Đề xuất các giải pháp tu bổ, tôn tạo dinh Hoàng A Tưởng

Ngày 7/5, tại huyện Bắc Hà, Sở Du lịch tổ chức Hội thảo đánh giá, đề xuất các giải pháp tối ưu cho việc tu bổ, tôn tạo và trưng bày diễn giải di tích, kiến trúc nghệ thuật dinh Hoàng A Tưởng, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai.

Đồng chí Hà Văn Thắng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Du lịch chủ trì hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Tham dự hội thảo có lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh; lãnh đạo huyện Bắc Hà; các chuyên gia về kiến trúc, xây dựng, các nhà chuyên môn và những người am hiểu về dinh Hoàng A Tưởng.

Ông Trần Xuân Vũ trình bày giải pháp, phương án tu bổ, tôn tạo dinh Hoàng A Tưởng.

Tại hội thảo, ông Trần Xuân Vũ, kiến trúc sư, Chủ nhiệm đề tài cải tạo dinh Hoàng A Tưởng đã trình bày giải pháp tu bổ, tôn tạo dinh thự; phương án cải tạo hạ tầng ngoài nhà, tu bổ, tôn tạo nhà chính và một số hạng mục công trình khác.

Đối với việc sơn màu dinh thự, chuyên gia Trần Xuân Vũ cho biết: Dinh thự đã được tôn tạo, cải tạo năm 2006 và được sơn bằng màu vàng. Qua thời gian, lớp sơn bị bào mòn, xuống màu, tạo vẻ cổ kính khiến nhiều người quen mắt cho rằng đó là gốc gác của dinh Hoàng A Tưởng”.

Dinh Hoàng A Tưởng những năm 1920 - 1929. Ảnh tư liệu

Đối với việc trưng bày diễn giải di tích, chuyên gia đã trình bày các phương án trưng bày tại tầng 1 và tầng 2 của dinh thự.

Không gian trưng bày thể hiện văn hóa các dân tộc huyện Bắc Hà, lịch sử huyện Bắc Hà, đời sống Nhân dân bản địa,...

Việc trưng bày kết hợp hoạt động thực hành, trình diễn và phục dựng trên cơ sở tư liệu, hiện vật sẵn có.

Phối cảnh tu bổ, tôn tạo dinh Hoàng A Tưởng. (Ảnh chuyên gia cung cấp)

Bên cạnh đó, chuyên gia Trần Xuân Vũ trình bày phương án mở rộng không gian xung quanh dinh thự; phương án tu bổ, cải tạo hệ thống khuôn viên, mái, trần, cửa, công trình phụ, chiếu sáng, trồng cây tạo cảnh quan...

Các đại biểu nêu ý kiến.

Tại hội thảo, các đại biểu đã đề xuất một số giải pháp trong việc thực hiện tu bổ, cải tạo kiến trúc cảnh quan. Quan điểm chung cho rằng, việc tôn tạo phải đảm bảo yếu tố lịch sử, văn hóa và đặc biệt là sự đồng thuận của người dân để dinh Hoàng A Tưởng tiếp tục là điểm nhấn du lịch, văn hóa khi du khách đến tham quan, trải nghiệm tại huyện Bắc Hà.

Tập trung nghiên cứu giá trị văn hóa, nghệ thuật kiến trúc công trình

Ông Vàng Văn Lẩu, sinh năm 1930, nguyên Bí thư Huyện ủy Bắc Hà.

Sau 9 năm khi công trình này hoàn thành thì tôi sinh ra. Có một thời gian tiếp xúc với gia đình họ Hoàng nên tôi hiểu khá rõ về kiến trúc dinh Hoàng A Tưởng. Theo ông ngoại tôi kể, nhà chính giữa là do kiến trúc sư người Trung Quốc xây dựng, còn dãy nhà phía hai bên do kiến trúc sư Pháp thực hiện. Về màu sơn, Dinh thự được sơn màu vàng trắng (trắng chủ đạo). Khuôn viên dinh thự khá rộng rãi, trồng nhiều cây xanh. Xung quanh dinh thự có hàng rào bằng nứa và tháp canh...

