Đề văn học sinh giỏi lớp 12 được khen

Nhiều giáo viên nhận xét đề văn học sinh giỏi lớp 12 của TP.HCM sáng tạo, có tính mở và tạo hứng thú.

Sở GD&ĐT TP.HCM vừa công bố đề văn học sinh giỏi lớp 12 năm học 2023-2024.

Đề văn học sinh giỏi lớp 12 của TP.HCM

Cô Nguyễn Thị Thu Phương, giáo viên Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TP Thủ Đức, TP.HCM cho biết đề thi học sinh giỏi của TP.HCM luôn gây bất ngờ cho học sinh và giáo viên. Đề thi học sinh giỏi lớp 12 năm nay cũng không ngoại lệ.

Đối với môn văn, nếu như mọi năm, học sinh nhận đề, đọc yêu cầu của đề, nhận diện – hiểu yêu cầu của đề sau đó sẽ làm thì năm nay đề thi có sự thay đổi. Đầu tiên, các em sẽ đọc một văn bản cụ thể để suy ngẫm và tự tìm cho mình câu trả lời. Phần đọc và suy ngẫm sẽ khiến học sinh trăn trở, nghĩ suy và đánh giá. Sau đó, các em bắt đầu viết.

Đề thi năm nay, câu nghị luận xã hội và nghị luận văn học kết nối chặt chẽ, logic với phần đọc và suy ngẫm chứ không rạch ròi tách biệt như mọi năm.

Kỳ thi học sinh giỏi lớp 12 cấp TP năm nay có hơn 4.700 thí sinh dự thi. Trong ảnh, giám thị kiểm tra giấy tờ của thí sinh. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

“Đề gây bất ngờ, hứng thú và cũng gây khó khăn cho học sinh bởi chỉ trong 120 phút, các em phải xử lý tất cả những yêu cầu của đề. Đề đã phát huy được khả năng đọc hiểu, khả năng tư duy và sáng tạo của học sinh. Học sinh thể hiện được góc nhìn, quan điểm, cá tính của bản thân qua bài làm” – cô Phương nói.

Tương tự, cô Nguyễn Thị Hà, giáo viên Trường THPT Quỳnh Lưu 4, Nghệ An cho hay kỳ thi học sinh giỏi của TP.HCM luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Một trong những lý do vì kỳ thi này đã tạo được tiếng vang về chất lượng của đề thi. Riêng đề thi môn Ngữ văn luôn tạo sự bất ngờ thú vị cho giáo viên học sinh trên khắp cả nước.

Trong kì thi vừa rồi, đề thi một lần nữa chinh phục những người quan tâm đến văn chương.

Thí sinh cùng nhau lưu lại khoảnh khắc đáng nhớ tại kỳ thi học sinh giỏi lớp 12 cấp TP. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Đề văn học sinh giỏi lớp 12 có hai câu. Câu 1 đặt vấn đề: “Liệu đam mê chính đáng có thể xem là lí do biện minh cho những sai lầm”?

Trước khi nêu vấn đề, đề đã dẫn câu chuyện thực tế của đại học Havard để dẫn dắt, gợi mở từ đó học sinh đưa ra góc nhìn riêng của mình.

“Đây là cách đặt vấn đề sáng tạo, câu lệnh rõ ràng, dễ hiểu, không mập mờ đánh đố. Tuy nhiên, nếu phần ngữ liệu gọn hơn một chút thì đề sẽ có điểm nhấn và tiết kiệm được thời gian cho thí sinh” – cô Hà nói.

Đối với câu 2 đề yêu cầu bàn về “Những góc nhìn văn chương”.

Đây là vấn đề không mới và đã xuất hiện khá nhiều trong đề thi học sinh giỏi văn các cấp. Tuy nhiên, người ra đề đã khéo léo dẫn dắt và kết nối với phần nghị luận xã hội ở câu 1, tạo nên một sự liên tưởng liền mạch, giúp thí sinh có thêm hứng thú khi làm bài. Đồng thời giám khảo có thể đánh giá được tư duy đa chiều về xã hội và văn học của thí sinh.

Đề cũng tạo cơ hội để học sinh thể hiện trải nghiệm phong phú về văn chương của mình khi không bị gò về phạm vi tư liệu. Với đời sống văn học sôi động hiện nay và sự năng động, tích cực của học sinh trong học tập, thưởng thức văn chương, các em có thể chủ động lựa chọn tác phẩm để làm sáng tỏ vấn đề.

"Tóm lại, đây là một đề thi hay có khả năng khơi gợi hứng thú cho học sinh giỏi văn, đồng thời còn có khả năng định hướng gợi mở để giáo viên Văn trên cả nước mạnh dạn đổi mới, sáng tạo hơn nữa trong giảng dạy" - cô Hà đánh giá.

Đồng quan điểm, cô Lưu Mai Tâm, giáo viên Trường THPT Trịnh Hoài Đức, tỉnh Bình Dương nhận xét cả 2 phần nghị luận xã hội và nghị luận văn học cùng chủ đề: "Những góc nhìn khác nhau".

“Trong thời đại công nghệ như hiện nay, con người được/phải lựa chọn nhiều hơn nên vấn đề góc nhìn sẽ luôn luôn hiện diện. Mà góc nhìn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bị chi phối bởi nhiều giới hạn: độ tuổi, giới tính, tri thức, môi trường,... nên việc con người suy nghĩ, hành động, ứng xử khác nhau trước một vấn đề là dễ hiểu. Cùng 1 vấn đề, cùng 1 người nhìn nhận, ở 2 thời điểm khác nhau đã cho kết quả không giống nhau” – cô Tâm nói.

Theo cô Tâm, cả 2 câu đều tạo hứng thú, khơi gợi khả năng viết của học sinh. Những đánh giá khác nhau, những quyết định khác nhau cũng cho thấy sự phong phú phức tạp của cuộc sống. Khi phải chọn lựa, đưa ra quyết định, thường con người đều phải suy nghĩ, trăn trở. Trong nhiều tình thế, rất khó để có 1 giải pháp tốt hoàn toàn.

“Đam mê chính đáng liệu có thể biện minh cho sai lầm” – cách đặt vấn đề khá hay. “Việc có thể hay không thể phụ thuộc vào mức độ sai lầm, vào môi trường tồn tại, phát triển của cá nhân. Người vừa có tài năng, vừa có tiền, vừa có óc sáng tạo, vừa có độ “điên” như Elon Musk thì đam mê biện minh được cho tất cả. Tuy nhiên, người không tự do (xét trên nhiều phương diện) thì đam mê cũng cần tỉnh táo” – cô tâm nói và cho biết câu nghị luận xã hội có tính mở, đối thoại khá cao.

.

NGUYỄN QUYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/de-van-hoc-sinh-gioi-lop-12-duoc-khen-post779180.html