Đề xuất dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện: Làm sao để tránh tràn lan?

Mới đây Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Tại đây, nhiều đại biểu kiến nghị xem lại quy định về quản lý dạy thêm và đề xuất xem dạy thêm là nghề kinh doanh có điều kiện để quản lý.

Đại biểu kiến nghị xem lại quy định về quản lý dạy thêm và đề xuất xem dạy thêm là nghề kinh doanh có điều kiện để quản lý

Đề xuất được đưa ra trong bối cảnh tình trạng dạy thêm trái quy định có chiều hướng gia tăng và gây bức xúc cho nhân dân, tạo áp lực lớn cho học sinh. Việc đưa dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện sẽ phần nào khắc phục những biến tướng không đáng có như hiện nay.

Phụ huynh cho học theo phong trào?

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Trần Mạnh Tùng – Giáo viên Toán tại Hà Nội chia sẻ, dạy thêm, học thêm là nhu cầu bình thường và thực tế, bản thân nó không sai, không xấu, ở các nước đều có; châu Á có phần sôi động hơn.

Theo thầy Tùng, hiện nay, giáo dục phổ thông nhiều nơi, nhiều lúc chưa đáp ứng được các nhu cầu của người học dẫn đến cần phải học thêm, một ví dụ rõ ràng là môn Tiếng Anh.

Mặt khác, thầy Tùng cho rằng, chính việc thi và tuyển sinh của chúng ta còn rất căng thẳng, khó khăn và cạnh tranh cao, để đạt được nguyện vọng, học sinh đã phải học thêm, luyện thi, thậm chí từ mầm non, tiểu học.

Cô Nguyễn Thị Thanh, giáo viên dạy tiếng Anh của trường trường Myoji Junior High School quận Katsuragi tỉnh Wakayama (Nhật Bản) nêu quan điểm dạy thêm không có gì là xấu và cá biệt.

Giáo viên này cũng cho rằng, bên Nhật Bản học sinh vẫn đi học thêm như ở Việt Nam.

“Bên Nhật Bản học sinh có đi học thêm, có trường juku ( trường chuyên dạy thêm sau giờ học) giống như lò luyện thi dành cho các bạn muốn thi đại học, trường tư, trường top,… là đều phải đi đến trường juku để ôn luyện. Chỉ có điều, học phí bên này rất đắt tùy vào uy tín và nổi tiếng của giáo viên”- cô Thanh nói.

Nhưng cô Thanh cho rằng, ở trường sẽ có bài kiểm tra- test đầu vào để chọn lọc ra những học sinh có khả năng rồi trường mới nhận, chứ không phải học thêm theo phong trào như ở Việt Nam.

“Cá nhân tôi thấy, cần phân loại học sinh theo nhu cầu. Nhưng việc đi học thêm ở Việt Nam đúng là theo phong trào, tâm lí của phụ huynh luôn sợ này sợ kia. Và thật sự phụ huynh không hiểu con mình cần gì muốn gì nên đó tạo điều kiện cho các trung tâm kinh doanh lúc nào cũng làm ăn phát đạt”- giáo viên này cho hay.

Cô Thanh chia sẻ, học sinh của cô là học sinh lớp 7 đang đi juku ( học thêm) để luyện thi vào trường top đầu Osaka cấp 3, mỗi tháng 120.000 yên/ 3 môn (khoảng 20 triệu đồng).

“Chuyện học sinh Nhật Bản đi học thêm để vào đại học tốt mất khoảng xấp xỉ hay hơn 200 triệu là bình thường. Ở Nhật nếu trường công bình thường thì học nhẹ nhàng vì vùng núi cũng như thành phố, chương trình học giống nhau, giáo viên luân phiên, từ phiếu bài tập cũng là từ bộ gửi xuống, không có gì khác biệt. Còn nếu ai xác định thi đại học thì thật sự khó, đi juku là bắt buộc và học căng hơn Việt Nam nhiều”- cô Thanh nói.

Kể cả được cấp phép vẫn khó quản lý

Với việc một Đại biểu Quốc hội kiến nghị xem lại quy định về quản lý dạy thêm và đề xuất xem dạy thêm là nghề kinh doanh có điều kiện để quản lý, cô giáo Nguyễn Thị Thanh cho rằng, dù được quy định nhưng chắc chắn ở Việt Nam khó quản lý việc này.

“Học thêm, dạy thêm vẫn có thể tràn lan vì đó là xuất phát từ tâm lí phụ huynh. Ở Việt Nam bố mẹ thật sự là không hiểu con, không biết khả năng con mình đến đâu, mà tâm lí thấy người ta cho con đi học mình cũng cho đi học”- cô Thanh nói.

Giáo viên này cũng cho rằng, học thêm chính đáng không có gì sai nhưng cần phân loại học sinh ai nên đi ai không nên đi. Cần có các kì thi năng lực học sinh để phân loại năng lực của học sinh.

