Đề xuất bảo hiểm chi trả sữa mẹ hiến tặng thanh trùng

Mỗi năm có khoảng 35.000 trẻ cần sử dụng sữa mẹ hiến tặng thanh trùng, với nhu cầu trung bình 100 lít mỗi ngày, giá thành khoảng 1,4 triệu đồng/lít. Khoản tiền này có thể trở thành gánh nặng với các gia đình có thu nhập thấp hoặc có trẻ sơ sinh phải điều trị dài ngày.

Những "giọt vàng" chắt chiu từ tình yêu thương

Sữa mẹ thanh trùng từ Ngân hàng sữa mẹ cung cấp tới trẻ sinh non khi chưa được tiếp cận sữa mẹ.

Khoa điều trị tích cực Kangaroo, nằm trên tầng 5 của Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện Nhi TƯ là nơi các bé sơ sinh sau khi đã được điều trị và phát triển ổn định được đưa về ghép mẹ.

Hôm nay là ngày đầu tiên người mẹ trẻ Phạm Thị Lan Anh (22 tuổi, Nam Định) được đón, ấp đứa con đầu lòng bé xíu trên ngực bằng phương pháp Kangaroo. Đây cũng là ngày đầu con gái chị được uống những giọt sữa từ bầu vú mẹ sau 13 tuần nằm điều trị trong lồng kính.

Chị Lan Anh cho biết, con sinh ra chỉ có 1,2kg và chịu nhiều biến chứng ở trẻ sinh non tháng. Sau 13 tuần nằm lồng kính, con mới đủ điều kiện được ra ghép mẹ. Tuần đầu, toàn bộ sữa được cung cấp từ ngân hàng sữa mẹ tại đây.

Chỉ vài ngày nữa, mẹ con chị Nguyễn Thị Lan (32 tuổi, Vĩnh Phúc) được xuất viện sau khoảng 1 tháng. Cô con gái nhỏ sinh non khi mới 28 tuần, nặng chỉ 900gr và nhập viện trong tình trạng nguy kịch, tràn khí màng phổi hôm nào, giờ đã có da, có thịt, nặng 2,1kg và phát triển ổn định.

"Là mẹ có con sinh non tháng, em mới cảm nhận rõ được sự quan trọng của sữa mẹ với đứa trẻ. Và chính con em đã được nhận nguồn sữa đó từ các bà mẹ khác khi em chưa thể chăm con", chị Lan xúc động chia sẻ.

Điều dưỡng trưởng Vũ Thị Mai Hương, Khoa khám cấp cứu sơ sinh và Ngân hàng Sữa mẹ, Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện Nhi TƯ cho biết, khi chưa có ngân hàng sữa mẹ, bắt buộc dựa vào nguồn hiếm hoi từ mẹ hoặc mẹ không/chưa có sữa thì trẻ sơ sinh phải dùng sữa công thức. Từ ngày ngân hàng sữa mẹ được thiết lập, toàn bộ sữa mẹ thanh trùng cung cấp cho trẻ sơ sinh điều trị tại bệnh viện đã thay thế nguồn sữa công thức.

Sẵn sàng chia sẻ yêu thương

Từng giọt sữa mẹ thanh trùng quý giá tiếp thêm dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh chống chọi với bệnh tật.

Dẫn chúng tôi đi thăm ngân hàng sữa mẹ, chị Mai Hương chia sẻ, toàn bộ ngân hàng sữa mẹ (vừa tiếp nhận, xử lý thanh trùng, lưu trữ và phân phối đến bữa cho trẻ) được bố trí gọn gàng ngay khu khám cấp cứu sơ sinh.

Lật giở bảng danh sách các bà mẹ tình nguyện hiến sữa, chị Hương cho hay: "Năm 2022 có 71 mẹ tặng sữa, năm nay là 70 người. Không chỉ các mẹ ở ngoài viện mà nhiều mẹ có con nằm điều trị tại trung tâm, thậm chí ở các khoa phòng khác biết đến ngân hàng cũng đều đặn sang hiến sữa mỗi ngày".

