Để nuôi tôm nước lợ hiệu quả

Năm nay, nhờ điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi nên người nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng ở các vùng nuôi trong tỉnh đã xuống giống thả nuôi sớm hơn 1 tháng so với những năm trước. Để chủ động kế hoạch nuôi tôm nước lợ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hướng dẫn cụ thể về khung lịch thời vụ và có những khuyến cáo cụ thể đối với người nuôi.

Chủ động thả nuôi sớm

Không như những năm trước, ngay từ đầu tháng 1 năm nay, các hộ nuôi tôm nước lợ tại vùng nuôi xã Ninh Phú (thị xã Ninh Hòa) đã bắt tay vào việc cải tạo ao đìa, thả giống để nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng. Bà Nguyễn Thị Nguyệt - người nuôi tôm thẻ chân trắng tại xã Ninh Phú cho hay: “Thời tiết đầu năm nay tương đối thuận lợi nên trước Tết, gia đình tôi đã cải tạo 2 ao nuôi để thả 40 vạn con tôm thẻ chân trắng. Để nuôi hiệu quả, gia đình tôi phơi ao rất kỹ, mua con giống ở cơ sở uy tín. Hy vọng tôm nuôi sẽ phát triển nhanh, vụ nuôi hiệu quả”. Tương tự, ở các vùng nuôi tôm nước lợ trọng điểm khác tại thị xã Ninh Hòa cũng như huyện Vạn Ninh, huyện Cam Lâm…, người dân cũng thả giống nuôi sớm hơn trung bình những năm trước chừng 1 tháng. Dự kiến năm nay, toàn tỉnh sẽ thả nuôi 360ha tôm sú, 2.410ha tôm thẻ chân trắng.

Người dân xã Ninh Phú kiểm tra sự phát triển của tôm nuôi được 1 tháng.

Theo ông Lê Văn Hoan - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để triển khai kế hoạch sản xuất thủy sản năm 2024 cũng như thực hiện tốt kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh, chủ động mùa vụ nuôi tôm nhằm hạn chế ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, giảm thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo kế hoạch nuôi tôm nước lợ năm nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có lịch thời vụ nuôi tôm nước lợ; hướng dẫn đến các địa phương, người nuôi trong tỉnh chủ động, triển khai nuôi tôm hiệu quả.

Cụ thể, đối với tôm sú, người dân nuôi thâm canh, bán thâm canh thả giống từ tháng 1 đến tháng 8. Đối với khu vực không nuôi thâm canh, bán thâm canh được thì nên nuôi tôm sú kết hợp đa dạng sinh học với cá dìa, cá măng, cá đối, hoặc cá rô phi, hải sâm, rong câu..., thả giống từ tháng 2 đến tháng 8. Đối với những vùng nuôi có điều kiện cơ sở hạ tầng, nguồn nước đảm bảo, người dân có thể thả giống đến hết tháng 9. Đối với tôm thẻ chân trắng, người dân có thể thả giống nuôi từ tháng 1 đến tháng 9, vùng nuôi nào ít chịu ảnh hưởng của lũ lụt, điều kiện cơ sở hạ tầng, nguồn nước đảm bảo có thể thả giống đến tháng 12. Trong đó, phương thức nuôi thâm canh, bán thâm canh áp dụng cho những ao lót bạt hoặc ao đất có sự đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại và công nghệ nuôi tiên tiến…; phương thức nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến áp dụng cho những ao đất ít đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị, có thể nuôi kết hợp đa dạng sinh học. Trong quá trình nuôi, người dân cần lưu ý thêm thời gian ngắt vụ 1 tháng đối với những ao nuôi hiệu quả và 2 tháng đối với những ao nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh. Những cơ sở nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao; điều kiện cơ sở hạ tầng đảm bảo, chủ động kiểm soát các yếu tố môi trường, người dân có thể thả giống nuôi quanh năm.

Tuân thủ hướng dẫn

Ông Nguyễn Ngọc Ý - Trưởng phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh cho hay: Để chủ động kế hoạch nuôi tôm nước lợ, các địa phương ven biển trên địa bàn huyện đã hướng dẫn, khuyến cáo người dân trước khi thả tôm 5 - 10 ngày, cần theo dõi diễn biến thời tiết, nếu bất lợi thì tạm ngưng việc thả giống. Người nuôi nên ương dưỡng giống 2 - 3 giai đoạn, sử dụng giống kích cỡ lớn được cung cấp bởi các cơ sở uy tín để nuôi thương phẩm; áp dụng các mô hình nuôi hiệu quả; ứng dụng quy trình nuôi tôm nước lợ hạn chế hóa chất, không dùng các loại hóa chất và kháng sinh cấm sử dụng. Vận động các hộ nuôi có chung hệ thống cấp, thoát nước cần tổ chức nạo vét kênh mương nhằm tăng khả năng cấp, thoát nước, thả giống đồng loạt tại vùng nuôi tập trung.

Các hộ nuôi tôm nước lợ cho biết, để hạn chế rủi ro, thiệt hại trong nuôi tôm nước lợ, bên cạnh thực hiện khung lịch thời vụ theo hướng dẫn, hiện nay, một số hộ đã thực hiện đăng ký đối tượng nuôi thủy sản chủ lực; thực hiện đăng ký kê khai ban đầu. Trong từng đợt sản xuất, hộ nuôi thực hiện ghi chép nhật ký và lưu trữ hồ sơ cho mỗi đợt sản xuất, như: Giấy chứng nhận kiểm dịch giống thủy sản, hóa đơn chứng từ có liên quan, việc sử dụng thức ăn, thuốc thú y thủy sản, hóa chất, chế phẩm sinh học dùng trong quá trình nuôi, tạo điều kiện thuận lợi cho việc truy xuất nguồn gốc đáp ứng yêu cầu hồ sơ của doanh nghiệp xuất khẩu…

Theo ông Lê Văn Hoan, sở đã chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị liên quan nhằm hỗ trợ người dân nuôi tôm hiệu quả. Trong đó, Chi cục Thủy sản chủ động quan trắc cảnh báo môi trường, kịp thời thông báo đến từng vùng nuôi, người nuôi để chủ động ứng phó; giám sát chặt chẽ tình hình nuôi trồng thủy sản tại các vùng trọng điểm để có chỉ đạo sản xuất phù hợp với từng vùng nuôi; thực hiện cấp mã số cơ sở nuôi tôm nước lợ để phục vụ nhu cầu xuất khẩu. Bên cạnh đó, phối hợp với các đơn vị, địa phương trong tỉnh tăng cường kiểm tra điều kiện của các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống, vật tư thủy sản; thực hiện các chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh…

HẢI LĂNG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202402/de-nuoi-tom-nuoc-lo-hieu-qua-a2e3bc6/