“Ở Nhật Bản học giỏi là cũng phải có điều kiện nên những bạn học trung bình ít đi học thêm. Trường juku học phí rất đắt tính cả bằng tiền trăm triệu nên không phải phụ huynh nào cũng cho con đi học tràn lan được ”- cô Thanh chia sẻ.

Thầy Trần Mạnh Tùng – Giáo viên Toán tại Hà Nội cho rằng, trước 2019, các sở giáo dục chịu trách nhiệm thẩm định, cấp phép dạy thêm (các trung tâm BDVH, trung tâm ngoại ngữ, tin học…).

Từ năm 2019, một số điều của thông tư 17 không còn hiệu lực, các sở giáo dục tạm dừng gia hạn, dừng cấp phép mới cho việc dạy thêm dẫn đến việc quản lí dạy thêm, học thêm bị bỏ lửng.

Cũng từ năm 2019, Bộ GD&ĐT đã đề xuất Bộ KHĐT đưa dịch loại hình dạy thêm vào danh mục “ngành nghề kinh doanh có điều kiện” nhưng tới nay (2023) vẫn chưa được thông qua.

Thầy Tùng cho rằng, để giảm các tiêu cực phát sinh thì cần có các quy định rõ ràng và quản lí chặt chẽ, nghiêm minh. Nếu dạy thêm là loại hình kinh doanh có điều kiện thì việc thẩm định, cấp phép và giám sát, đánh giá sẽ hiệu quả hơn. Từ đó, các giáo viên, các nhà trường sẽ nghiêm túc thực hiện hơn so với hiện nay, bởi vi phạm thì chế tài xử lí sẽ mạnh hơn (phạt tiền, rút giấy phép,…).

Thầy Tùng chỉ ra thực tế, hiện nay, các mặt trái của dạy thêm, học thêm có ở khắp mọi nơi, tạo ra nhiều hệ lụy, khó khăn, áp lực cho xã hội. Thông tư 17 đã sửa đổi cũng không còn phù hợp.

“Trước khi dạy thêm được đưa vào thành ngành nghề kinh doanh có điều kiện, tôi đề nghị Bộ GD&ĐT cần sửa điều 4 của thông tư 17, ban hành quy định: Giáo viên không được dạy thêm học sinh mà mình dạy chính khóa. Chỉ cần có quy định này thì hầu hết các tiêu cực của dạy thêm hiện nay sẽ được loại trừ”- ông Tùng đề nghị.

Thầy Tùng cho rằng, nếu đề nghị của Bộ GD&ĐT được chấp thuận, dạy thêm không bị tràn lan, biến tướng thì cần có giải pháp đồng bộ như cần có các quy định rõ ràng, khả thi: Bộ GD&ĐT tiếp tục đề nghị để sớm hiện thực hóa quy định dạy thêm là loại hình kinh doanh có điều kiện. Bên cạnh đó, Bộ cũng cần có các văn bản hướng dẫn về mặt chuyên môn theo ngành dọc.

Cần phân cấp, phân quyền quản lí, giám sát việc dạy thêm một cách hiệu quả, có trách nhiệm (trường học, phòng giáo dục, sở giáo dục, phường xã, quận huyện,…).

Cần tuyên truyền để giáo viên, phụ huynh và xã hội hiểu rõ các quy định; đặc biệt phụ huynh cần biết khi nào thì con em mình cần học thêm và học như thế nào.

Đặc biệt, theo giáo viên này, cần tiếp tục đổi mới chương trình; đổi mới dạy, học theo hướng tiếp cận năng lực người học; thay đổi cách thi cử theo hướng giảm áp lực, giảm căng thẳng.

Bên cạnh đó, cần đầu tư nhiều hơn cho giáo dục, xây thêm trường lớp, tạo thêm các loại hình học tập đáp ứng nhu cầu chính đáng của người học; tạo thêm các hệ sinh thái để tăng cường việc tự học, tự giáo dục.

Cấm tuyệt đối dạy thêm, học thêm là không đúng với quy luật kinh tế thị trường

TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng, không ai cấm việc dạy thêm, mà là cấm việc dạy thêm tràn lan, vô lối. Tức là chúng ta chống cái tiêu cực thôi. Còn quyền của người học là được học, họ cần học thì phải được học.

Có người cần học thì phải có người dạy. Chúng ta cấm cái tràn lan, liên tục, có hại cho trẻ, chứ không cấm dạy cho các em học sinh yếu kém, hay bổ trợ thêm kiến thức cho các em học sinh giỏi để các em đi thi.

Cấm tuyệt đối dạy thêm, học thêm là không đúng với quy luật kinh tế thị trường. Tức là có cung phải có cầu. Nếu người học có nhu cầu, cần giúp đỡ thì phải đáp ứng yêu cầu của người học.

Đỗ Hợp

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/de-xuat-day-them-vao-danh-muc-nganh-nghe-kinh-doanh-co-dieu-kien-lam-sao-de-tranh-tran-lan-post1595381.tpo