Để người dân được chăm sóc sức khỏe tốt hơn (bài 1)

Vượt lên những thử thách, khó khăn, các bệnh viện tại Phú Yên nỗ lực nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, thực hiện có hiệu quả đề án Bệnh viện vệ tinh, triển khai nhiều kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị. Việc ứng dụng công nghệ thông tin được ngành Y tế quan tâm và đẩy mạnh; nhờ vậy, người dân được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe tốt hơn.

Bài 1: Những điểm sáng trên lĩnh vực điều trị

Chiều 17/9, ông L.D.N (49 tuổi, ở xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa) đi làm về, đột nhiên cảm thấy mệt rồi méo miệng, không nói được, liệt nửa người bên phải. Gia đình vội đưa ông đến Trung tâm Y tế huyện Đồng Xuân. Chẩn đoán bệnh nhân bị đột quỵ (tai biến mạch máu não), đơn vị này nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa Phú Yên.

Kết quả chụp cắt lớp (CT) sọ não và chụp cộng hưởng từ (MRI) cho thấy ông N bị nhồi máu não; từ khi xuất hiện triệu chứng cho đến lúc vào Khoa Cấp cứu khoảng 2 tiếng đồng hồ. Sau khi làm các xét nghiệm và giải thích cho người nhà bệnh nhân, bác sĩ tiến hành điều trị tái tưới máu não bằng thuốc tiêu sợi huyết - thuốc làm tan cục máu đông gây tắc dòng chảy trong lòng mạch máu não và gây ra nhồi máu não.

Niềm vui của bệnh nhân nhồi máu não

Người nhà ông N cho biết, sau 6 tiếng đồng hồ kể từ khi bơm thuốc, bệnh nhân nói được, đi lại được và ăn được. Khoa Cấp cứu theo dõi trong 2 ngày, nhận thấy bệnh nhân phục hồi tốt. Ngày 19/9, kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy mạch máu trong não đã được tái thông. Ông N vui mừng xuất viện.

Bệnh nhân nhồi máu não đầu tiên được Bệnh viện Đa khoa Phú Yên điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết. Cử động tay chân được và đi được, bệnh nhân rất mừng. Ảnh: YÊN LAN

BSCKII Trần Minh Tùng, Trưởng Khoa Cấp cứu cho biết: Thời gian qua, khoa đã điều trị nhồi máu não bằng thuốc tiêu sợi huyết cho 20 bệnh nhân, tỉ lệ hồi phục tốt chiếm 80%, bệnh nhân hồi phục hơn một nửa chiếm 10%, còn lại là hồi phục ít.

Tại Khoa Nội thần kinh - Nội tiết Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, có 20 bệnh nhân được điều trị tái tưới máu não bằng thuốc tiêu sợi huyết. Sau khi xuất viện, nhiều người trở về với cuộc sống bình thường, không bị di chứng ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.

Theo các nghiên cứu, nhồi máu não chiếm khoảng 80% đột quỵ não - một trong năm nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật ở người trưởng thành; 20% còn lại là chảy máu não, xuất huyết khoang dưới nhện. Hiện có hai phương pháp điều trị nhồi máu não là tiêm thuốc tiêu sợi huyết và lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học. Bệnh viện Đa khoa Phú Yên đã cử các bác sĩ và điều dưỡng đi đào tạo tại Bệnh viện Nhân dân 115 và Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, đồng thời chuẩn bị cơ sở vật chất. Tháng 12/2019, bệnh viện triển khai điều trị nhồi máu não bằng thuốc tiêu sợi huyết.

TS.BS Đàm Quốc Phối, Trưởng Khoa Nội thần kinh - Nội tiết Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, cho biết: “Trong điều trị nhồi máu não, yếu tố thời gian vô cùng quan trọng; thời gian là não. Khi mạch máu trong não bị tắc, cứ mỗi giây trôi qua có 32.000 tế bào não bị chết, mất 230 triệu khớp nối thần kinh, mất khoảng 20m sợi thần kinh. Mỗi phút trôi qua có 1,9 triệu tế bào não bị chết, mất gần 14 tỉ khớp nối thần kinh, 1,2km sợi thần kinh…

Khi cục máu đông gây tắc mạch máu não, vùng lõi - nơi có động mạch bị tắc - thiếu máu trước tiên nên sẽ chết trước tiên. Khu vực rìa của vùng lõi, còn gọi là vùng tranh tối tranh sáng, thường có tuần hoàn bàng hệ do sự kết nối mạch máu của các nhánh động mạch khác, nên được nuôi dưỡng một phần khi động mạch nuôi chính cho vùng đó bị tắc, nhưng cũng sẽ chết nếu việc tái thông không được triển khai sớm.

Việc tái thông mạch máu bằng thuốc tiêu sợi huyết hay can thiệp mạch là để cứu vùng tranh tối tranh sáng càng nhiều càng tốt, nên phải tiến hành tái thông càng sớm càng tốt, vì để lâu thì tế bào não ở vùng này sẽ chết càng nhiều và để lại di chứng càng nhiều. Điều trị nhồi máu não bằng thuốc tiêu sợi huyết được chỉ định thực hiện trước 4,5 giờ kể từ khi khởi phát. Như vậy, bệnh nhân phải vào viện trước 3,5 giờ kể từ khi xuất hiện các triệu chứng, vì còn phải chụp MRI, CT, xét nghiệm máu… Những trường hợp hồi phục tốt là bởi bệnh nhân được đưa đến bệnh viện sớm và đáp ứng với thuốc tiêu sợi huyết”.

