Để người lao động trở lại TP. HCM làm việc: Chỗ tăng lương, nơi 'án binh bất động'

có rất nhiều người lao động rời TP. HCM để về quê làm việc, bởi họ muốn có một cuộc sống ổn định hơn, cơ hội mới hơn. Từ đó, có không ít các doanh nghiệp đang dần triển khai những chính sách nhằm thu hút người lao động quay lại làm việc sau Tết.

Cái khó trong việc “giữ chân” người lao động

Trao đổi với phóng viên Nhà báo & Công luận, ông Nguyễn Phúc Đức (Người sáng lập Công ty TNHH Thế giới tí hon) cho biết, sau Tết Nguyên đán 2022, lượng nhân sự ở công ty đã giảm từ 4-50%. Nguyên nhân một phần là vì công nhân bỏ về quê, một phần do công ty không đủ kinh tế để giữ chân người lao động.

Bài liên quan

Người lao động quay trở lại TP. HCM: Nhiều kỳ vọng về một công việc tốt, cuộc sống ổn định

Doanh nghiệp ráo riết 'săn' người lao động sau Tết

“Bí quyết vượt dịch của May 10 là tăng lương, xây nhà trẻ để giữ chân người lao động”

Tiêu điểm: Tết ấm áp đến với người lao động khó khăn

“Theo tôi, tùy theo ngành nghề mà quyết định được các yếu tố giữ chân người lao động. Nếu dòng sản phẩm mà doanh nghiệp sản xuất là thực phẩm, đóng gói nhanh thì đang rất cần tuyển nhiều nhân sự, vì nó đang rất hút hàng. Từ đó, họ có thể đưa ra nhiều chính sách ưu đãi về lương, thưởng để thu hút người lao động. Song, một số ngành nghề khác vì ảnh hưởng của dịch nên tài chính khó khăn, không có đủ điều kiện làm việc đó nên việc người lao động trờ lại vẫn còn là bài toán khó”, ông Đức nói.

Theo quan điểm của ông Nguyễn Trọng Hoàng (Phó Giám đốc Công ty TNHH bao bì Phúc Thịnh), hiện tại, các địa phương đang có rất nhiều khu công nghiệp, với các chính sách ưu đãi cho người lao động như mức lương, thưởng phù hợp, thuận tiện đi lại,… điều này càng khiến cho người lao động thêm ý muốn trở về quê làm việc hơn.

“Đối với những người đã làm nhiều năm tại công ty ở thành phố, họ đã có đầy đủ các chế độ viêc làm thì chuyện quay lại là đương nhiên. Thế nhưng đối với những người chỉ công tác trong thời gian ngắn, chưa có các chế độ phúc lợi lương, bảo hiểm xã hội đầy đủ thì việc để họ quay trở lại làm việc sẽ rất khó khăn”, ông Hoàng chia sẻ.

Đối với ông Nguyễn Duy Thành (Tổng Giám đốc Công ty Global Home), sự chuyển dịch người lao động đang là vấn đề chung đối với rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp thiên về lĩnh vực cung cấp dịch vụ, giải pháp kỹ thuật. Theo ông Thành, điều này gây ảnh hưởng tới sự phát triển ổn định của các doanh nghiệp hiện nay.

Theo đó, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, người lao động mang tâm lí chỉ cần một công việc, mức lương ổn định để trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, khi dịch bệnh đã qua, cuộc sống bình thường mới thì họ mong muốn một cơ hội mới hơn. Những điều này đã tạo nên sự khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ về nguồn cung trong vấn đề người lao động.

Hoạt động theo kiểu duy trì hay thay đổi các chính sách hỗ trợ?

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh nghiệp của ông Nguyễn Phúc Đức gặp không ít khó khăn về tài chính. Theo ông Đức, hiện tại công ty đang từng bước triển khai chính sách phục hồi, xem xét số lượng, đối tượng nhân sự chủ lực để giữ lại làm việc.

“Trong năm nay, công ty chỉ có thể chọn ‘án binh bất động’, ưu tiên bước phát triển mang tính duy trì trước, sau đó tùy vào tình hình thị trường chung mà thay đổi chính sách. Riêng những chính sách như tăng lương, thưởng,… cho người lao động, chúng tôi vẫn chưa thực hiện được do tài chính còn khó khăn”, ông Đức chia sẻ.

Bên cạnh đó, riêng công ty của ông Nguyễn Trọng Hoàng, nhân sự ở công ty ông chủ yếu tập trung ở các tỉnh, thành như Bến Tre, An Giang, Hậu Giang, Tiền Giang, Long An, Đồng Nai và xa nhất là Bình Định, Quảng Ngãi,… Song, nhờ vào các chính sách hỗ trợ người lao động sau Tết Nguyên đán 2022, lượng nhân sự quay lại làm việc là 100%.

Không ít công ty triển khai chính sách mang nhiều phúc lợi cho người lao động. Từ đó, bài toán về nguồn cung lao động cho các doanh nghiệp sẽ dần được mở ra.

Cụ thể, ngoài lương tháng thứ 13, ngày phép, công ty còn hỗ trợ thưởng tết 2022 tăng từ 30 – 50% so với 2021, tùy từng vị trí và tùy theo thâm niên của các nhân viên; Lương, thưởng và các chế độ phúc lợi xã hội của NLĐ tăng hơn so với năm 2021; Tăng lương trước niên hạn cho người lao động.

Ngoài ra, công ty còn hỗ trợ các nhu yếu phẩm như gạo, mì,… cho các gia đình người lao động; Hỗ trợ cho vay vốn 0% cho các trường hợp người lao động khó khăn; Hỗ trợ trao học bổng cho con em của nhân viên trong độ tuổi đi học; Hỗ trợ toàn bộ chi phí đi đào tạo liên quan tới vị trí công tác của người lao động,…

Thúy Vy

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/de-nguoi-lao-dong-tro-lai-tp-hcm-lam-viec-cho-tang-luong-noi-an-binh-bat-dong-post181496.html