Để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội

Cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở luôn nỗ lực, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng con người Vĩnh Phúc phát triển toàn diện về năng lực, trí tuệ, bản lĩnh, có đầy đủ phẩm chất, nhân cách của con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, xây dựng Vĩnh Phúc ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Thư viện xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường thu hút thanh, thiếu niên tới đọc sách, góp phần bồi dưỡng nhân cách, lối sống lành mạnh cho thế hệ trẻ. Ảnh: Trà Hương

Hơn 10 năm qua, thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa, Vĩnh Phúc đã hình thành được một hệ thống thiết chế văn hóa-nghệ thuật khá đồng bộ, nhiều công trình văn hóa-nghệ thuật trọng điểm, có ý nghĩa lớn của tỉnh đã được khánh thành và đưa vào khai thác, sử dụng, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, hưởng thụ văn hóa của đông đảo quần chúng nhân dân.

Hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung, di tích lịch sử văn hóa nói riêng ngày càng được quan tâm. Toàn tỉnh có hơn 500 di tích được xếp hạng, trong đó, có 3 di tích xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (danh lam thắng cảnh Tây Thiên-Tam Đảo, tháp Bình Sơn, đình Thổ Tang), 65 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 441 di tích cấp tỉnh và 1 bảo vật quốc gia (tháp gốm men chùa Trò).

Nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh về vai trò, vị trí của văn hóa trong phát triển kinh tế-xã hội được nâng lên. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng gia đình, làng, xã, cơ quan, đơn vị văn hóa được triển khai sâu rộng, có sức lan tỏa mạnh mẽ, đạt hiệu quả tích cực, góp phần động viên nhân dân hăng hái tham gia, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; số lượng, chất lượng các gia đình được công nhận gia đình văn hóa, thôn, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị đạt tiêu chuẩn cơ quan, đơn vị văn hóa ngày càng nâng cao.

Qua đó, phát huy tinh thần tương thân, tương ái, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo; nâng cao ý thức tự quản trong cộng đồng; huy động nguồn lực dồi dào của nhân dân để xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng, thiết chế văn hóa; tạo sự chuyển biến tích cực trong thực hiện nếp sống văn minh, thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang, lễ hội; duy trì và phát triển phong trào văn hóa-văn nghệ; bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa dân tộc, thuần phong mỹ tục; ngăn chặn đẩy lùi các tệ nạn xã hội...

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa trên địa bàn tỉnh còn một số tồn tại, hạn chế. Tỉnh còn thiếu cơ chế, chính sách đủ mạnh để có thể thu hút các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế tham gia phát triển văn hóa.

Các đơn vị nghệ thuật công lập chủ yếu còn nặng về nhiệm vụ chính trị, chưa nâng cao được năng lực để chuyển đổi sang mô hình hoạt động tự chủ theo chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa.

Nhà văn hóa Khu phố 1, thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên là nơi sinh hoạt văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao quần chúng, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân. Ảnh: Trà Hương

Nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa trong một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý các ngành, các cấp chưa đồng đều; tư duy, thói quen ỷ lại, trông chờ vào ngân sách nhà nước còn tồn tại. Nguồn vốn, tài nguyên, lao động và công nghệ của ngành văn hóa chưa được khai thác hợp lý, hiệu quả để phục vụ phát triển…

Để phát triển văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội, Sở VH-TT&DL đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng, ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh với các mục tiêu xây dựng văn hóa-con người Vĩnh Phúc trong thời kỳ mới có nhân cách, có lối sống tốt đẹp với các phẩm chất cơ bản như nhân ái, nghĩa tình, khát vọng, sáng tạo, đổi mới.

Nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, tinh thần và phát huy vai trò làm chủ trong xây dựng đời sống văn hóa, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu; định hướng người dân hướng tới các giá trị văn hóa lành mạnh, bổ ích; từng bước thu hẹp khoảng cách về mức hưởng thụ văn hóa, tinh thần giữa thành thị, nông thôn, miền núi, các đối tượng chính sách và yếu thế.

Chú trọng phát triển văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số; quan tâm đến đời sống văn hóa của công nhân tại các khu công nghiệp; bảo tồn, phát huy có hiệu quả các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh, gắn với phát triển du lịch.

Xây dựng cơ sở dữ liệu khoa học, đầy đủ về các di sản văn hóa-lịch sử có giá trị, từng bước số hóa nguồn dữ liệu về di tích, di sản; hoàn thiện cơ chế, chính sách để thu hút, trọng dụng nhân tài, huy động nguồn lực để đầu tư, phát triển văn hóa, con người Vĩnh Phúc.

Mai Anh

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/76241/de-van-hoa-thuc-su-la-nen-tang-tinh-than-cua-xa-hoi.html