Đề xuất 4 ngày học/tuần tại Singapore

PGS Jason Tan cho hay việc học 4 ngày/tuần với Singapore không khó, tuy nhiên cần cân nhắc tác động của hình thức này lên đời sống của học sinh và giáo viên.

Theo một cuộc khảo sát của Milieu Insight hồi tháng 9, 81% trong số 1.000 người đi làm được hỏi cho biết muốn có một tuần làm việc 4 ngày. Ngoài ra, 78% trong số họ nói rằng mục đích chính của mình là có thể cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Tháng trước tại Quốc hội Singapore, Bộ trưởng Bộ Nhân lực Gan Siow Huang đã kêu gọi người sử dụng lao động và người lao động áp dụng tư duy linh hoạt về việc sắp xếp làm việc 4 ngày/tuần.

"Điều này liệu có phù hợp với ngành giáo dục khi giáo viên đã phải chịu nhiều áp lực và trách nhiệm từ khi đại dịch bùng nổ đến mức khối lượng công việc của họ nhiều lúc tăng lên gấp đôi?", Channel News Asia dẫn lời PGS Jason Tan từ Viện Giáo dục Quốc gia Singapore.

Tính khả thi

Giáo dục Singapore từng có lịch học 6 ngày/tuần hồi đầu những năm 1960. Đến tháng 9/1962, lịch học đã được điều chỉnh nhằm giảm tải cho giáo viên thành 5 ngày/tuần, thứ Bảy dành cho hoạt động ngoại khóa.

 Singapore từng duy trì hình thức học 4 ngày/tuần những năm 1960. Ảnh minh họa: CNA.

Singapore từng duy trì hình thức học 4 ngày/tuần những năm 1960. Ảnh minh họa: CNA.

Lịch học này duy trì đến thời kỳ đại dịch thì có sự thay đổi sang hình thức học tập hoàn toàn tại nhà (HBL). Giờ đây, phương pháp này được cải tiến nhiều hơn để có thể kết hợp linh hoạt giữa các hình thức học trực tiếp tại trường và học trực tuyến.

Bộ Giáo dục Singapore bắt đầu đưa các ngày HBL vào thời khóa biểu học sinh cấp 2 và dự bị đại học 2 tuần/lần hồi năm ngoái. Các ngày HBL được thiết kế để học sinh tự học và hoàn thành bài tập ở nhà.

Tại Học viện Raffles, tuần học thậm chí còn ngắn hơn đối với học sinh các trường dự bị đại học. Học sinh 2 khối cuối được nghỉ học vào mỗi thứ Tư hàng tuần kể từ đầu năm 2021. Thay vì các bài học trên lớp thông thường, các em có nhiều lựa chọn khác nhau như các hoạt động ngoại khóa, tham vấn với giáo viên, tình nguyện hoặc chỉ đơn giản là nghỉ ngơi.

Nước khác áp dụng tuần học 4 ngày

Mỹ bắt đầu có học khu triển khai tuần học 4 ngày đầu tiên vào năm 1931. Trong những năm 1970, các học khu theo đuổi lịch học 4 ngày/tuần hầu hết ở các vùng nông thôn. Tính đến năm học 2019-2020, hơn 1.600 học khu trên toàn quốc đã áp dụng mô hình này.

Với hình thức học này, 4 ngày học sẽ tăng thêm khoảng một giờ. Ngày thứ 5 trong tuần thường sẽ được dùng để phát triển chuyên môn của giáo viên. Mặt khác, học sinh cấp 3 thường thực tập, hoạt động cộng đồng hoặc làm việc. Tại một số học khu tổ chức hoạt động dạy kèm, học sinh sẽ tham gia các hoạt động bổ túc hoặc học trực tuyến.

Một lý do chính để chuyển sang hình thức học 4 ngày/tuần là tiết kiệm chi phí đi lại và tiện ích. Ngoài ra, nhiều học khu phát hiện hình thức này góp phần tăng tỷ lệ đi học, giảm tỷ lệ bị kỷ luật và tăng tỷ lệ tham gia các hoạt động ngoại khóa ở học sinh.

Tuy nhiên, cũng có báo cáo về những khó khăn nếu chuyển qua hình thức học 4 ngày/tuần. Khó khăn này đặc biệt gặp ở những phụ huynh phải sắp xếp lịch làm để chăm con và ở học sinh khó khăn cần các bữa ăn miễn phí ở trường.

Nghiên cứu cũng chỉ ra tác động của hình thức học 4 ngày/tuần lên kết quả học tập của học sinh không giống nhau.

Đầu năm nay, bản kiến nghị công khai kêu gọi các trường học ở Anh nghỉ ngày thứ Sáu đã thu hút hơn 148.000 chữ ký. Bản kiến nghị cho rằng việc cho phép trẻ em nghỉ cuối tuần dài hơn giúp giảm bớt căng thẳng liên quan đến trường học. Tuy nhiên, trả lời trước Quốc hội, Bộ Giáo dục Anh nói rằng họ sẽ không làm thế vì học sinh sẽ mất trung bình 38 ngày học/năm.

Trường hợp Singapore

Trong trường hợp của Singapore, việc tiết kiệm năng lượng hoặc chi phí vận hành sẽ không phải là lý do chính để quốc gia này cho phép tuần học 4 ngày. Thay vào đó, nhiều người ủng hộ hình thức này vì quan tâm tới sức khỏe tinh thần của giáo viên và học sinh.

Hiệu trưởng Học viện Raffles cho biết mục đích của việc xếp lại lịch học là để khiến trải nghiệm giáo dục của học sinh trở nên thú vị và ít căng thẳng hơn. Các cuộc khảo sát dành cũng chỉ ra hình thức học 4 ngày/tuần có thể giúp học sinh kiểm soát thời gian học tập và nghỉ ngơi.

Nhiều bậc cha mẹ lo lắng hình thức học này có thể khiến kết quả học tập của con em họ đi xuống. Đáp lại, Hiệu trưởng Học viện Raffles cho biết kết quả A-Level (tốt nghiệp trung học - PV) của học sinh trường mình năm 2021 cải thiện so với kết quả của năm 2020. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận hầu hết học sinh đều "có động lực lớn".

Cuối cùng, theo CNA, bất kỳ thay đổi nào đối với hệ thống giáo dục hiện tại đều phải mang lại tương lai tốt hơn cho giáo viên và học sinh.

"Chúng ta phải xem xét kết quả của việc rút ngắn tuần học có giảm đáng kể tổng số lượng các hoạt động học tập và phi học tập cho học sinh cũng như công việc cho giáo viên hay không", PGS Jason Tan viết cho CNA.

Theo ông, nếu một tuần học 4 ngày không giải quyết đầy đủ các yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của học sinh và giáo viên, thì việc cố gắng thay đổi thời lượng học trong tuần là vô nghĩa.

Linh Thùy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/de-xuat-4-ngay-hoctuan-tai-singapore-post1368459.html