Để Nhà văn hóa phát huy giá trị trong cộng đồng: Bài 3 – Cần những giải pháp quyết liệt

Kể từ khi ra đời, Nhà văn hóa đã phát huy được giá trị trong cộng đồng. Tuy nhiên hoạt động tại các Nhà văn hóa một số địa phương chưa đồng đều, chưa được khai thác hiệu quả, thậm chí cần có những điều chỉnh cũng như giải pháp quyết liệt.

Vẫn còn những khó khăn

Tại buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề về Quản lý, khai thác Trung tâm Văn hóa thể thao phường, điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng các tổ dân phố trên địa bàn do HĐND quận Nam Từ Liêm tổ chức ngày 28/7, đã ghi nhận nhiều ý kiến góp ý, đề xuất liên quan đến hoạt động của Nhà văn hóa trên địa bàn.

Trong đó các ý kiến tập trung về việc thiếu quy chế, hướng dẫn quản lý, vận hành nên vẫn còn tình trạng Nhà văn hóa trên địa bàn chưa được khai thác hiệu quả. Bên cạnh đó nguồn ngân sách cấp cho việc quản lý Nhà văn hóa của tổ dân phố hoàn toàn không có. Ban Chủ nhiệm phải duy trì hoạt động một cách tự nguyện. Hơn nữa, trên thực tế, trong quá trình vận hành Nhà văn hóa lại phát sinh nhiều loại kinh phí như điện, nước, vệ sinh môi trường, sửa chữa trang thiết bị hỏng hóc. Đây là một trong những khó khăn trong công tác khai thác, quản lý và sử dụng Nhà văn hóa của tổ dân phố. Để khai thác hết công năng của Nhà văn hóa, đại diện người dân đề nghị phải đầu tư trang thiết bị như trang âm, bàn ghế, dụng cụ; Đồng thời bố trí người làm công tác bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ tài sản, trang thiết bị tại đây.

Để hoạt động của Nhà văn hóa hiệu quả hơn, nhiều ý kiến đã được đưa ra góp ý, đề nghị (ảnh minh họa)

Theo lãnh đạo quận Nam Từ Liêm, việc tổ chức hoạt động của Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường thực hiện theo quy định tại Thông tư số 12/2010/TT- BVHTTDL ngày 22/12/2010 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định mẫu về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã. Tuy nhiên, đây chỉ là quy định mẫu, trong khi TP. Hà Nội vẫn chưa xác định mô hình hoạt động cụ thể phù hợp với thành phố Hà Nội. Việc tổ chức hoạt động và quản lý Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường gặp nhiều khó khăn, hiệu quả hoạt động thấp.

Bên cạnh đó, đối với mô hình nhà văn hóa tổ dân phố, ngày 29/7/2019, Sở VH&TT Hà Nội đã có hướng dẫn thực hiện công tác quản lý và tổ chức hoạt động đối với nhà văn hóa tổ dân phố nhưng đó chỉ là văn bản hành chính thông thường, không phải văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, tính pháp lý không cao, hướng dẫn còn chung chung, không cụ thể, không sát với thực tế.

Nhiều ý kiến mong muốn Hà Nội ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động Nhà văn hóa thôn, tổ dân phố đảm bảo đồng bộ và thống nhất trong toàn Thành phố (ảnh minh họa)

Còn về cán bộ nghiệp vụ, theo quy định tại Thông tư 06/2011/TT-BVHTTDL ngày 8/3/2011 của Bộ VHTTDL quy định về cán bộ nghiệp vụ tiêu chí phải có trình độ chuyên môn sơ cấp trở lên; chế độ thù lao hưởng thù lao theo công việc. Tuy nhiên, thực tế, thành viên chính trong Ban chủ nhiệm Nhà văn hóa là trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, nhưng khi được tập huấn, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ thì sau khi hết nhiệm kỳ trưởng thôn, tổ dân phố người mới lên thay lại bắt đầu từ đầu tiếp tục hướng dẫn, tập huấn, như vậy không mang tính ổn định, bền vững, phụ thuộc vào tư duy và nhận thức của người đứng đầu Ban chủ nhiệm Nhà văn hóa. Hầu hết các thành viên Ban chủ nhiệm Nhà văn hóa - Khu thể thao hoạt động theo tinh thần tự nguyện, không được hưởng thù lao theo công việc.

Về hoạt động Nhà văn hóa – Khu thể thao, chủ yếu mang tính thụ động, hầu như chưa khai thác để có được nguồn thu từ hoạt động nhà văn hóa - Khu thể thao do vướng cơ chế, chính sách. Chưa có quy định, cơ chế cho phép khai thác Nhà văn hóa -Khu thể thao để tạo nguồn thu phục vụ các nội dung chi tại Nhà văn hóa.

Một ví dụ cụ thể hơn tại nhà văn hóa thôn Hội Phụ (Đông Hội, Đông Anh, Hà Nội) được trưởng thôn chia sẻ: Ban đầu tổ tư vấn pháp luật hoạt động khá sôi nổi và được nhân dân nơi đây quan tâm, muốn nhân rộng. Tuy nhiên vì không có kinh phí cho người tư vấn mà chỉ dựa vào tinh thần tự nguyện nên cũng chỉ duy trì được một thời gian.

