Để phóng sinh là hành động ý nghĩa

Phóng sinh là một hành động đẹp trong Phật giáo, được nhân dân ta hưởng ứng thực hiện từ lâu đời… Phóng sinh không chỉ cho sinh vật cơ hội sống mà còn giúp môi trường tự nhiên thêm phần đa dạng, phong phú và phát triển bền vững. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, việc phóng sinh có nhiều biến tướng, đang gây hại nặng nề cho môi trường, cho lối sống văn hóa của con người…

Phóng sinh ngày càng biến tướng

Hôm qua tôi được một người anh mời tới nhà thưởng thức trà Thái Nguyên. Đang ngồi pha trà thì anh bạn có cuộc gọi zalo và mở vidieo nói chuyện:

- Ê… Em xem trên đó có chim sẻ không, bố trí ngày gần cuối tháng này cho anh vài trăm con để anh làm cái lễ phóng sinh trên chùa được không?

- Em làm gì có chim, mà anh phóng sinh làm gì mà nhiều thế?

- Không đi bẫy được à, kiếm xem ở đấy có dân đi bẫy không, mua cho anh?

- Trên em không có ai đi bẫy đâu, ở đây kiểm lâm rồi xã bắt dữ lắm, với giờ người dân không làm mấy chuyện sát sinh như thế nữa!

Ối…! Tôi nghe đoạn hội thoại mà lặng cả người… Ai đời! Bắt chỗ này, thả chỗ kia? Sau khi kết thúc cuộc điện thoại, tôi hỏi “anh hay cung cấp chim à, sao mà người ta gọi tới?”. Anh ấy bảo “cái ông kia ở trên thành phố, lâu lắm không gọi điện, chắc tưởng trên mình rừng rú, người ta bán chim nên điện hỏi, chớ anh có liên quan gì đâu!”.

Quay lại chuyện phóng sinh và ý nghĩa của việc phóng sinh trong mùa Vu lan. Bấy lâu nay có rất nhiều bài viết, nhiều bàn luận, ngay cả những pano quảng cáo của một số chùa nói về ý nghĩa của việc phóng sinh, như:Phật giáo dạy rằng, phóng sinh đồng nghĩa với nuôi dưỡng tâm từ bi, yêu thương với mọi loài chúng sinh, tăng phước đức cho bản thân, gia đình và con cháu đời sau của mình.Phóng sinh là tạo phúc đức cho bản thân, cho con cháu. Đức Phật đã từng chỉ dạy, chỉ có phương pháp phóng sinh là dễ thực hành nhất mà có thể sớm mang lại hiệu quả nhất. Phóng sinh còn giúp kéo dài tuổi thọ, giảm đi tật bệnh…”.

Những điều trên toàn là mang lại lợi ích cho chính người phóng sinh. Theo kinh Phật, làm việc thiện, việc tốt, là tạo phúc cho chúng sinh, chớ có khi nào Phật làm vì bản thân mình đâu. Vì vậy, tôi nghĩ những lời trên là họ cố tình nhét chữ vào Phật, chứ thực tế Phật không dạy như vậy. Vậy họ nhét lời vào Phật làm gì? Tôi thì không biết rõ mục đích họ làm, nhưng chắc chắn điều đó sẽ mang tư lợi cho họ rất nhiều thứ (tất nhiên tư lợi cho họ, thì người phóng sinh phải gặp sự bất lợi - theo Thuyết cân bằng).

Trên báo - đài và ngay trong thực tế chúng ta đều thấy tình trạng bắt chim, cá, động vật… từ nơi khác rồi bán gần ở cổng chùa trong mỗi dịp lễ, tết, lễ hội để người mua phóng sinh. Thậm chí còn có cả trường hợp mới thả đầu này, đi lại đầu kia đã thấy có nhóm tổ chức bắt lại để bán. Rồi những hình ảnh chim thả không bay đi được (do suy kiệt, bị cắt cánh để dễ bắt lại), thậm chí có nhiều con chết ngay tại chỗ… Những việc làm như vậy, thử hỏi phóng sinh là làm việc thiện hay đang làm việc tàn ác! Làm như vậy liệu có tích đức, tạo phúc cho bản thân, cho gia đình được không?

Ý nghĩa thực sự của việc phóng sinh là gì?