Những điểm sáng

Thời gian qua, các bệnh viện tại Phú Yên đã nỗ lực nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, thực hiện có hiệu quả đề án Bệnh viện vệ tinh, tranh thủ tối đa sự hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật của các bệnh viện tuyến trên để triển khai nhiều kỹ thuật mới trong chẩn đoán, điều trị, từng bước đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân địa phương, hạn chế tình trạng chuyển tuyến. Một điểm sáng trong triển khai kỹ thuật mới chính là việc Bệnh viện Đa khoa Phú Yên đã thực hiện thành công kỹ thuật can thiệp mạch vành qua da - phương pháp điều trị tái tưới máu cơ tim tiên tiến.

Mạch máu não của một bệnh nhân trước và sau khi được điều trị tái tưới máu bằng thuốc tiêu sợi huyết. (Ảnh do Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên cung cấp)

Trước đây, tại bệnh viện tuyến cao nhất của tỉnh, các bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp chỉ có thể được điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết. Theo BSCKII Châu Khắc Toàn, Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, sau khi điều trị khoảng một tuần, bệnh nhân được chuyển vào TP Hồ Chí Minh để chụp và can thiệp mạch vành. Nhiều trường hợp nhập viện muộn hay có những chống chỉ định dùng thuốc tiêu sợi huyết, bệnh nhân tử vong, nếu qua khỏi thì cũng bị suy tim.

Sau một thời gian được Bệnh viện Thống Nhất đào tạo và chuyển giao kỹ thuật, Đơn nguyên Tim mạch can thiệp thuộc Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viện Đa khoa Phú Yên đã từng bước làm chủ kỹ thuật can thiệp mạch vành. GS.TS Nguyễn Đức Công, nguyên Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất đánh giá: “Đây là bước tiến về chất và lượng, đưa Phú Yên có mặt trên bản đồ tim mạch can thiệp của cả nước”.

Trong năm 2020, Đơn nguyên Tim mạch can thiệp đã thực hiện 81 ca can thiệp cấp cứu, 4 ca can thiệp theo chương trình. BSCKII Phạm Hiếu Vinh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, cho biết: “Sau 30 phút kể từ lúc bệnh nhân nhồi máu cơ tim nhập viện, nếu có chỉ định can thiệp thì ê kíp sẽ tiến hành can thiệp cấp cứu ngay. Nhiều bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp đã được cứu sống”.

Tại Bệnh viện Phục hồi chức năng (PHCN) Phú Yên, sau khi được Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đào tạo và chuyển giao kỹ thuật, Đơn nguyên Điều trị âm ngữ trị liệu và Bệnh tự kỷ đã được triển khai. Bệnh viện PHCN Phú Yên là cơ sở y tế đầu tiên trong khu vực Nam Trung Bộ có đơn nguyên này. Không chỉ giúp trẻ tự kỷ và trẻ bị bại não biết cách phát âm, giao tiếp…, đơn nguyên còn điều trị rối loạn phát âm, rối loạn nuốt cho bệnh nhân sau đột quỵ. Theo BSCKI Trần Như Tiến, Giám đốc bệnh viện, điều trị âm ngữ trị liệu và bệnh tự kỷ là một mũi nhọn của Bệnh viện PHCN Phú Yên.

Tại Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên, đội ngũ thầy thuốc đã làm chủ các kỹ thuật do Bệnh viện Nhi Đồng 2 chuyển giao, trong đó có những kỹ thuật điều trị bệnh lý niệu như tinh hoàn lạc chỗ, lỗ tiểu thấp, bệnh về hậu môn trực tràng…, không phải chuyển bệnh nhi lên tuyến trên như trước.

Bệnh viện Mắt Phú Yên đã triển khai kỹ thuật điều trị bệnh lý võng mạc do đái tháo đường và phẫu thuật Phaco tách góc tiền phòng. Bệnh viện Y học cổ truyền Phú Yên triển khai trường châm, từ trường, sóng trị liệu, đồng thời chuyển giao kỹ thuật cấy chỉ cho các bệnh viện tuyến huyện và một số bệnh viện ngoài tỉnh.

Trên lĩnh vực cận lâm sàng, nhiều kỹ thuật mới đã được triển khai, trong đó có các xét nghiệm tầm soát ung thư trên hệ thống miễn dịch tự động bằng kỹ thuật hóa phát quang. BSCKI Lê Minh Phước, nguyên Trưởng Khoa Hóa sinh - Vi sinh Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, cho biết: Đơn vị triển khai xét nghiệm tầm soát ung thư tiền liệt tuyến, ung thư gan, sau đó triển khai các xét nghiệm tầm soát ung thư buồng trứng, ung thư vú, ung thư tụy, ung thư phổi và ung thư đại tràng.

Từ kết quả tầm soát, nếu bệnh nhân ở trong nhóm có khả năng bị ung thư thì thực hiện các kỹ thuật tiếp theo để chẩn đoán và điều trị.

Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 có nội dung “tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, nhất là y tế chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu xã hội, giảm việc người dân trong tỉnh phải đến các thành phố lớn để khám chữa bệnh”. Các bệnh viện Phú Yên đã và đang nỗ lực thực hiện mục tiêu đó.

YÊN LAN

Bài cuối: Hồ sơ sức khỏe điện tử và nỗ lực thu hẹp khoảng cách

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/264531/de-nguoi-dan-duoc-cham-soc-suc-khoe-tot-hon-bai-1.html