Để tăng doanh số, xe điện Trung Quốc trang bị giường ngủ, bếp nấu ăn, drone

Ở Trung Quốc, xe điện có tích hợp tủ lạnh và thậm chí cả dàn karaoke được xem là đã lỗi thời. Vì vậy, các hãng xe điện Trung Quốc chuyển sang sử dụng các tiện ích bổ sung mới lạ, từ giường ngủ đến bếp nấu ăn và trạm đỗ drone (máy bay không người lái), để thúc đẩy doanh số đang trì trệ. Sắp tới, họ có thể ra mắt các mẫu xe có trang bị hệ thống câu cá và chăm sóc cây cảnh trên xe.

Mẫu xe điện thể thao đa dụng (SUV) G9 của Xpeng được trang bị tính năng biến ghế ngồi thành một chiếc giường ngủ thoải mái cho hai người. Ảnh: Bloomberg

Các nhà sản xuất xe điện hàng đầu của Trung Quốc đang đối mặt với sự suy giảm nhu cầu trong nước khi người tiêu dùng hạn chế chi tiêu. Họ cũng lo ngại căng thẳng địa chính trị giữa Bắc Kinh với các nền kinh tế lớn của phương Tây làm mờ triển vọng xuất khẩu. Đối với những nhà sản xuất nhỏ hơn, năng lực đổi mới là cốt lõi cho sự sống còn, khi tình hình cạnh tranh khốc liệt trong bối cảnh công suất dư thừa có thể thúc đẩy làn sóng thâu tóm.

Hồi tháng 2, Li Xiang, người sáng lập kiêm CEO của hãng xe điện Li Auto, kêu gọi chính phủ Trung Quốc thiết lập cơ chế để thúc đẩy hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) đối với các nhà sản xuất xe điện đang gặp khó khăn.

“Trong tương lai, nhiều thương hiệu xe điện mới sẽ gặp phải các vấn đề về hoạt động và tài chính do cạnh tranh. Nếu tổn thất xã hội do hoạt động M&A là 10, thì tổn thất xã hội do các hãng xe điện phá sản là 100”, ông viết trên mạng xã hội Weibo. Li Xiang chỉ ra rằng ba “ông lớn” ô tô hiện nay của Mỹ gồm General Motors, Stellantis và Ford Motor là sản phẩm của sự cạnh tranh và sáp nhập khốc liệt giữa hàng trăm hãng ô tô.

Vì vậy, để tồn tại cũng như nâng cao cạnh tranh, các hãng xe điện lớn nhỏ ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang chạy đua trang bị các tiện ích mới lạ như giường ngủ, bếp nấu ăn và trạm đỗ drone cho các mẫu xe mới nhất trong nỗ lực thu hút khách hàng.

Những tiện ích công nghệ cao này cũng làm nổi bật rủi ro đối với các hãng xe phương Tây, có thể khiến họ càng tụt lại phía sau về thị phần ở thị trường ô tô lớn nhất thế giới. Các mẫu xe do Trung Quốc sản xuất được khách hàng trong nước đánh giá là phù hợp hơn với nhu cầu công nghệ sâu rộng và sở thích về mức độ kết nối cao.

“Trong khi các nhà sản xuất truyền thống vẫn chỉ tập trung vào năng lực vận hành của xe thì các công ty Trung Quốc không dừng lại ở đó. Chúng tôi đang mở rộng khả năng cho mọi loại hình sinh hoạt và giải trí trên xe. Đó là một phần lý do tại sao ngày nay khách hàng yêu thích xe điện”, Wang Binggang, nhân viên kinh doanh của hãng Xpeng, nói.

Mẫu xe điện thể thao đa dụng (SUV) G9 của Xpeng, có giá khởi điểm 263.900 nhân dân tệ (36.700 đô la Mỹ), được trang bị tính năng biến ghế ngồi thành một chiếc giường ngủ thoải mái cho hai người.