Chị Nguyễn Thị Lan, có con sinh non tháng điều trị tích cực tại Trung tâm Sơ sinh là một trong nhiều người tích cực hiến sữa trong suốt quá trình chăm con.

"Ngày lên viện đầu tiên, mỗi ngày con chỉ ăn 2ml sữa/bữa, phần sữa vắt còn lại rất nhiều, trong khi nhiều bạn khát sữa. Lúc đó, em chỉ nghĩ mình cần phải hiến tặng để các bạn nhỏ khác được dùng khi mẹ chưa lên hoặc không có sữa về", chị Lan nói.

Điều dưỡng trưởng Mai Hương cho biết thêm: "Với các mẹ hiến sữa ở xa bệnh viện, các cán bộ ở đây thường chờ 5-7 ngày thu gom một lần. Nhiều mẹ nhiệt tình còn đề xuất tự mang sữa đến viện, nhưng để đảm bảo quy trình, anh em ở đây thay phiên nhau đến tận nhà lấy, dù có xa đến đâu".

Chia sẻ về quy trình hoạt động khép kín của ngân hàng sữa mẹ, chị Hương cho hay, việc đầu tiên là tiếp cận với các mẹ, kể cả các mẹ đưa con đến khám. Nếu họ chia sẻ có nhiều sữa, ngay lập tức các bác sĩ, điều dưỡng tiếp cận, hỏi thông tin. Nếu các mẹ thừa sữa, có nguyện vọng hiến, trung tâm sẽ sàng lọc qua bộ 10 câu hỏi về thói quen sinh hoạt, sức khỏe… nếu đạt tiêu chuẩn sẽ đưa vào danh sách "Bà mẹ tiềm năng".

Sau sàng lọc, các bà mẹ hiến sữa sẽ tiếp tục được làm 4 xét nghiệm HIV, giang mai, viêm gan B, C (4 bệnh truyền nhiễm lây qua đường tiếp nhận sữa), kết quả âm tính là đủ điều kiện thành "nguồn sữa hiến".

Từ đó, các cán bộ tư vấn kỹ càng cách vắt sữa, bảo quản sữa, cung cấp bình đựng sữa đã tiệt trùng. Tùy lượng sữa ít hay nhiều, ngân hàng bố trí người đến tận nhà các mẹ hiến sữa thu gom về trong thời gian từ 3-5 ngày. Năm 2022, ngân hàng thu gom từ các mẹ 2.800 lít sữa, năm nay đến thời điểm này đã là 1.880 lít.

Nguồn lợi vô giá từ sữa mẹ

Nguồn sữa mẹ thanh trùng hữu ích cho trẻ sinh non trong quá trình điều trị những ngày đầu đời.

Từ năm 2017, Bộ Y tế đã thiết lập thí điểm ngân hàng sữa mẹ đầu tiên tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng để cung cấp sữa mẹ thanh trùng cho những trẻ sơ sinh không có cơ hội được bú mẹ do phải điều trị hoặc mẹ có vấn đề về sức khỏe.

BS Trần Thị Hoàng, Phó giám đốc bệnh viện cho biết, sữa mẹ hiến tặng thanh trùng giúp giảm nguy cơ xuất huyết não nặng, viêm ruột hoại tử, nhiễm trùng huyết sơ sinh, giảm nguy cơ loạn sản phế quản phổi, bệnh võng mạc mắt và bảo vệ não bộ của trẻ sinh non.

BS Nguyễn Thanh Hằng, Khoa Khám cấp cứu sơ sinh và Ngân hàng Sữa mẹ, Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện Nhi TƯ cũng chia sẻ, trẻ sinh non tháng, nhẹ cân vốn hấp thu và tiêu hóa kém, việc dùng sữa mẹ giúp trẻ giảm nguy cơ viêm ruột hoại tử rất nhiều.

