Để Quy tắc ứng xử phát huy hiệu quả

Dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị hành chính thành phố Hà Nội đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Bộ Quy tắc ứng xử nêu rõ những hành vi không nên trong ứng xử của công chức nói chung, ứng xử với đồng nghiệp, với người dân...

Một số quy tắc được nhiều người quan tâm như: Công chức không được gây căng thẳng, bức xúc, uy hiếp, tiến công người dân. Nếu có va chạm, người liên quan cần nghiêm túc nhận khuyết điểm và chủ động giải quyết với tư cách cá nhân, không ảnh hưởng đến cơ quan, đơn vị, tổ chức. Công chức phải ăn mặc lịch sự, không xăm hình, vẽ hình phản cảm... Không chỉ tại cơ quan, dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử cũng đề xuất công chức không tổ chức liên hoan, cưới hỏi, ma chay, mừng thọ, sinh nhật, tân gia, mừng thăng chức... linh đình, phô trương, lãng phí, ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư. Người dân hy vọng, khi áp dụng vào thực tế, Bộ Quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị hành chính TP Hà Nội sẽ góp phần chấn chỉnh văn hóa ứng xử, nâng cao kỷ cương hành chính đối với cán bộ, công chức Thủ đô, nhất là trong cách ứng xử với nhân dân.

Trên thực tế, từ lâu, các bộ, ngành, đoàn thể đã có những quy tắc ứng xử riêng. Ngành y tế, văn hóa, thanh tra...; hay các cơ quan đều có những quy định chi tiết, tỉ mỉ về ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức. Điển hình như Bộ Nội vụ có Quy tắc ứng xử cả cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong bộ máy chính quyền địa phương. Quy tắc này có rất nhiều điều cụ thể, chẳng hạn "Trong giao tiếp tại công sở và với công dân, cán bộ, công chức, viên chức phải có thái độ lịch sự, hòa nhã, văn minh. Khi giao dịch trực tiếp, hoặc bằng văn bản hành chính hoặc qua các phương tiện thông tin (điện thoại, thư tín, qua mạng...) phải bảo đảm thông tin trao đổi đúng nội dung công việc mà cơ quan, đơn vị, tổ chức và công dân cần hướng dẫn, trả lời". Như vậy, rất dễ dẫn đến tình trạng một số cơ quan trên địa bàn thành phố sẽ cùng lúc bị nhiều hệ thống quy tắc chi phối, một của ngành dọc, một của chính quyền địa phương. Trong đó, có những quy tắc trùng lặp nhau.

Một số quy tắc như: cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước thuộc thành phố có trách nhiệm chấp hành nghiêm quy định về thời gian làm việc của Nhà nước, của cơ quan hay công chức Thủ đô không hút thuốc tại cơ quan, phòng làm việc; không nghe nhạc, xem ti-vi, nghe đài, chơi điện tử và các thiết bị trò chơi, giải trí cá nhân, không quảng cáo, bán hàng trong giờ hành chính... được cho là không cần thiết. Bởi đã là công chức, thì ở cơ quan nào cũng vậy, nhiệm vụ trước tiên là phải bảo đảm giờ giấc làm việc, không được làm việc riêng trong giờ hành chính. Bên cạnh đó, Hà Nội vốn được xem có truyền thống thanh lịch, văn minh. Các quy tắc chưa nêu bật, chưa phát huy được truyền thống này trong ứng xử.

Việc ban hành Quy tắc ứng xử trong cơ quan cũng như trong cộng đồng dân cư là hết sức cần thiết. Nhưng các cơ quan chức năng cũng cần xem xét kỹ, tránh tình trạng các quy tắc chồng chéo với các quy tắc ngành, quy tắc cơ quan; tránh trùng với các quy định sẵn có về chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, công chức. Đồng thời, phải tính đến yếu tố khả thi trong ban hành, cũng như nên có biện pháp đánh giá cơ quan nào thực hiện tốt, cơ quan nào chưa. Chỉ có như vậy, bộ quy tắc mới thật sự phát huy hiệu quả.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/hanoi/item/31664402-de-quy-tac-ung-xu-phat-huy-hieu-qua.html