Chỉ cần một cú nhấp vào màn hình cảm ứng của G9, cả ghế trước và ghế sau của xe sẽ tự động điều chỉnh nằm phẳng hoàn toàn, sau đó, một chiếc nệm hơi trải ra và tự động phồng lên. Xpeng đang tìm cách tận dụng văn hóa lái xe đi dã ngoại và cắm trại ngày càng phổ biến của người dân Trung Quốc. Nhưng G9 cũng có thể gây ấn tượng với nhân viên văn phòng, những người muốn tìm kiếm một nơi để ngủ trưa sau những giờ làm việc mệt mỏi.

Tính năng giường ngủ là “cứu tinh” bất ngờ cho một số gia đình Trung Quốc trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán hồi tháng 2. Việc chờ đợi lâu tại các trạm sạc, ùn tắc giao thông kéo dài hàng giờ và bão tuyết trong dịp Tết, khiến hàng chục nghìn tài xế mắc kẹt trên khắp đất nước, vì vậy, họ đột nhiên cần một nơi thoải mái để ngủ.

Rox Motor Tech, một công ty khởi nghiệp thành lập vào năm 2021, đang tìm cách thu phục những tài xế yêu thích hoạt động ngoài trời. Tháng 8 năm ngoái, công ty ra mắt mẫu xe lai sạc điện (plug-in hybrid), có tên gọi Polestones 01, có giá bán 48.000 đô la Mỹ. Xe được trang bị bộ bàn bếp kiểu cắm trại ở cửa hậu với bếp từ và cây nước nóng lạnh. Xe cũng có mái che nắng gắn vào mái xe, có thể lắp ráp hoặc tháo ra và cất gọn trong vài phút.

BYD, nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới, trang bị một trạm đỗ cho drone trên mái của mẫu xe điện cao cấp Yangwang U8, trị giá 153.000 đô la. Mục đích là để mẫu xe đắt tiền này trở nên hấp dẫn hơn đối với những tài xế là tín đồ công nghệ. Trạm đỗ có thể sạc pin hoặc đổi pin cho drone. Các chuyển động của drone có thể được giám sát từ màn hình trong xe. Drone được lập trình để theo dõi lộ trình của ô tô và chụp được những hình ảnh có độ phân giải cao. Điều đó cho phép tài xế có được chế độ xem từ trên không theo thời gian thực về khu vực xung quanh, đồng thời, họ cũng có thể tạo các video ngắn trên màn hình trong xe.

Sắp tới, các hãng xe điện Trung Quốc dự kiến ra mắt các tính năng độc lạ khác. Hãng xe Geely và thương hiệu xe điện cao cấp Zeeker của hãng này đã nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ bản quyền sáng chế cho hệ thống câu cá gắn trên xe bao gồm dây câu và móc câu. Cảm biến vị trí trên xe sẽ cung cấp thông tin về độ sâu và tốc độ dòng chảy của các vùng nước gần đó, cũng như dữ liệu lịch sử để giúp xác định điểm câu cá tốt nhất. Một thiết bị khác cho phép ném mồi câu ở khoảng cách xa và chính xác hơn.

Trong khi đó, IM Motors, liên doanh xe điện giữa SAIC Motor, Zhangjiang Hi-Tech và Alibaba Group, đã nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với một hệ hống chăm sóc cây cảnh trên xe. Hệ thống này sẽ thu gom nước mưa từ mái xe hoặc từ hệ thống làm mát của xe. Sau đó, một phần mềm sẽ nhận diện các loại cây cảnh khác nhau và tính toán thời điểm thích hợp cũng như lượng nước cần thiết để tưới cho chúng.

Các tham vọng trên báo hiệu các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc tiếp tục chú trọng đổi mới ngay cả khi triển vọng nhu cầu tiêu dùng không chắc chắn.

“Trong kỷ nguyên xe điện, các thương hiệu Trung Quốc đang cố gắng định nghĩa lại các tính năng cao cấp của xe. Họ có thể nảy ra một số ý tưởng thực sự khác thường, nhưng đó chính là ý nghĩa của việc thử nghiệm”, Bill Russo, người sáng lập kiêm CEO của hãng tư vấn Automobileity có trụ sở tại Thượng Hải, nhận xét.

Theo Bloomberg

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/de-tang-doanh-so-xe-dien-trung-quoc-trang-bi-giuong-ngu-bep-nau-an-drone/