Đề Văn gây tranh cãi của tỉnh Bắc Giang: Nhìn đề Văn, ngỡ đề Vật lý

Đề thi môn Văn trong kỳ thi tuyển đội tuyển học sinh giỏi quốc gia của Sở GD&ĐT Bắc Giang đang gây “bão” trên mạng xã hội. Đây được cho là một đề thi Văn “hại não”, khiến cả học sinh và người chấm “bối rối”.

Ngày 17/9, đề thi môn Ngữ văn (thời gian làm bài 180 phút), kỳ thi chọn đội tuyển học sinh giỏi quốc gia THPT năm 2018 của Sở GD&ĐT Bắc Giang được chia sẻ trên mạng. Trong đó, câu 1 (8 điểm) có nội dung như sau: "Hãy viết một bài văn nghị luận trình bày quan điểm của anh/chị về vấn đề được gợi ý từ bức ảnh trên". Đề cho một hình ảnh trừu tượng về chiếc thuyền giấy nổi trên mặt nước và bóng đèn gắn với chiếc thuyền bị chìm dưới nước.

Ngay sau khi đề thi này được chia sẻ trên mạng xã hội thì nhận được không ít những ý kiến khác nhau từ giáo viên, học sinh.

Câu hỏi 1 trong kỳ thi chọn đội tuyện học sinh giỏi quốc gia môn Văn của tỉnh Bắc Giang

Liên quan đến đề thi này, chị N.T. - giáo viên dạy Văn của một trường THPT tại Bắc Ninh cho biết: “Với đề thi để chọn đội tuyển học sinh giỏi quốc gia thì đây mà một đề khá hay và hợp lý. Với câu 1, sử dụng một trong sáu dạng ra tiêu biểu của kiểu ra đề đọc hiểu. Đây là một câu với hướng ra đề mở, phát huy năng lực sáng tạo và tư duy của học sinh”.

“Với câu hỏi dạng mở, học sinh áp dụng sang nghị luận xã hội là một cách hay. Câu hỏi cho phép học sinh thỏa sức sáng tạo, lựa chọn nội dung bàn luận. Điều quan trọng học sinh biết lựa chọn vấn đề gì cho phù hợp nhất, đưa ra vấn đề và giải quyết vấn đề một cách hợp lý. Về phạm vi tư liệu cho câu hỏi này lại càng rộng, học sinh có thể lựa chọn trong đời sống, trong văn học để đưa vào bài viết của mình.

Theo tôi thấy, hình thức ra đề này không chỉ khó với học sinh mà khó với cả giáo viên chấm thi. Đề này sẽ không có một đáp án nào gọi là chi tiết, giáo viên chấm cũng phải dựa trên hình thức mở”, chị N.T.T.H giáo viên dạy văn của một trường THPT tại Hà Nội chia sẻ.

Khi được hỏi về đề thi môn Văn học sinh giỏi quốc gia của tỉnh Bắc Giang, nhiều học sinh thấy hoang mang vì chưa hiểu được ý nghĩ của bức ảnh.

Em N.T.T học sinh trường Đoàn Thị Điểm nói: “Từ trước tới nay, đề thì văn thường đưa ra những trích đoạn trong một cuốn sách, hay những câu nói hay… học sinh dựa trên đó mà đưa ra ý kiến riêng của mình. Nhưng với đề thi này, em cảm thấy như thầy, cô giao cho bọn em quyền được nghị luận về bất kỳ vấn đề gì nhưng vấn đề đưa ra phải lí giải sao cho phù hợp với bức ảnh. Điều này khiến bọn em cảm thấy bối rối và mất khá nhiều thời gian để lập dàn ý cho câu hỏi này”.

Còn một số em khác khi đọc xong đề không hiểu gì, chỉ nói rằng đề thi khá là “hại não”.

“Nhìn đề thi văn mà em tưởng mình đang xem đề thi Vật lý, với hình ảnh bóng đèn và thuyền giấy cùng với chiếc dây buộc chằng chịt như một nguyên lý nào đó. Điều này khiến em liên tưởng đến nguyên lý tảng băng trôi của Hemingway trong tác phẩm ‘Ông già và biển cả’. Em có thể lấy ý từ văn học và dẫn chứng bằng những vấn đề đời sống hiện này. Đây là một đề hay nhưng cũng rất khó, bởi cách ra đề quá mới mẻ”, D.Q.T chia sẻ.

Còn bạn N.N.Y cho rằng: “Từ trước đến nay, học sinh học Văn mang tính chất học thuộc, học theo khuôn mẫu. Trong các bài văn đã bị thui chột đi tính sáng tạo mà toàn những bài văn lắp ghép giống nhau, có những bài đọc lên mà cười ra nước mắt. Chính vì thế, em thấy cách ra đề mở như thế này tuy khó với bọn em nhưng lại giúp chúng em nâng cao khả năng tư duy, sáng tạo, khả năng phân tích, tổng hợp”.

Dương Nga

Nguồn ANTT: http://antt.vn/de-thi-van-hai-nao-cua-tinh-bac-giang-kho-nhung-nang-cao-kha-nang-tu-duy-209706.htm