Để thị trường carbon là 'gà đẻ trứng vàng'

Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình xây dựng, phát triển thị trường carbon

Thị trường carbon hay còn gọi là thị trường trao đổi tín chỉ giảm phát thải khí nhà kính (hay tín chỉ carbon) là một loại hình thị trường mà hàng hóa được mua và bán là lượng khí nhà kính được cắt giảm của một đơn vị phát thải/hấp thụ khi hoạt động giữa bên mua và bên bán. Nguồn doanh thu từ tín chỉ carbon (tài chính carbon) là nguồn hỗ trợ tài chính cho các dự án giảm (hay dự kiến làm giảm) phát thải khí nhà kính dưới dạng đặt mua lượng giảm phát thải này.

Thị trường carbon bắt nguồn từ Nghị định thư Kyoto của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu được thông qua vào năm 1997. Sau đó, hình thức kinh tế này dần phát triển mạnh tại các quốc gia châu Âu, châu Mỹ và cả châu Á.

Tháo gỡ những nút thắt

Trong mục tiêu chung hướng đến phát thải ròng về mức 0 vào năm 2050 (Net Zero), lộ trình thị trường carbon của Việt Nam sẽ thí điểm từ năm 2025, vận hành chính thức từ năm 2028.

Nhờ đặc thù tự nhiên, Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng lớn về carbon rừng với tổng diện tích rừng khoảng 14,7 triệu ha, độ che phủ rừng 42%. Ước tính con số hấp thụ carbon bình quân mỗi năm là khoảng 69,8 triệu tấn CO2.

Thực tế, từ gần 15 năm trước, Việt Nam đã có doanh nghiệp (DN) bán tín chỉ carbon và đến nay, chúng ta cũng có hàng trăm dự án được cấp tín chỉ carbon để giao dịch trên sàn quốc tế.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, có 46 quốc gia và 35 vùng lãnh thổ đã áp dụng định giá carbon với sự tham gia của hàng chục ngàn tập đoàn, DN lớn, nguồn thu năm 2022 khoảng 95 tỉ USD. Việc chúng ta bán thành công tín chỉ carbon rừng với trị giá 51,5 triệu USD trong năm 2023 chỉ mới là điểm khởi đầu.

Trên thế giới, thị trường carbon vận hành theo 3 hình thức, gồm: bắt buộc, tự nguyện và tuân thủ thỏa thuận Paris.

Ngoài ra, có một hình thức đơn giản là mang lên sàn mua bán, hiện chỉ có Singapore đang thực hiện...

Hiện tại, lớn nhất là thị trường carbon châu Âu (EU ETS) và thị trường carbon Mỹ (America Carbon Registry)...

Việc phát triển thị trường tín chỉ carbon Việt Nam là một trong những công cụ kinh tế đã được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường từ năm 2020.

Tuy nhiên, đến nay, việc công nhận và phát hành tín chỉ carbon vẫn phụ thuộc vào bên thứ 3 là các tổ chức hoặc các cơ chế tín chỉ quốc tế.

Tín chỉ carbon của Việt Nam có nhiều mức giá khác nhau, tùy thuộc vào vị trí và thị trường nơi chúng được giao dịch. Những khó khăn, vướng mắc về cả kinh nghiệm, kỹ thuật và tài chính là những nút thắt cần được tháo gỡ.

Thị trường tín chỉ carbon hiện nay mà Chính phủ muốn xây dựng mang yếu tố bắt buộc. Điều này nghĩa là các DN sẽ bị kiểm soát việc phát thải khí nhà kính, nếu xả thải nhiều hơn hạn ngạch đặt ra, DN có thể mua thêm tín chỉ carbon trên thị trường bắt buộc hoặc một phần nhỏ từ thị trường tự nguyện để bù trừ.

Ngược lại, thị trường tín chỉ carbon tự nguyện đã hoạt động được một khoảng thời gian nhưng hiện chủ yếu đến từ lâm nghiệp (rừng), do yếu tố lịch sử trong nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính chung toàn cầu.

Rừng Việt Nam là một trong các lĩnh vực tiềm năng để khai thác tín chỉ carbonẢnh: THANH TUẤN

Biến thách thức thành cơ hội

Trong bối cảnh các khu vực phát triển trên thế giới như EU, Mỹ, hay sắp tới là Trung Quốc, Nhật Bản... áp dụng hàng rào thuế carbon cho hàng hóa xuất nhập khẩu, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình xây dựng, phát triển thị trường carbon.

Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để cơ quan quản lý, các tổ chức, DN chuyển mình, nghiên cứu, áp dụng ngay giải pháp xanh, giảm phát thải, thực hiện biện pháp để tạo ra và tích lũy tín chỉ carbon cho thời gian tới.

Đối với Chính phủ, định giá carbon là một trong những công cụ chính sách khí hậu, đem lại nguồn thu quan trọng từ thuế carbon hay đấu giá các hạn ngạch phát thải.

Từ nguồn thu này, Chính phủ có thể đầu tư nghiên cứu và phát triển các công nghệ xanh, hỗ trợ các cộng đồng dễ bị tổn thương thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu, hoặc hỗ trợ quá trình chuyển dịch sang nền kinh tế carbon thấp.

Đối với DN, nhận thức sớm các rủi ro về khí hậu và xác định chiến lược chuyển dịch hợp lý, từ đó tăng lợi thế cạnh tranh và tạo cơ hội thu về nguồn doanh thu bổ sung.

Đối với nhà đầu tư, định giá carbon giúp phân tích tác động của chính sách biến đổi khí hậu với các danh mục đầu tư, cũng như phân bổ lại vốn cho các hoạt động phát thải thấp hoặc thích ứng với khí hậu. Thông qua định giá carbon, các nhà đầu tư có thể xác định chi phí cũng như lợi ích của các khoản đầu tư để đưa ra các quyết định đầu tư hiệu quả.

Nhà nước cần ban hành đầy đủ quy định về các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới; các quy định nhằm minh bạch hóa thị trường, tiệm cận và đáp ứng các yêu cầu quốc tế.

Triển khai tốt thị trường carbon, sàn giao dịch tín chỉ carbon ở Việt Nam giúp DN và toàn xã hội thực hiện các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính với chi phí thấp; thúc đẩy công nghiệp phát thải thấp, chuyển đổi mô hình nền kinh tế theo hướng carbon thấp.

Nắm bắt, hành động sớm

Thị trường tín chỉ carbon trên thế giới đang rất sôi động, ở khắp các châu lục, tuy nhiên mỗi quốc gia, khu vực có cách thức và lịch sử vận hành khác nhau.

Do Việt Nam là nước đang phát triển, tổng phát thải của ngành công nghiệp không lớn như các nước phát triển; cùng với sự bùng nổ về nhu cầu tín chỉ carbon sau COP26, Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển thị trường carbon và chuyển đổi thị trường carbon, tín chỉ carbon, cần nắm bắt, hành động sớm, triển khai sớm để không tụt hậu so với thế giới.

Mai Đức Dũng

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/de-thi-truong-carbon-la-ga-de-trung-vang-196240115195233168.htm