Theo Bộ Y tế, trong khoảng 41 nghìn trẻ đẻ non và 54 nghìn trẻ nhẹ cân sinh ra mỗi năm, ước tính gần 35 nghìn trẻ cần sử dụng sữa mẹ hiến tặng thanh trùng, với nhu cầu khoảng 100 lít mỗi ngày.

Theo tính toán dựa trên chi phí vận hành ngân hàng sữa mẹ thực tế, giá thành sữa mẹ thanh trùng khoảng 1,4 triệu đồng/lít.

Số liệu từ Ngân hàng Sữa mẹ Đà Nẵng, mỗi đợt điều trị cho một trẻ cần trung bình 0,63 lít sữa mẹ thanh trùng, tương đương chi phí khoảng 882.000 đồng. Khoản tiền này có thể trở thành gánh nặng với các gia đình có thu nhập thấp hoặc gia đình có trẻ sơ sinh bệnh lý phải điều trị dài ngày tại bệnh viện.

Theo bà Vũ Hoàng Dương, Quản lý Chương trình Việt Nam, Alive & Thrive Đông Á Thái Bình Dương, Tổ chức Y tế Thế giới - WHO đã quy định sữa mẹ hiến tặng thanh trùng là sản phẩm y tế có nguồn gốc từ con người, tương tự như máu, huyết tương và mô cầu. Hiện tại, danh mục chi trả của quỹ BHYT tại Việt Nam đã bao gồm máu và các chế phẩm của máu, nhưng chưa có quy định về chi trả cho sữa mẹ hiến tặng thanh trùng.

"Sử dụng sữa mẹ thanh trùng hiến tặng giúp giảm đáng kể tỷ lệ sử dụng kháng sinh và dịch truyền tĩnh mạch ở trẻ sinh non, từ đó giúp giảm chi phí điều trị y tế. Đây là lợi ích rất lớn về mặt chi phí nếu sữa mẹ hiến tặng thanh trùng được BHYT chi trả", BS Hằng nhấn mạnh.

Ông Đinh Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế cho biết, Vụ sẽ tham mưu xây dựng các hướng dẫn về sử dụng sữa mẹ hiến tặng thanh trùng. Đồng thời, đề nghị các ngân hàng sữa mẹ phối hợp xây dựng giá của một đơn vị sữa mẹ hiến tặng, làm căn cứ để BHYT chi trả.

Một nguyên tắc quan trọng trong hoạt động của ngân hàng sữa mẹ là không nhằm thay thế sữa mẹ ruột. Sữa mẹ hiến tặng thanh trùng chỉ được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ.

Hiện nay, đã có 20 quốc gia và vùng lãnh thổ có quy định về sữa mẹ hiến tặng thanh trùng hoặc đã đưa sản phẩm vào trong danh mục chi trả của BHYT, trong đó có các nước cùng trong khu vực như Myanmar, Singapore và Thái Lan...

Tính đến nay, trên cả nước đã thành lập 5 ngân hàng sữa mẹ tại Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, TP.HCM cùng 2 ngân hàng sữa mẹ vệ tinh tại Quảng Nam và Cần Thơ. Có 4.000 bà mẹ đã tham gia hiến tặng, với lượng sữa hiến tặng đạt 30.000 lít, cung cấp cho 55.000 trẻ sơ sinh.

Theo Bộ Y tế, trung bình mỗi năm các ngân hàng sữa mẹ thu nhận hơn 10.000 lít sữa từ 350 bà mẹ hiến tặng, cung cấp hơn 9.300 lít sữa mẹ thanh trùng đạt chuẩn cho hơn 18.000 trẻ.

An Vũ

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/de-xuat-bao-hiem-chi-tra-sua-me-hien-tang-thanh-trung-192230904215830429.htm