Để người dân thực sự làm chủ

Thời gian qua, tại một số địa phương ở TP.HCM, nhiều vụ việc ảnh hưởng chất lượng công trình xây dựng, an toàn, vệ sinh môi trường đã được phát hiện, hạn chế lãng phí ngân sách, tiền của nhân dân; công tác quản lý nhà nước cũng kịp thời ngăn chặn những biểu hiện tiêu cực ngay từ cơ sở.

Đó là kết quả từ việc giám sát của các Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng ở phường, xã, thị trấn với gần 3.500 thành viên. Được nhân dân đồng tình ủng hộ và cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao, song thực tiễn hoạt động của các Ban này vẫn có những bất cập, hạn chế cần tiếp tục tháo gỡ.

Ông Nguyễn Văn Việt, Trưởng Ban giám sát đầu tư của cộng đồng phường Phước Long A, TP. Thủ Đức (ảnh: CTV Thành Phát)

Bảo đảm hoạt động giám sát

Ông Nguyễn Văn Việt, Trưởng Ban giám sát đầu tư của cộng đồng phường Phước Long A, TP. Thủ Đức cho biết: từ tháng 6 năm 2023 đến nay, Ban thực hiện giám sát 9 công trình làm đường, 2 công trình nâng cấp, tu sửa trụ sở khu phố và UBND. Trước đây, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng phường Phước Long A từng kiến nghị lãnh đạo phường chỉ đạo tạm ngưng công trình trường cấp 2 trị giá 40 tỷ đồng làm sai, đã trao đổi nhưng không được chấp nhận. Sau này, một con đường cũng được Ban yêu cầu tạm ngưng thi công để làm sáng tỏ việc thực hiện không đúng thiết kế; sau khi xem clip, hình ảnh chứng minh, chủ đầu tư đã nhận sai và hứa sửa chữa.

Năm nay 77 tuổi, đã tham gia giám sát gần 30 năm, ông Nguyễn Văn Việt lo lắng sắp tới không còn tổ dân phố, nhiệm vụ càng nặng nề: "Chúng tôi đang làm ngày làm đêm, có biết bao nhiêu con số, thống kê để cung cấp cho UBND. Nhưng giám sát đầu tư cộng đồng không cần bố trí quá nhiều, chỉ cần 3 – 5 thành viên, và phải chấp nhận hy sinh để hoạt động, không đi giám sát thì làm sao phát hiện được sai sót của đơn vị thi công. Hiện nay vấn đề kinh phí cho ban giám sát cộng đồng không nhằm nhò gì, nếu vì tiền thì chúng tôi không làm".

TP.HCM hiện có 312 Ban Thanh tra nhân dân và 192 Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng. Theo đánh giá, ở một số nơi Ban Thanh tra nhân dân hoạt động cầm chừng do thiếu sự giúp đỡ, định hướng, thiếu quan tâm giải quyết vướng mắc trong hoạt động giám sát; trình độ, kiến thức pháp luật của một số thành viên còn hạn chế, chưa đồng đều.

Đối với hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, một số nơi cấp ủy Đảng chưa thật sự quan tâm, chưa kịp thời củng cố nhân sự cũng như hướng dẫn, giải quyết vướng mắc, dẫn tới lúng túng trong hoạt động, thậm chí có nơi thực hiện giám sát sai chức năng nhiệm vụ…

Theo ông Phạm Văn Phú, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Quận 6, phải có định hướng cụ thể, thì chất lượng hoạt động thanh tra nhân dân, giám sát đầu tư mới khởi sắc (ảnh: CTV Thành Phát)

Phụ trách công tác giám sát ở Quận 6 khá lâu, ông Phạm Văn Phú, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Quận 6 cho rằng hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng là có hiệu quả, song vẫn còn loay hoay do chưa có quy định cụ thể trong văn bản quy phạm pháp luật có tính pháp lý cao. Nhất là giám sát đầu tư cộng đồng đòi hỏi phải am hiểu, hiểu được bản vẽ thiết kế, nhìn mắt thường cũng nhận ra khối bê-tông đổ có kém chất lượng hay không….

Để giải quyết căn cơ, theo ông Phú, ngoài việc tập huấn kiến thức, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính nên có văn bản hướng dẫn thực hiện theo quy định của Luật thực hiện dân chủ cơ sở. Phải có định hướng cụ thể, mang tính “cầm tay chỉ việc” thì chất lượng của thanh tra nhân dân, giám sát đầu tư mới khởi sắc. Bên cạnh đó phải có cơ chế rõ ràng về kinh phí thì mới huy động được chuyên gia kỹ thuật, nhà chuyên môn tham gia: "Tôi kiến nghị là nếu có điều kiện thì huy động chuyên gia, hiểu biết chuyên môn để phục vụ cho giám sát đầu tư cộng đồng. Thứ hai là kinh phí tăng lên, đừng có dừng lại ở hỗ trợ mà phải có quy định, phải trả công xứng đáng, huy động được các chuyên gia, nhà chuyên môn thì chất lượng công việc sẽ cao".

