Để nghị viện là một thể chế 'xanh'

Để ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, không chỉ ban hành chính sách và luật cho quốc gia, các nghị viện trên thế giới còn thực hiện những hành động rất cụ thể, thiết thực để chống biến đổi khí hậu, bắt đầu từ ngay chính tòa nhà của mình.

Hệ thống pin năng lượng mặt trời được lắp đặt ở khuôn viên tòa nhà Nghị viện Indonesia. Nguồn: ANTARA

Theo thống kê của Cơ quan Năng lượng quốc tế, việc vận hành các tòa nhà trên thế giới chiếm đến 27% lượng phát thải của ngành năng lượng thế giới (số liệu năm 2021). Những năm gần đây, ngày càng có nhiều nghị viện trên thế giới tiên phong thực hiện các biện pháp nhằm sử dụng năng lượng hiệu quả, giảm phát thải khí nhà kính, giảm các tác động tiêu cực đến môi trường. Những nỗ lực đó không chỉ được thể hiện trong hoạt động lập pháp, giám sát mà còn được thể hiện ngay tại việc làm sao để vận hành tòa nhà nghị viện được hiệu quả hơn, hoạt động của nghị viện trở nên thân thiện với môi trường hơn nữa. Có thể tóm gọn những nỗ lực rất thiết thực đó trong hai lĩnh vực chủ yếu: công tác phục vụ hậu cần (việc vận hành các tòa nhà, văn phòng làm việc, quản lý cơ sở vật chất, mua sắm dịch vụ, hàng hóa phục vụ nghị sĩ…) và đáng chú ý hơn, trong quy trình làm việc của nghị viện.

Vận hành tòa nhà nghị viện bằng năng lượng xanh

Các nước châu Âu cũng như một số khu vực khác trên thế giới có tòa nhà nghị viện khá lâu đời, song không vì thế mà các nỗ lực cải tiến, trùng tu để tòa nhà thân thiện hơn với môi trường bị cản trở. Từ nhiều năm nay, nghị viện nhiều nước đã cố gắng sử dụng năng lượng tái tạo trong vận hành tòa nhà thông qua việc sử dụng các tấm pin mặt trời để cung cấp nước nóng hoặc cho hệ thống thông gió, làm mát tòa nhà.

Một vài ví dụ: Quốc hội Latvia đã mua hẳn một cơ sở sản xuất điện năng lượng mặt trời có công suất 328,28kW để cung cấp một phần năng lượng cho tòa nhà Quốc hội; Tòa nhà Hạ viện Indonesia gần đây đã được trang bị các tấm pin năng lượng mặt trời nhằm tăng cường sử dụng năng lượng sạch, có thể tái tạo; Tòa nhà Quốc hội Việt Nam từ khi đi vào vận hành năm 2014 cũng đã được trang bị hệ thống pin mặt trời để cung cấp nước nóng trong các phòng vệ sinh chung trong tòa nhà hoặc trong các phòng làm việc riêng.

Song song với việc sử dụng năng lượng từ nguồn tái tạo, các nghị viện cũng cố gắng sử dụng các biện pháp khác nhau để tiêu thụ năng lượng một cách hiệu quả hơn. Quốc hội nhiều nước từ lâu đã sử dụng hệ thống điều khiển tự động dựa trên cảm biến nhiệt độ cho hệ thống chiếu sáng, thông gió và làm mát của tòa nhà. Để tiết kiệm năng lượng cho việc cung cấp nước nóng trong tòa nhà, Quốc hội Latvia sử dụng hệ thống điều khiển tự động để kiểm soát nhiệt độ nước ở mức không vượt quá 500C.

Nói chung, có nhiều sáng kiến đa dạng, tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của từng tòa nhà mà nghị viện các nước sử dụng các biện pháp khác nhau để tiết kiệm năng lượng, góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

“Xanh hóa” quy trình làm việc

Nghị viện nhiều nước cũng tính đến việc góp phần giảm thiểu tác động đến môi trường trong chính việc sửa đổi, cải tiến quy trình, thủ tục làm việc của nghị viện mình.

