Đề xuất cấm tham gia đấu giá đất từ 6 tháng đến 5 năm nếu vi phạm nghĩa vụ thanh toán

Chiều 27-3, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5, nhiệm kỳ khóa XV thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Các đồng chí lãnh đạo Quốc hội chủ trì hội nghị.

Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đã sửa đổi, bổ sung 41 điều, khoản của Luật hiện hành, bổ sung 2 điều mới và bỏ 1 điều; tăng 16 điều, khoản so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ sáu nhưng chủ yếu là sửa về mặt kỹ thuật lập pháp, không phát sinh nhiều chính sách mới. Do đó, việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản là phù hợp với phạm vi sửa đổi.

Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc nâng mức tiền đặt trước đối với một số tài sản đặc thù như quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản và tài sản khác là không phù hợp vì các tài sản đặc thù thường có giá trị rất lớn; việc xử lý tình trạng người trúng đấu giá “bỏ cọc” phải được xử lý bằng các hình thức khác, chứ không chỉ bằng cách quy định nâng mức tiền đặt trước.

Đối với quy định về lấy lại tiền đặt trước, Thường trực Ủy ban Kinh tế tiếp thu, bổ sung các trường hợp người tham gia đấu giá có quyền từ chối tham gia cuộc đấu giá và được nhận lại tiền đặt trước khi có sự thay đổi về thời gian, địa điểm tổ chức cuộc đấu giá, hình thức đấu giá, phương thức đấu giá.

Về tiêu chuẩn đấu giá viên, dự thảo Luật quy định tiêu chuẩn, điều kiện có bằng tốt nghiệp đại học ngành luật, kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng là phù hợp với tính chất, đặc điểm của nghề đấu giá. Hơn nữa, các môn học như thương mại, đầu tư, chứng khoán đã có trong các ngành học về kinh tế, tài chính, ngân hàng. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị giữ như dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ sáu.

Về việc bỏ quy định miễn đào tạo nghề đấu giá, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc bỏ quy định này là cần thiết, nhằm bảo đảm tất cả đối tượng muốn hành nghề đấu giá đều phải qua khóa đào tạo nghề (kỹ năng, nghiệp vụ...), góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp và chất lượng hoạt động hành nghề của đội ngũ đấu giá viên.

Về chế tài xử lý vi phạm đối với người trúng đấu giá không nộp tiền trúng đấu giá, Thường trực Ủy ban Kinh tế tiếp thu theo hướng bổ sung trường hợp người trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản mà vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá dẫn đến quyết định công nhận kết quả đấu giá bị hủy thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, bị cấm tham gia đấu giá đối với loại tài sản đó trong thời hạn từ 6 tháng đến 5 năm trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo quy định tại Luật Đấu thầu năm 2023.

Quang cảnh phiên họp.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội nhận định, quy định tài sản đấu giá công đã được nêu rõ trong các quy định pháp luật; điểm mới trong dự thảo Luật là quy định về đấu giá tài sản tư, tạo điều kiện cho hoạt động đấu giá tài sản ngày càng phát triển hơn.

Quan tâm đến công tác đào tạo đấu giá viên trong dự thảo Luật, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho rằng, hiện nay, việc xác định ngành học và cấp bằng tốt nghiệp đại học giữa các trường còn khác nhau. Do đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan rà soát và hướng dẫn áp dụng thống nhất trong việc đào tạo, cấp bằng đại học. Bên cạnh đó, đấu giá viên cần được tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức nhằm nâng cao kỹ năng công việc.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho rằng, việc bỏ quy định miễn đào tạo nghề đấu giá là cần thiết khi chương trình đào tạo đấu giá viên tập trung vào kỹ năng hành nghề, đạo đức nghề nghiệp mà người muốn trở thành đấu giá viên chưa được học ở giai đoạn đào tạo đại học.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/de-xuat-cam-tham-gia-dau-gia-dat-tu-6-thang-den-5-nam-neu-vi-pham-nghia-vu-thanh-toan-661937.html