Đề xuất bảo hộ DN xăng dầu

Trước sức ép thuế nhập khẩu xăng dầu giảm về 0%, Hiệp hội Xăng dầu VN kiến nghị có các rào cản thương mại để bảo vệ doanh nghiệp nội địa...

Hiệp hội Xăng dầu đề nghị tăng thuế, tăng bảo hộ doanh nghiệp xăng dầu nhưng nhiều chuyên gia không đồng tình. Trong ảnh: nhập xăng dầu tại một cửa hàng ở TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Đó là nội dung chính tại hội thảo “Thị trường xăng dầu VN và vấn đề thể chế” do Hiệp hội Xăng dầu VN (Vinpa) tổ chức ngày 16-5.

Đề xuất bảo hộ

Việc giảm thuế nhập khẩu về 0% đang tạo sức ép lớn đến doanh nghiệp (DN) sản xuất, phân phối xăng dầu nội địa, theo ông Phan Thế Ruệ - chủ tịch Vinpa, cần phải có ngay chiến lược phát triển thị trường xăng dầu dài hạn, ít nhất đến năm 2020. Trong đó, ông Ruệ nhấn mạnh cần có những quyết sách quan trọng về việc có mở cửa thị trường hay không hay đưa ra những rào cản kỹ thuật để bảo vệ thị trường...

Hiện nay nhiều DN xăng dầu đang bán cổ phần cho các DN FDI, nên theo ông Ruệ, khi để các nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua cổ phần, cần có các giải pháp kinh tế, tức là các rào cản kỹ thuật để hạn chế, khống chế những việc DN FDI được làm và không được làm ở VN nhằm đảm bảo an ninh năng lượng. Đó có thể là các biện pháp phi thuế quan, biện pháp kỹ thuật như yêu cầu về tiêu chuẩn, hay các rào cản về hệ thống phân phối...

Ông Ruệ nêu lại kinh nghiệm ngành bán lẻ và cho rằng do không có các hàng rào chặt chẽ, nên DN FDI đã chiếm lĩnh hệ thống bán lẻ. “Cần có biện pháp tháo gỡ vướng mắc cho nhà máy lọc dầu Bình Sơn, Nghi Sơn để nâng cao năng lực cạnh tranh. Năm 2018 lọc dầu Nghi Sơn hoạt động sẽ cung cấp đủ nhu cầu xăng dầu trong nước. Nhưng cơ bản là giá sản xuất trong nước có đủ cạnh tranh hay không?” - ông Ruệ nói.

Đại diện Nhà máy lọc dầu Dung Quất cho biết tới đây theo lộ trình phải đưa sản phẩm xăng dầu tiêu chuẩn Euro 4 và Euro 5 ra thị trường. Thế nhưng sản phẩm của nhà máy mới chỉ đáp ứng tiêu chuẩn Euro 2, Euro 3 nên không thể cạnh tranh. Do đó, đơn vị này kiến nghị tiếp tục được bán xăng tiêu chuẩn Euro 2 và Euro 3 cho đến khi nâng cấp xong nhà máy vào năm 2021.

Không nên tăng thuế để bù hụt thu

Chủ tịch Vinpa cũng đề xuất tăng một loạt thuế xăng dầu để bù đắp hụt thu ngân sách. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Ruệ cho biết đến năm 2024 thuế nhập khẩu xăng dầu cùng nhiều mặt hàng khác đều giảm về 0%. Do đó, việc sớm điều chỉnh thuế nội địa là cần thiết. Cụ thể, ngay trong năm 2017 điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường, năm 2018 điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt, năm 2020 - 2022 điều chỉnh thuế VAT.

“Cần đảm bảo mức bình quân các loại thuế vẫn chiếm 50% giá xăng dầu. Thuế nhập khẩu giảm xuống 0%, phải tăng thuế khác để bù vào, cũng là để bảo vệ sản xuất cho hai nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn. Đây là trách nhiệm của người dân với đất nước. Giảm thuế nhập khẩu mà tăng thuế nội địa, giá bán không thay đổi. Tuy nhiên, việc tăng thuế cần có lộ trình phù hợp” - ông Ruệ nói.

Tuy nhiên, ông Trương Đình Tuyển, nguyên bộ trưởng Bộ Thương mại, không đồng tình việc tăng thuế để bù đắp giảm thuế nhập khẩu, đảm bảo nguồn thu ngân sách. Theo ông Tuyển, có thể sử dụng đây là biện pháp trước mắt để bù đắp hụt thu, nhưng điều quan trọng là phải giảm thuế để giúp DN giảm chi phí đầu vào. Như vậy cũng tạo môi trường kinh doanh tốt hơn, ổn định hơn, giúp DN khác tham gia thị trường.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cũng cho rằng cần phải chú trọng vào việc nuôi dưỡng nguồn thu bền vững, tức là thuế đầu vào “ăn” ít để sản xuất phát triển nhờ.

Người dân chưa được hưởng lợi

Trong khi đại diện doanh nghiệp xăng dầu đưa một loạt kiến nghị, nhiều chuyên gia thẳng thắn nhìn nhận thị trường xăng dầu chưa có cạnh tranh đúng nghĩa. Ông Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng hiện vai trò điều hành của Nhà nước đang “nặng” hơn thị trường. Mức giá bình quân 15 ngày khiến “tăng nhanh, giảm chậm”, người dân bức xúc.

Ông Trương Đình Tuyển cũng nhấn mạnh quan trọng là cần phải tạo ra thị trường cạnh tranh để có mức giá có lợi cho người tiêu dùng. Mặc dù có tới 29 đầu mối kinh doanh xăng dầu, song vẫn có những doanh nghiệp nắm tới trên 30% thị phần, tức là có vai trò chi phối, thống lĩnh thị trường.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/de-xuat-bao-ho-dn-xang-dau-20170518100253787p4c147.news