Quốc hội Latvia lắp đặt trạm sạc cho xe điện. Nguồn: IPU

Việc số hóa tài liệu, không sử dụng giấy tờ trong các phiên họp từ lâu được nhiều Nghị viện áp dụng. Quốc hội Việt Nam là một trong những cơ quan đầu tiên trong hệ thống chính trị triển khai ứng dụng công nghệ thông tin. Đến nay, việc cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ các đại biểu Quốc hội thông qua máy tính bảng cá nhân thay vì hình thức tài liệu giấy truyền thống, giảm tải lượng lớn các tài liệu in ấn, tiến tới một “Quốc hội không giấy tờ” đã được triển khai có hiệu quả. Việc nghị viện nhiều nước sửa đổi quy trình, thủ tục làm việc để cho phép thay đổi hình thức họp trong những điều kiện khác nhau (trực tuyến, kết hợp trực tiếp và trực tuyến), nhất là trong thời gian đại dịch vừa qua cũng đòi hỏi việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số mạnh mẽ hơn. Nghị viện một số nước đã khẳng định mặc dù đại dịch Covid-19 không còn nguy hiểm song hình thức họp trực tuyến (cho phiên toàn thể hay các cuộc họp ủy ban) vẫn có thể được sử dụng trong tương lai do nhiều thuận lợi, trong đó không thể không kể đến những tác động tích cực đến môi trường như giảm việc di chuyển của các nghị sĩ từ khắp mọi miền đất nước về thủ đô và ngược lại.

Nghị viện mua sắm bền vững

Nhiều thay đổi khác trong quy trình làm việc của các cơ quan của nghị viện hoặc cơ quan giúp việc của nghị viện cũng được thay đổi để trở nên thân thiện với môi trường hơn.

Chẳng hạn, các nhà cung cấp dịch vụ cho Quốc hội Latvia hiện cũng phải tuân theo các yêu cầu về môi trường. Theo đó, các nhà cung cấp dịch vụ thực phẩm và đồ uống cho các sự kiện diễn ra trong Nhà Quốc hội phải sử dụng dao nĩa và đĩa có thể tái sử dụng (không phải loại dùng một lần). Rác thải cũng phải được phân loại để tái chế hoặc làm phân hữu cơ qua quá trình phân hủy sinh học… Các loại hàng hóa cung cấp cho Quốc hội phải được đóng gói trong những thùng/hộp có thể tái sử dụng/tái chế theo quy định của luật về thuế chống ô nhiễm môi trường… Ngoài ra, Quốc hội cũng sẽ chỉ mua hàng hóa từ các nhà cung cấp mà quá trình sản xuất không có yếu tố vi phạm về môi trường.

Nghị viện di chuyển bằng phương tiện xanh

Quốc hội Latvia cũng tích cực sử dụng xe điện làm xe công và lắp đặt một trạm sạc xe điện. Cơ quan này đang có kế hoạch nâng cấp đội xe phục vụ Quốc hội thành xe điện hoàn toàn trong vòng ba năm tới tùy thuộc vào kinh phí.

Cũng như vậy, nghị sĩ Scott Simpson của New Zealand cho biết, kể từ 4 năm nay, ông và nhiều nghị sĩ khác luôn sử dụng xe điện để di chuyển hàng ngày. BEV là xe chạy hoàn toàn bằng điện, còn được gọi là xe điện chạy bằng pin, có động cơ điện thay vì động cơ đốt trong.

10 khuyến nghị của IPU

Liên quan đến chủ đề này, Liên minh nghị viện thế giới IPU đưa ra ba khuyến nghị để các nghị viện có thể giảm lượng tiêu thụ carbon ở nghị viện mình. Ba khuyến nghị đó được Ban Thư ký IPU cụ thể hóa bằng 10 khuyến nghị hành động cụ thể cho các nghị viện: (1) Đặt mục tiêu và theo dõi quá trình phát thải từ hoạt động của nghị viện; (2) Thúc đẩy sự minh bạch trong quá trình “xanh hóa nghị viện”; (3) Nỗ lực để các hoạt động của nghị viện thích ứng với biến đổi khí hậu (bảo đảm để nguyện vọng, nhu cầu của cử tri tiếp tục được xử lý tốt trong bối cảnh biến đổi khí hậu); (4) Bảo đảm việc sử dụng điện, nước được hiệu quả trong khuôn viên tòa nhà nghị viện; (5) Thực hiện các chính sách mua sắm hàng hóa, dịch vụ thân thiện với môi trường; (6) Bảo đảm việc di chuyển phục vụ công việc được bền vững về môi trường; (7) Thúc đẩy số hóa, chuyển đổi số; (8) Thúc đẩy văn hóa làm việc bền vững, thân thiện với môi trường; (9) Đi tiên phong trong các nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu; và (10) ưu tiên hợp tác và chia sẻ tri thức, kinh nghiệm trong việc “xanh hóa nghị viện”.

10 khuyến nghị trên của Ban Thư ký IPU có thể được coi là những hành động cụ thể chính yếu nhất mà các nghị viện/quốc hội và cá nhân nghị sĩ/đại biểu có thể thực hiện để góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, làm cho nghị viện ngày càng trở thành một thể chế “xanh”.

Vũ Đài Phương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/de-nghi-vien-la-mot-the-che-xanh-i333772/