Đề xuất bãi bỏ tư cách công chức trong các trường đại học

Bãi bỏ tư cách công chức trong các trường đại học (ĐH); cân nhắc việc mở rộng, bãi bỏ quy định về độ tuổi cho các chức danh quản lý; cho phép các trường ĐH tự chủ được lựa chọn áp dụng Luật Lao động, thay vì Luật Viên chức như hiện nay... là những đề xuất được Nhóm nghiên cứu toàn diện về tự chủ ĐH của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đưa ra tại Hội nghị Tổng kết thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập vừa được Bộ GDĐT tổ chức.

Nhóm nghiên cứu toàn diện về tự chủ ĐH đề xuất bãi bỏ tư cách công chức trong các trường ĐH. Ảnh minh họa: HUYÊN NGUYỄN

Chủ yếu nguồn thu vẫn từ học phí

Đến nay, cả nước có 23 trường ĐH được thực hiện thí điểm tự chủ, gồm 12 cơ sở có thời gian tự chủ trên 2 năm, 11 trường có thời gian tự chủ dưới 2 năm. Trong đó, có 4 trường mới được giao quyết định tự chủ từ tháng 7.2017. Các trường thí điểm tự chủ ở 3 mảng lớn: Tự chủ về đào tạo và nghiên cứu khoa học; tự chủ về tổ chức bộ máy, nhân sự; tự chủ về tài chính.

Theo đánh giá của Nhóm nghiên cứu Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, tự chủ ĐH giáo dục Việt Nam đã có nhiều chuyển biến trong thời gian qua. Từ chỗ, toàn bộ hệ thống giáo dục cả nước giống như một trường ĐH lớn, hoạt động theo mệnh lệnh và chịu sự quản lý chặt chẽ của các bộ, ngành chủ quản, các trường đại học đã dần dần được trao quyền tự chủ.

Báo cáo này cho biết, sau gần 3 năm triển khai tự chủ ĐH, các cơ sở giáo dục ĐH được lựa chọn thí điểm đã bước đầu đạt được một số kết quả đáng khích lệ, giúp giảm bớt các thủ tục hành chính, tăng tính chủ động, linh hoạt trong tổ chức thực hiện các hoạt động của nhà trường. Tuy nhiên, học phí của các trường tự chủ thường cao hơn so với mặt bằng chung. Thu từ học phí tăng 4,29% so với thời điểm trước tự chủ và vẫn là nguồn thu chính của các trường ĐH, chiếm trên 70% tổng thu của các trường. Nguồn thu học phí tăng chủ yếu là do thu từ học phí của các chương trình tiên tiến, chất lượng cao và tiến sĩ (tăng gấp đôi) và chính quy đại trà. Trong khi nguồn thu từ các hệ đào tạo không chính quy giảm gần 5%. Tổng thu (không tính đầu tư xây dựng cơ bản) giai đoạn sau tự chủ so với trước tự chủ tăng 16,6%. Cơ cấu các khoản thu của các trường ĐH công lập tự chủ chưa có sự thay đổi rõ rệt trước và sau tự chủ. Tăng học phí cũng là nỗi băn khoăn được nhiều chuyên gia, phụ huynh, học sinh trước vấn đề về tự chủ ĐH.

Sau thời gian thí điểm, tự chủ ĐH còn bộc lộ nhiều bất cập. Trong đó, chính sách, pháp luật về tự chủ chưa đồng bộ; dù đã có một số văn bản cởi trói cho các trường được “thí điểm tự chủ”, nhưng do tất cả các văn bản đó đều không thể vượt qua khỏi luật, đặc biệt là Luật Giáo dục đại học, Luật Đầu tư công, Luật Khoa học công nghệ…

Thừa nhận các mặt còn hạn chế, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Cần thẳng thắn nhìn nhận những việc đã làm được, chưa làm được; những khó khăn, vướng mắc phát sinh và bài học kinh nghiệm trong thực tiễn triển khai tự chủ thời
gian qua.

Dùng Luật Lao động thay thế Luật Viên chức

Trước những kết quả nghiên cứu, Nhóm nghiên cứu đã đưa ra nhiều kiến nghị tới các đơn vị liên quan. Đặc biệt, nhấn mạnh kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định về tự chủ ĐH thay thế cho Nghị quyết 77, chính thức hóa tự chủ ĐH là con đường tất yếu của giáo dục ĐH Việt Nam. Đối với các trường chưa tự chủ, Chính phủ cần yêu cầu phải thực hiện tự chủ kể từ năm 2020.

Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Tự chủ ĐH là thuộc tính cần thiết của ĐH thế giới và Việt Nam.

Phó Thủ tướng yêu cầu các đơn vị tháo gỡ tối đa các quy định, nhất là các trường đã tự chủ tốt. Bên cạnh đó, các cơ quan chủ quản cũng cần bỏ tư duy coi nhà trường như một vụ, như một trung tâm của mình mà quên mất đây là một trường ĐH.

Phó Thủ tướng cũng đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của các hiệu trưởng, người đứng đầu nhà trường. “Tinh thần tự chủ nói từ đầu đến giờ mới chỉ là tháo sự can thiệp hành chính không cần thiết của bộ chủ quản. Nhưng tự chủ phải đi xuống từng trường, phải xuống đến tận giảng viên.

HUYÊN NGUYỄN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/de-xuat-bai-bo-tu-cach-cong-chuc-trong-cac-truong-dai-hoc-571624.ldo