Bảo vệ người dám làm

Ông Lê Minh Đức, Phó Ban Pháp chế HĐND TP cho biết: Luật thực hiện dân chủ cơ sở 2022 quy định UBND cấp tỉnh, huyện phải xây dựng và trình cho HĐND cùng cấp quyết định các biện pháp đảm bảo thực hiện dân chủ cơ sở trên địa bàn. Từ đó giúp các Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng các biện pháp thực thi, đảm bảo vai trò của mình được phát huy.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu đề nghị phải kiểm tra và ngăn chặn những sai phạm so với quy định của pháp luật, kết luận của ban giám sát phải được tôn trọng (ảnh: CTV Thành Phát)

TP.HCM đang thực hiện chính quyền đô thị, không tổ chức HĐND quận, phường. Như vậy sắp tới vai trò, nhiệm vụ của HĐND TP là sớm ban hành nghị quyết, thực hiện các nội dung được quy định trong luật. Ông Lê Minh Đức nói: "Hiện nay chúng ta đã vào thế chủ động nhờ có quy định của Luật, cần phát huy nhất là trong điều kiện TP.HCM đang thực hiện chính quyền đô thị. Kinh phí hoạt động của Ban thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư của cộng đồng cần phải có điều chỉnh, HĐND xin tiếp thu, bởi chính sách này do HĐND TP ban hành dựa trên các quy định của pháp luật, của Chính phủ và Bộ Tài chính".

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, thành viên Hội đồng tư vấn về Dân chủ pháp luật - Ủy ban MTTQ TP.HCM cho biết: Lần này luật đã giao thêm giám sát về lĩnh vực đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng cho Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng. Như vậy những công trình ở phường, xã, thị trấn do các Ban này giám sát, nếu người dân khởi kiện thì kết luận của 2 Ban sẽ là cơ sở để xem xét.

Một điểm rất mới trong luật là khi Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng phát hiện sai sót và đề nghị cung cấp thông tin thì chủ đầu tư phải thực hiện. Do đó sắp tới phải tập huấn cho các thành viên về Luật Đầu tư công, Luật Đất đai...

Luật sư Nguyễn Văn Hậu đề xuất: "Đề nghị UBND xã phường, thị trấn xây dựng, công khai thông tin về kế hoạch đầu tư trên địa bàn, cung cấp cho Ban giám sát đầu tư của cộng đồng và thường xuyên giải quyết, trả lời những vấn đề theo thẩm quyền. Vừa rồi có kiến nghị của ban giám sát gửi Mặt trận và có đề nghị các cơ quan có thẩm quyền nhưng không được trả lời. Cho nên phải kiểm tra, ngăn chặn kịp thời những sai phạm so với quy định của pháp luật, kết luận của ban giám sát phải được tôn trọng".

Một buổi giám sát tại phường Tăng Nhơn Phú A, TP. Thủ Đức, TP.HCM (ảnh: MTTQ)

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, theo Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, trách nhiệm của hệ thống Mặt trận cấp thành phố, quận là phải đầu tư cho công tác tập huấn; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường định hướng, hướng dẫn nội dung giám sát, thậm chí hỗ trợ xây dựng kế hoạch, dự trù kinh phí. Ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP.HCM nói: "Định kỳ hàng năm phải có tối thiểu 1 lần tổ chức tập huấn cho hai lực lượng này, để giúp các thành viên Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng thực hiện “đúng vai, thuộc bài”. Có như thế mới không có câu chuyện giám sát ngoài quy định".

Hiện nay Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở đã có hiệu lực và cũng đã có nghị định hướng dẫn thi hành, tuy nhiên, với đặc thù của TP.HCM cần làm rõ thêm sự khác biệt về chức năng hoạt động giữa Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng nhằm phát huy tốt vai trò của hai Ban cũng như của chính những thành viên. Đồng thời, sự phối hợp của Nhà nước rất quan trọng nhằm bảo đảm hoạt động giám sát, bảo vệ người dám nói, dám làm và có cơ chế khen thưởng cụ thể.

Ngọc Xuân/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/de-nguoi-dan-thuc-su-lam-chu-post1057444.vov