo nguyên tắc thị trường, người tham gia tự nguyện lựa chọn mức đóng góp và được nhận chi trả từ số dư của tài khoản hưu trí cá nhân. Trường hợp số dư tài khoản hưu trí cá nhân lớn thì khoản nhận chi trả lớn, ngược lại trường hợp số dư tài khoản hưu trí cá nhân nhỏ, khoản nhận chi trả sẽ tương ứng. Nhà nước và cơ quan BHXH không hỗ trợ, không đảm bảo mức chi trả từ BHHTBS.

Đáng chú ý, Bộ Tài chính cho rằng thời gian qua trên thị trường tài chính xảy ra một số vụ việc vi phạm làm ảnh hưởng tâm lý, niềm tin của người tham gia các sản phẩm dài hạn. Song song đó, DN bảo hiểm còn đối diện với rủi ro khi vi phạm, chẳng hạn như bị thu hồi giấy phép hoạt động sẽ ảnh hưởng đến những người tham gia.

Ngoài ra, Luật BHXH hiện hành quy định trần mức đóng BHXH bắt buộc không được vượt quá 20 lần tháng lương cơ sở, tương đương 36 triệu đồng. Như vậy, các cá nhân muốn có mức lương hưu cao hơn chỉ còn cách tiếp cận kênh BHHTBS.

Nhà nước quản lý sẽ đạt được nhiều mục tiêu

Từ những căn cứ nêu trên, Bộ Tài chính đề xuất sửa Luật BHXH theo hướng để cơ quan nhà nước là BHXH Việt Nam vận hành, cung cấp dịch vụ Quỹ BHHTBS thay vì để DN tư nhân như hiện nay.

Theo đó, Chính phủ sẽ hướng dẫn chi tiết phương án chuyển tiếp đối với người tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung tự nguyện theo hướng: Các DN quản lý quỹ dừng các chương trình đang triển khai, chuyển những tài khoản hưu trí cá nhân thành tiền. Người tham gia được lựa chọn nhận chi trả bằng tiền theo quy định hoặc chuyển sang tham gia BHHTBS do BHXH tổ chức.

“Phương án chuyển tiếp đảm bảo người tham gia được nhận lại quyền lợi theo hợp đồng đã ký kết. Các DN quản lý quỹ và tổ chức cung cấp dịch vụ được đảm bảo chi phí quản lý quỹ khi thực hiện tất toán quỹ…” - Bộ Tài chính nêu. Đồng thời đánh giá cách làm trên sẽ giúp Nhà nước đạt mục tiêu vừa mang tính thị trường, vừa giảm thiểu rủi ro cho người tham gia quỹ.

Hơn nữa, việc tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung là tự nguyện, được quản lý tách biệt với BHXH bắt buộc và tự nguyện. Người tham gia nhận chi trả từ bảo hiểm hưu trí bổ sung theo số dư tài khoản hưu trí tại thời điểm nhận chi trả, do đó không ảnh hưởng đến chính sách về mức trần đóng BHXH bắt buộc quy định theo luật hiện hành.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng đây là đề xuất mới, cần được xem xét kỹ lưỡng, thận trọng, đánh giá tác động đầy đủ. Vì vậy, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban Xã hội của Quốc hội để nghiên cứu, xem xét trong quá trình rà soát, chỉnh lý dự thảo luật.

Một chuyên gia nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm cũng cho rằng nếu để cơ quan BHXH “độc quyền” trong chính sách này chưa hẳn đã phù hợp. “Nhà nước thay DN làm liệu có đi kèm các chính sách hấp dẫn người dân tham gia như DN đã làm hay không. Về lâu dài nên để cả hai cùng tham gia nhằm tạo sự cạnh tranh, từ đó người dân được hưởng lợi, đồng thời giúp tăng độ phủ của chính sách” - chuyên gia này đề xuất.

Tôi đang làm việc cho một công ty nước ngoài và muốn có mức lương hưu cao khi về già, do đó tôi đã đăng ký tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung được hơn ba năm nay.

Tuy nhiên, thời gian gần đây xảy ra nhiều sai phạm ở các DN khiến tôi và nhiều người tham gia bảo hiểm này rất lo lắng. Vì vậy, nếu cơ quan nhà nước là BHXH Việt Nam đứng ra quản lý quỹ tôi cảm thấy yên tâm hơn rất nhiều do có sự đảm bảo từ phía Nhà nước. Nhưng khi BHXH tổ chức, quản lý quỹ, tôi cũng mong có nhiều chính sách ưu đãi để khuyến khích nhiều người dân tham gia quỹ này hơn.

Một người lao động ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội

VIẾT LONG

Nguồn PLO: https://plo.vn/de-xuat-dung-quy-bao-hiem-huu-tri-bo-sung-tai-doanh-nghiep-post781564.html