Một số đề xuất

Được biết hiện nay Hà Nội chưa ban hành quy chế tổ chức hoạt động Nhà văn hóa thôn, tổ dân phố đồng bộ, thống nhất nên một số nơi căn cứ vào tình hình, đặc điểm của địa bàn để đưa ra quy định riêng nhằm hoạt động nhà văn hóa phù hợp và đạt được hiệu quả nhất định.

Chẳng hạn như, để nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng thiết chế văn hóa trên địa bàn, huyện Đông Anh đã xây dựng quy chế mẫu (gồm 5 chương, 12 điều) quy định chi tiết về tổ chức và hoạt động của Nhà văn hóa - Khu thể thao thôn làng, tổ dân phố, thành lập, kiện toàn bộ máy quản lý khai thác thiết chế văn hóa; phân công Phó Chủ tịch UBND xã, thị trấn, cán bộ văn hóa xã phụ trách, quản lý trực tiếp. Cùng với đó huyện thành lập 195/195 Ban chủ nhiệm nhà văn hóa - khu thể thao gồm từ 3 đến 5 đồng chí (Bí thư Chi bộ, trưởng ban công tác mặt trận, trưởng thôn, chi ủy, đại diện các đoàn thể) thôn, làng, tổ dân phố; xây dựng "Quy chế tổ chức, hoạt động của nhà văn hóa, khu thể thao, điểm sinh hoạt cộng đồng tại thôn, tổ dân phố" được UBND xã, thị trấn ban hành quyết định phê duyệt; niêm yết nội quy hoạt động, quản lý sử dụng nhà văn hóa, khu thể thao, điểm sinh hoạt cộng đồng tại trụ sở nhà văn hóa.

Để không còn tình trạng đỗ xe ô tô, không ít Nhà văn hóa đã phải viết hoặc treo biển đề nghị như thế này

Thời gian vừa qua, một số nơi tổ chức đám cưới tại Nhà văn hóa đã có nhiều ý kiến trái ngược. Ý kiến phản đối cho rằng, nếu đám cưới được tổ chức liên tục tại Nhà văn hóa sẽ lấy đi không gian sinh hoạt cộng đồng của người dân. Người dân không thể đến sinh hoạt, hội họp, thể dục thể thao được. Nhưng bên cạnh đó cũng có ý kiến lại đồng tình việc tổ chức đám cưới ở Nhà văn hóa vì sẽ hạn chế được việc bật nhạc ầm ĩ quá mức, mời thuốc lá, chi phí cũng rẻ hơn so với thuê các nhà hàng đắt đỏ, lại tiện lợi rộng rãi, nhiều người biết, giao thông thuận lợi. Do đó họ cho rằng cần có giải pháp linh hoạt, phù hợp, thậm chí khuyến khích nếu đám cưới tổ chức ở Nhà văn hóa theo hướng văn minh, tiết kiệm, không phô trương. Chỉ cần sắp xếp phù hợp thời gian tổ chức đám cưới thì cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến các hoạt động của Nhà văn hóa. Chẳng hạn chỉ tổ chức đám cưới vào vài tiếng buổi trưa để không ảnh hưởng đến sinh hoạt cộng đồng, thể dục thể thao của người dân. Tuy nhiên các ý kiến đồng ý việc tổ chức đám cưới tại Nhà văn hóa cũng thì tỏ ra băn khoăn, nếu tổ chức đám cưới ở Nhà văn hóa thì sẽ thu được kinh phí. Vậy kinh phí đó sẽ đi đâu, về đâu và liệu nguồn kinh phí này có quay lại phục vụ tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của người dân không?.

Cùng với đó, tình trạng gửi xe ô tô, bán hàng tại Nhà văn hóa cũng cần có những giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn từ phía chính quyền, Ban quản lý, vì đây là những hoạt động mang tính thường xuyên. Song song với đó, người dân cũng cần ý thức hơn, không cố tình thực hiện và có tâm lý biến không gian chung thành riêng.

Với mong muốn để Nhà văn hóa hoạt động hiệu quả hơn, phát huy được giá trị trong cộng đồng, nhiều ý kiến tích cực của người dân đã được đưa ra và phần lớn tập trung vào một số kiến nghị như: Đề nghị Thành phố ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động Nhà văn hóa thôn, tổ dân phố đảm bảo đồng bộ và thống nhất trong toàn Thành phố. Cùng với đó cần bố trí nguồn kinh phí hàng năm chi cho hoạt động thường xuyên tại Nhà văn hóa thôn, tổ dân phố; kinh phí hỗ trợ Ban chủ nhiệm hoạt động, hưởng thù lao theo công việc.

Tiếp đến là cần có giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng nhà văn hóa, khu thể thao, điểm sinh hoạt cộng đồng. Song song với đó là cần có cơ chế cụ thể, quy định rõ ràng về việc cho phép khai thác Nhà văn hóa – Khu thể thao để tạo nguồn thu phục vụ trở lại các nội dung hoạt động tại Nhà văn hóa – Khu thể thao.

Hạ Yên

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/de-nha-van-hoa-phat-huy-gia-tri-trong-cong-dong-bai-3-can-nhung-giai-phap-quyet-liet-20231111221048805.htm