Để TP HCM thật sự là nơi đáng sống

Mục tiêu cao nhất là nhằm bảo đảm chất lượng sống cho người dân; tăng cường khả năng cạnh tranh và mức độ thu hút đầu tư; nâng cao khả năng ứng phó trước các sự cố có thể xảy ra

Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2023 do Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) thực hiện, được công bố vào đầu tháng 4-2024 cho thấy: TP HCM tiếp tục đứng đầu cả nước về tiêu chí là địa phương được nhiều người yêu thích và lựa chọn làm nơi sinh sống.

Còn nhiều thách thức

Trải qua những bất thường từ dịch bệnh, thiên tai cho đến tình trạng biến đổi khí hậu, ai cũng hiểu rằng phát triển bền vững không còn là mục tiêu mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc. Bởi lẽ, phát triển đô thị không chỉ là xây dựng cơ sở hạ tầng, mà còn là khởi tạo môi trường đáng sống để thu hút nguồn nhân lực, duy trì tính bền vững của cả cộng đồng.

Có nhiều điểm khác biệt khi đề cập sự phát triển và tăng trưởng của một đô thị. Tuy nhiên, vẫn có một mẫu số chung, đó là sự hài hòa giữa kinh tế, môi trường và xã hội một cách bền vững với mục tiêu cuối cùng là đời sống cư dân đô thị phải khá giả hơn, sống tiện nghi hơn và hạnh phúc hơn.

Một đô thị thông minh và đáng sống phải thỏa mãn các tiêu chí như: địa điểm chiến lược; kết nối vùng; phân khu và phân kỳ; đa dạng hóa sản phẩm; tạo ra hệ sinh thái; tập trung tiện ích; môi trường thân thiện; vận hành bền vững; gắn kết cộng đồng. Thành phố đáng sống phải là nơi mà mỗi người đều có thể tìm thấy một không gian, môi trường sống thích hợp, an toàn, được tiếp cận dễ dàng với không gian xanh…

Số liệu thống kê đến cuối quý I/2024 cho thấy thương mại - dịch vụ vẫn là một trong những "trụ cột" của nền kinh tế TP HCM, chiếm tỉ trọng 65,6% trong GRDP và đã đóng góp đến 4,68 điểm %, tương đương 71,6%, vào tăng trưởng quý I.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,2%. Trong đó, bán lẻ tăng gần 8%, còn các lĩnh vực như lưu trú, ăn uống, buôn bán bất động sản đều tăng 2 con số. Với mức tăng 5,1% đối với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) - cao nhất trong 4 năm gần đây, đó là điều kiện để xuất khẩu tăng 7,5%, ước đạt 10,1 tỉ USD.

TP HCM là địa phương được nhiều người yêu thích và lựa chọn làm nơi sinh sống Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Không chỉ là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, TP HCM còn là trung tâm văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học - công nghệ, giao dịch quốc tế, du lịch - dịch vụ - thương mại. TP HCM là đầu mối giao thông và giao lưu lớn của cả nước, khu vực và quốc tế. Quá trình đô thị hóa đã cung cấp cho TP HCM một lực lượng lao động trẻ có trình độ; thúc đẩy cơ cấu kinh tế, dịch vụ ngày càng phát triển.

So với các tỉnh, thành khác, chi phí sinh hoạt để duy trì cuộc sống tại đô thị này không dễ. Song, theo nhiều bạn trẻ đang sống và làm việc tại TP HCM, đây vẫn là thành phố dễ sống, bảo đảm cho họ cơ hội việc làm và sự phát triển.

Tuy nhiên, bên cạnh sự khẳng định về những thành tựu quan trọng, vẫn còn những tồn tại nhất định trong quá trình quản lý và phát triển đô thị, nhất là khi hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội không đồng bộ, quá tải.

Chất lượng kết cấu hạ tầng tại các khu đô thị chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, ô nhiễm môi trường tăng, nước thải chưa được xử lý và tính toán kỹ về mặt quy hoạch...

Các chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm ngập nước, giảm ô nhiễm môi trường đã được triển khai bằng nhiều giải pháp song dường như chưa đưa lại kết quả rõ rệt. Quản lý quy hoạch còn hạn chế, quản lý đất đai còn nhiều bất cập.

Bên cạnh đó, TP HCM cũng đang phải đối mặt với những vấn đề mới nảy sinh do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng… Đây là những thách thức lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến diện mạo đô thị, điều kiện, môi trường sống của người dân và bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững, đặt ra nhiều vấn đề mới trong công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị hiện nay.

Không rập khuôn theo mô hình nào

Việc cần làm trong tương lai không chỉ là mở rộng ranh giới đô thị, tăng số lượng các khu đô thị mới mà còn là tiếp tục tạo ra cho người dân một không gian sống có thể thích ứng với những thay đổi về lối sống và những biến đổi về kinh tế.

Cần đặt nặng hiệu quả cải thiện đời sống, như thủ tục hành chính qua mạng, quản lý giao thông tự động, quản lý và cảnh báo chống ngập. Cũng không nhất thiết phải rập khuôn theo bất cứ một mô hình nào bởi TP HCM có những thuận lợi và thách thức khác biệt nên cần tạo giá trị riêng với bản sắc vốn có.

Đó là sự thân thiện, tử tế và tích cực. Người dân thân thiện đón nhận, nở nụ cười nhiều hơn với người xung quanh; luôn tử tế, giúp đỡ, hỗ trợ nhau, tương thân tương ái; suy nghĩ, sống, chia sẻ tích cực.

Xây dựng thành phố đáng sống thể hiện qua hệ thống giao thông công cộng hiệu quả; hệ thống y tế, giáo dục và các lợi ích hạ tầng xã hội khác đạt tiêu chuẩn quốc tế. Giáo dục cấp phổ thông và tiêu chuẩn chăm sóc y tế cơ bản phải được miễn phí cho người dân.

Để bảo đảm sự thống nhất và khả thi của các chiến lược này, TP HCM cần nỗ lực phát triển dài hạn, hướng tới mục tiêu cao nhất là bảo đảm chất lượng sống cho toàn thể người dân; tăng cường khả năng cạnh tranh và mức độ thu hút đầu tư; nâng cao khả năng ứng phó trước các sự cố có thể xảy ra. Đồng thời, xây dựng bộ khung các chỉ tiêu định lượng cụ thể theo từng giai đoạn để có thể theo dõi, đánh giá và điều chỉnh kế hoạch hành động phù hợp với thực tiễn.

Mời tham gia diễn đàn

TP HCM tiếp tục đứng đầu cả nước về tiêu chí là địa phương được nhiều người yêu thích và lựa chọn làm nơi sinh sống; dù vậy vẫn còn nhiều tồn tại, thách thức.

Trong tương lai, chính quyền và người dân TP HCM cần cải thiện những vấn đề gì để TP HCM trở thành thành phố hạnh phúc và đáng sống cho cư dân đến cư ngụ?

Bài tham gia diễn đàn xin gửi về địa chỉ email: bandoc@nld.com.vn.

Bùi Thanh Tương Quan

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/de-tp-hcm-that-su-la-noi-dang-song-196240512211748022.htm