Đề phòng mưa lũ ảnh hưởng sự an toàn hồ chứa tại Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với nhiễu động gió đông trên cao cho nên ở các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên có mưa vừa, riêng Quảng Ngãi, Bình Định và phía bắc Tây Nguyên có mưa to đến mưa rất to.

Ở vịnh Bắc Bộ và vùng biển ngoài khơi trung Trung Bộ có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8. Từ chiều 30-11, mực nước trên các sông ở Quảng Nam và Phú Yên lên. Đỉnh lũ trên các sông ở Quảng Ngãi, Bình Định và bắc Phú Yên có khả năng lên mức báo động 3 (BĐ3); sông Vu Gia - Thu Bồn (Quảng Nam), sông Ba (Phú Yên) lên mức BĐ1 đến BĐ2. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông suối nhỏ; sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng tại vùng trũng các tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên. Cần chú ý đến an toàn hồ chứa trên địa bàn các tỉnh nêu trên.

Ngành chăn nuôi đối phó với giá rét, lũ lụt:

* Từ sáng 30-11, trên địa bàn tỉnh Lai Châu xuất hiện rét đậm, cộng với mưa nhỏ, sương mù ở nhiều nơi, gây ảnh hưởng tới sinh hoạt, cây trồng và vật nuôi. Theo Chi cục Thú y tỉnh, để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống rét cho vật nuôi, nhất là đối với trâu, bò, tỉnh Lai Châu chỉ đạo bà con dự trữ rơm rạ 5 đến 7 kg cho một con, đồng thời dự trữ thêm các loại thức ăn tinh, sửa chữa, cải tạo lại chuồng trại, để chủ động nơi nuôi nhốt.

* Tại Sơn La, để bảo đảm đủ thức ăn cho đàn vật nuôi trong đợt rét này, cơ quan chức năng khuyến nghị bà con cần chủ động trồng cỏ, ngô dày, dây khoai lang trên diện tích đất không sử dụng trồng cây vụ đông để làm thức ăn; dự trữ rơm, cỏ, phơi thật khô, bó thành bó 10 đến 20 kg, gác lên gác cao tránh bị ẩm mốc; sử dụng ngọn lá mía, bã mía, rỉ mật làm thức ăn cho trâu, bò...

* Tại Hà Giang, để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do rét đậm, rét hại đối với đàn gia súc, UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo 11 huyện, thành phố triển khai các biện pháp chủ động phòng, chống, làm tốt công tác dự trữ thức ăn cho gia súc trong suốt mùa đông. Lượng thức ăn thô xanh (rơm khô, cỏ ủ chua, cỏ tươi...) cần bảo đảm trong cả mùa đông từ 1 đến 1,2 tấn/con, lượng thức ăn tinh (bột ngô, cám gạo, bột sắn...) từ 30 đến 50 kg/con.

* Tại Lào Cai, huyện vùng cao Si Ma Cai có khoảng hơn 30 nghìn gia súc và huyện Bắc Hà khoảng 60 nghìn con. Để chủ động phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc, ngành nông nghiệp hai huyện đã tích cực hướng dẫn người dân kỹ thuật sơ chế, bảo quản thức ăn thô như dự trữ cỏ khô, rơm, cách thức bảo quản thức ăn tươi, ủ chua… Mùa rét năm nay, nông dân huyện Bắc Hà đã có hàng nghìn tấn thức ăn xanh dự trữ từ cỏ voi và ngô cho đàn gia súc.

* Theo UBND huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) hiện tổng đàn gia súc, gia cầm gần 200 nghìn con, trong đó có hơn 60 nghìn con trâu, bò, dê; 35 nghìn con lợn và hàng chục nghìn con gia cầm. Trong đợt rét lịch sử đầu năm 2016, Kỳ Sơn thiệt hại nặng với gần 1.000 con gia súc bị chết, chủ yếu là trâu, bò của người dân ở các xã vùng cao.

* Huyện Triệu Phong (Quảng Trị) có tổng đàn trâu, bò lớn trên địa bàn tỉnh, với hơn 10.650 con. Để hạn chế tình trạng đói, rét, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo các xã hướng dẫn nhân dân che chắn chuồng trại kín gió, chuẩn bị nguồn thức ăn bằng việc mở rộng diện tích trồng cỏ, tận dụng các phụ phẩm trồng trọt như thân cây lạc, rơm rạ...

* Tại Quảng Bình, theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, ảnh hưởng mưa lũ đã làm hơn một triệu con gia súc, gia cầm chết, bị cuốn trôi. Số gia súc, gia cầm còn lại đang đối mặt nguy cơ xảy ra dịch bệnh môi trường ô nhiễm nặng. Ngành nông nghiệp đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ người nuôi, ưu tiên hỗ trợ trang trại chăn nuôi lớn trước, nhất là chăn nuôi lợn; có chính sách hỗ trợ lấy giống chất lượng để bảo đảm việc sinh trưởng, phát triển tốt của vật nuôi...

* Sáng 30-11, Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão tỉnh Bình Định nhận thông tin cứu nạn khẩn cấp từ tàu cá số hiệu BĐ 96344 TS bị hỏng máy thả trôi trên vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa, TP Đà Nẵng. Trên tàu có bảy ngư dân. Tàu đã liên lạc với Đài Thông tin Duyên hải Đà Nẵng. Sau khi nhận thông tin, Văn phòng tỉnh Bình Định phối hợp Bộ đội Biên phòng, Chi cục Thủy sản xác minh thông tin, liên lạc với tàu để tìm biện pháp hỗ trợ cho tàu.

Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa, đến chiều tối 30-11, dù các đơn vị cứu nạn tuyến biển và địa phương, gia đình người bị nạn liên lạc đã tích cực tham gia tìm kiếm, nhưng một ngư dân bị mất tích khi tàu cá số hiệu TH 90244 trú tại Tiến Lợi, Quảng Cư, thị xã Sầm Sơn (Thanh Hóa) đang khai thác đánh bắt thủy hải sản thì bị một tàu khác đâm vào phần đuôi tàu tại vị trí cách đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) khoảng 18 hải lý về phía tây tây nam vẫn chưa được tìm thấy…

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/31425402-de-phong-mua-lu-anh-huong-su-an-toan-ho-chua-tai-quang-ngai-binh-dinh-va-phu-yen.html