Để xe đạp công cộng thực sự hấp dẫn

Không chỉ góp phần giảm ô nhiễm môi trường, xe đạp công cộng còn trở thành phương tiện kết nối hiệu quả giữa các loại hình vận tải hành khách công cộng khác như tàu điện, xe buýt… Lợi ích mang lại là rất lớn, song triển khai xe đạp công cộng trên diện rộng gặp không ít khó khăn.

Số liệu thống kê chỉ sau hơn 2 tháng đi vào hoạt động, dịch vụ xe đạp công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội đã thu hút khoảng 100.000 người đăng ký sử dụng với gần 135.000 chuyến đi.

Xe đạp công cộng thu hút khách sử dụng tại Hà Nội.

Dù triển khai sau TP.Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng song tại Hà Nội, số người sử dụng xe đạp công cộng lại nhiều nhất, trên 50%.

Thực tế cho thấy xe đạp công cộng nhận được sự ủng hộ của người dân Thủ đô. Tuy nhiên, để duy trì lâu dài loại phương tiện giao thông công cộng này thì cần sự vào cuộc, chung tay của tất cả các bên liên quan.

Theo ông Phạm Hoài Chung, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược phát triển Giao thông Vận tải, xe đạp công cộng là một trong những loại hình phương tiện “xanh”.

Xe đạp đang là phương tiện phổ biến và quen thuộc cả ở Việt Nam, Hà Lan và nhiều nước phát triển trên thế giới. Trong điều kiện phù hợp, đi xe đạp là một thói quen góp phần tiết kiệm năng lượng, giảm khí phát thải, bảo vệ môi trường, thiên nhiên.

Là đơn vị được cấp phép kinh doanh dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng tại Thủ đô Hà Nội, ông Đỗ Bá Quân, Chủ tịch Công ty Vận tải số Trí Nam cho biết, công ty bắt đầu triển khai dịch vụ xe đạp công cộng từ năm 2021 tại TP.Hồ Chí Minh.

Ngày 24/8, thành phố đã bắt đầu triển khai thử nghiệm tại Hà Nội. Qua gần 2 năm thí điểm trên cả nước, khó khăn lớn nhất của đơn vị vẫn là còn thiếu cơ sở hạ tầng cho xe đạp. Hiện Hà Nội bắt đầu có đề án đường dành riêng cho xe đạp.

Đáng chú ý, tính riêng tại khu vực nhà ga Metro Cát Linh - Hà Đông, sau hơn 2 tháng đã có khoảng 14.000 lượt sử dụng xe đạp công cộng, cao điểm nhất là vào giờ đi làm và tan tầm.

Cần có những giải pháp đồng bộ, thiết thực để phát triển loại hình vận tải công cộng "xanh" như xe đạp.

Với đà phát triển như vậy vào năm 2024, xe đạp công cộng sẽ tiếp cận các quận còn lại của Hà Nội, mở thêm trạm xe để phục vụ người dân.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội cho rằng, xe đạp công cộng có thị trường, có khách, song để tồn tại và phát triển thành công cần 3 yếu tố chính.

Đầu tiên là thị trường, coi đây là phương tiện vận tải hành khách công cộng có bàn tay quản lý của nhà nước và phải tạo được sự tin cậy của người dùng.

Doanh nghiệp cũng cần tạo được sự tin cậy cho người dân, phải có đội ngũ xe thường xuyên đảm bảo chất lượng theo đúng quy định, có hệ thống duy tu bảo dưỡng và kiểm soát chất lượng, có tương tác hiệu quả với hành khách.

Quá trình người dân sử dụng gặp sự cố phải tiếp cận nhanh để hỗ trợ giải quyết giúp người dùng sử dụng dịch vụ được an toàn, thoải mái.

Thông tin từ ông Phan Trường Thành, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) cho biết, để triển khai xe đạp công cộng thời gian tới cần quan tâm về điều kiện hạ tầng dành cho loại phương tiện này.

Đặc trưng của Thủ đô có nhiều ngõ nhỏ, hẹp nên điều kiện để người dân tiếp cận với các dịch vụ vận tải công cộng khối lớn còn nhiều bất cập, trở ngại. Chính vì vậy, xe đạp sẽ là phương tiện trung chuyển và kết nối phù hợp nhất.

Hiện Hà Nội đã cấp phép cho Công ty Vận tải số Trí Nam gần 80 điểm làm trạm xe đạp, ưu tiên ở những vị trí tốt nhất trong khu vực các quận nội thành. Nhất là các khu vực gần nhà ga, bến tàu, trường học, công viên, trung tâm mua sắm,...

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng đang khẩn trương nghiên cứu hai tuyến đường dành riêng cho xe đạp và đủ điều kiện sẽ triển khai vào năm 2024.

Thứ nhất là đường chạy dọc sông Tô Lịch, có đường dành cho người đi bộ và ta có thể tận dụng để triển khai. Tiếp theo là hệ thống hè quanh công viên Hòa Bình, mở rộng các không gian, tiếp cận các khu vực vui chơi du lịch, văn hóa, mua sắm.

Thế Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/de-xe-dap-cong-cong-thuc-su-hap-dan-post273921.html