Theo một số ý kiến của ông bà ta trước đây, phóng sinh là việc giúp cho sinh vật khác (kể cả con người) có thêm cơ hội sống, cơ hội để sửa đổi, cơ hội làm lại cuộc đời… nhằm đánh thức tâm bồ đề - lòng hướng thiện của sinh vật đó, cho họ thấy được giá trị của sự sống, sự yêu thương, sự bình đẳng và lòng từ bi của con người đối với chúng, để chúng biết yêu quý sự sống, yêu quý cộng đồng con người và tránh làm những việc tàn ác khác. Khi gặp một con vật bị nạn, chúng ta ra tay cứu thoát, hoặc khi thấy đồng bào ta bị lũ lụt tàn phá, ta góp một ít tiền, ít lương thực hỗ trợ bà con qua những ngày khó khăn, điều đó hoàn toàn là chuyện làm phước cho chính sinh vật và con người khốn khổ ấy, không phải vì lợi ích của bản thân.

Và phóng sinh không chỉ dừng lại thả một loài sinh vật nào đó, mà hiểu rộng ra là những việc làm giúp đỡ con người, sinh vật khác có cơ hội sống, được sự sống tốt hơn…, nên không nhất thiết cứ phải thả động vật thì mới gọi là phóng sinh, mà chỉ cần làm việc thiện, khi có dư giả tiền bạc thì ủng hộ một ít cho quỹ vì người nghèo, quỹ chữa trị bệnh, quỹ nghiên cứu phát triển cộng đồng… Có thể chỉ là ăn một bữa cơm chay để bớt đi việc sát sinh hay giúp người lớn tuổi đi qua đường. Những việc làm này là đang tạo cho con người có thêm cuộc sống tốt hơn và mang ý nghĩa phóng sinh.

Phóng sinh thế nào cho đúng cách?

Để phóng sinh đúng, thì trước tiên cần làm theo hình thức tùy duyên (đồng cảm), không cần phải theo thời gian cố định (lễ, tết, rằm…). Khi gặp sinh vật đang bị nhốt, bị bán…, mà bản thân đồng cảm với sự thống khổ của nó thì ta tìm cách phóng sinh nó, cho nó thêm cơ hội sống. Luôn nghĩ đúng là phóng sinh chỉ làm việc tạo phước đức cho chính sinh vật đó, cho nó được sống lâu hơn mà thôi, chớ không đem lại lợi ích gì cho mình…

Đối với thả động vật, thì phải thả đúng với môi trường sống của chúng, đúng với quy định của pháp luật. Đối với những loài động vật rừng nguy cấp, quý hiếm được pháp luật quy định thì phải thông báo với cơ quan chức năng về cứu hộ động vật và nhờ họ chăm sóc cứu hộ trước khi thả về môi trường tự nhiên.

Những việc không nên làm

Việc mua bán động vật rừng để phóng sinh là vi phạm pháp luật trong bảo vệ động vật rừng nguy cấp quý hiếm. Ngoài ra việc mua bán động vật rừng còn kích thích việc săn bắn, bẫy bắt ngày càng rầm rộ (đó là hành động tiếp tay cho tội phạm).

Không nên mua cá, gà, cua, ốc, ếch, lươn… ở chợ để phóng sinh, bởi vì các loài động vật này đa phần được con người nuôi với mục đích cung cấp protein cho cơ thể. Chúng được chăm sóc, nuôi nhốt theo hình thức công nghiệp, bán công nghiệp, khác với sinh sống ngoài tự nhiên. Vì vậy, khi chúng được thả ra tự nhiên sẽ không có khả năng tự kiếm ăn, không có khả năng tìm nơi trú ẩn…, dẫn đến chết (gây ô nhiễm môi trường).

Không nên đem các loài động vật lên chùa để làm nghi thức phóng sinh, bởi vì có thể gây ô nhiễm môi trường tu hành, gây hại cho chùa vì vô tình làm chùa thành nơi tàng trữ động vật rừng trái phép.

Phóng sinh là một việc làm tốt, không chỉ tạo phúc mà còn góp phần bảo vệ động vật, tạo cho môi trường sống thêm phần đa dạng, phong phú và nhiều sắc màu tươi đẹp hơn. Đây là hành động cần phát huy, nhưng phải là hành động phóng sinh thông minh, hiểu biết môi trường, hiểu biết pháp luật để tránh gây hại cho môi trường, gây hại chính người phóng sinh.

Khương Thắng

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/147981/de-phong-sinh-la-hanh-dong-y-nghia