Việc tôn tạo, tu sửa công trình cần nghiên cứu kỹ lịch sử, văn hóa, sự độc đáo để gia tăng giá trị kiến trúc công trình; cần tái hiện sinh động cuộc sống của gia tộc họ Hoàng.

Quan tâm khôi phục lại những công trình không còn

Ông Lý Quang Cấn, thị trấn Bắc Hà.

Dãy nhà 2 bên ngoài là vợ Hoàng Yến Tchao sinh sống; dãy chính giữa bên trong là khu nhà ở, nhà làm việc của Hoàng Yến Tchao. Cửa vào dinh thự khá dày (hơn 3 đốt ngón tay), khu vực vòm cửa sơn nhiều màu khác nhau, mặt tiền dãy nhà chính có nhiều hoa văn cầu kỳ, đẹp mắt. Cầu thang nhỏ lên- xuống phía sau là trong thời kỳ làm việc của Ban Cán sự Đảng, UBND huyện Bắc Hà đã cải tạo để thuận lợi đi lại hơn.

Tôi đề nghị quá trình tôn tạo cần khôi phục lại một số kiến trúc đã mất trước đây. Quá trình sơn sửa cố gắng tiệm cận như hiện trạng kiến trúc ban đầu của dinh thự.

Đảm bảo sự hài hòa trong không gian trưng bày

Ông Nguyễn Thành Long, Phó Chủ tịch Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh

Đối với không gian trưng bày diễn giải cần có sự hài hòa, đảm bảo người dân, du khách khi đến tham quan sẽ thấy được vẻ đẹp độc đáo của kiến trúc dinh thự.

Điều quan tâm của người dân, du khách là thấy nét cổ kính và có thêm nhiều thông tin, sự hiểu biết về giá trị kiến trúc, văn hóa đặc sắc các dân tộc huyện Bắc Hà qua việc thể hiện, tái hiện tại không gian của dinh thự.

Quan điểm của chuyên gia Pháp

"...Trong lịch sử kiến trúc thời Pháp thuộc, công trình kiến trúc có 2 màu chủ đạo là vàng và trắng. Màu vàng được sử dụng cho các tòa nhà hành chính thứ cấp, trong khi màu trắng được sử dụng cho các tòa nhà danh giá như nhà ở chính.

Điều quan trọng nhất liên quan đến công trình này là không che giấu sự thật khoa học và lịch sử với công chúng. Xong việc chúng ta nên bổ sung thêm hình ảnh cổ điển để giải thích và cho khách chứng kiến dự án làm chuẩn dựa trên tài liệu khoa học và hình ảnh từ thời đó. Điều tốt nhất là tôn trọng tòa nhà lịch sử. Trong trường hợp chúng ta không biết (không có tài liệu, ảnh chụp thời kỳ) nhưng vẫn phải quyết định thì phải giải thích sự lựa chọn đã đưa ra (hài hòa, logic, cách trình bày...)...".

Phát biểu tại hội thảo, ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Du lịch đánh giá cao các ý kiến góp ý, đặc biệt là những tư liệu lịch sử quý của các đại biểu cao niên cung cấp thông tin về gia tộc họ Hoàng và những nét độc đáo trong kiến trúc dinh thự.

Giám đốc Sở Du lịch - Hà Văn Thắng phát biểu tại hội thảo.

Qua các ý kiến của chuyên gia, kiến trúc và những người am hiểu về dinh Hoàng A Tưởng, Sở Du lịch sẽ nghiên cứu tham mưu trong việc phục hồi những hạng mục kiến trúc đã không còn và diễn giải di tích một cách chính xác để cung cấp thông tin cho người dân, du khách.

Khảo sát thực tế tại dinh Hoàng A Tưởng.

Giám đốc Sở Du lịch khẳng định: Dinh Hoàng A Tưởng là một công trình độc đáo trên thế giới khi kết hợp phương Đông, phương Tây và yếu tố của dân tộc bản địa. Việc tu sửa, tôn tạo là điều cần thiết nhằm tạo ra sản phẩm du lịch rất đặc biệt, phù hợp với mong muốn của Bắc Hà khi hướng đến xây dựng một khu du lịch đặc sắc trong thời gian tới.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/de-xuat-cac-giai-phap-tu-bo-ton-tao-dinh-hoang-a-tuong-post383771.html