Đề nghị sửa luật để gỡ nút thắt về tích tụ đất đai

Giải trình những ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại phiên họp sáng nay 2-11 về tái cơ cấu nền kinh tế và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm năm tới, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, bên cạnh việc xác định đầu tư các nhóm sản phẩm đột phá, cần tháo gỡ nút thắt về hạn điền, về chính sách, về phân bổ nguồn lực để nông nghiệp có bước phát triển mạnh mẽ.

Xác định những sản phẩm chủ lực

Đánh giá sau ba năm thực hiện đề án tái cơ cấu, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, ngành nông nghiệp đã đạt được những kết quả quan trọng. Các địa phương bước đầu đã có những thành công khác nhau. Ví dụ: Tại Đồng Tháp, mô hình chuyển đổi xác định năm đối tượng sản phẩm chủ lực. Tại Hà Giang, bước đầu đã xác định được chủ lực là cây dược liệu, cây rau ôn đới và gắn kết giữa tái cơ cấu nông nghiệp với du lịch sinh thái nơi đây.

Bên cạnh đó, một số ngành hàng lớn đã được hình thành, có những điểm căn cốt để thực hiện quá trình hội nhập. Ví dụ, trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, hiện nay đã hoàn thiện được những bước cơ bản ban đầu. Chẳng hạn, với ngành chăn nuôi lợn, đã tiếp cận được với công nghệ tiên tiến của thế giới về giống. Hay trong ngành sản xuất thức ăn cho gia súc, gia cầm đã đạt tới mức tiềm năng 20 triệu tấn/năm, thực tế sản xuất được 15 triệu tấn/năm. Trong chăn nuôi thủy sản, hai sản phẩm chủ lực là tôm nước lợ và cá tra thì các công đoạn từ giống, tổ chức sản xuất, chuỗi sản xuất có thể tiếp cận hội nhập. Ngành sữa cũng có tốc độ tăng trưởng liên tục. Sản phẩm sữa Việt Nam đã xuất khẩu ra 40 nước trên thế giới. Sau ba năm, đã có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn tập trung đầu tư khu vực nông nghiệp.

Theo đánh giá của Bộ trưởng, về tái cơ cấu nông nghiệp bước đầu có sự thành công. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thẳng thắn thừa nhận còn nhiều bất cập.

Thứ nhất, quy mô hàng hóa tập trung công nghệ hiện đại chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Thứ hai, chuỗi sản phẩm tạo ra hầu hết là sản phẩm thô, do đó chuỗi giá trị thấp. Thứ ba, thị trường thiếu ổn định, tiềm ẩn nhiều rủi ro như: thời tiết, thị trường hoặc các động thái phi thị trường khác. Thứ tư, nhân tố hạt nhân trong tổ chức sản xuất là doanh nghiệp, HTX chưa có nhiều.

Chỉ ra những nguyên nhân chính cho những bất cập trên, Bộ trưởng cho rằng, trước hết chính là vấn đề nhận thức về tái cơ cấu chưa được phổ biến, nhiều chính sách được ban hành nhưng không vận dụng được vào cuộc sống hoặc còn thiếu, nguồn nhân lực trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu. Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị có nêu rõ, trong năm năm phải đầu tư cho nông nghiệp ít nhất tăng gấp hai lần, tuy nhiên mới tăng được 1,85 lần. Bên cạnh đó, quản lý Nhà nước về chuyên ngành có nhiều mặt chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới, kể cả ngành nông nghiệp cấp T.Ư và địa phương.

Tháo gỡ nút thắt để hội nhập mạnh mẽ

Về giải pháp thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, trước hết phảixác định được nhóm sản phẩm lợi thế quốc gia. Đó là khoảng 10 sản phẩm có giá trị xuất khẩu từ một tỷ USD trở lên. Ví dụ: cá tra, tôm, rau, điều, cà phê, thịt lợn… Bên cạnh đó, xác định nhóm có quy mô cấp tỉnh có giá trị vài trăm triệu USD, như: vải thiều, nhãn lồng, xoài Cao Lãnh… Ngoài ra, cần xác định nhóm sản phẩm có quy mô địa phương.

Thứ hai, tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn then chốt để tạo động lực cho sản xuất. Bộ trưởng cho rằng, nút thắt lớn nhất là về đất đai. Theo Luật 2013 Điều 129 và 130, hiện nay chúng ta giới hạn hạn điền đối với việc sản xuất cây trồng ngắn ngày là 2 ha ở tất cả các vùng, ngoại trừ Đông Nam Bộ (ba ha).

Do đó, Bộ trưởng kiến nghị Quốc hội cho phép sửa Điều 129, không có hạn điền nữa thì vấn đề tích tụ đất đai được bảo đảm được đến ngưỡng cho phép.

Bộ trưởng cũng phân tích rõ các yếu tố để có thể tự tin mở rộng hạn điền. Thứ nhất, vấn đề tích tụ đất đai quá lớn như lo ngại sẽ không xảy ra trong thực tiễn, bởi điều đó phụ thuộc vào quản trị phù hợp với trình độ. Thứ hai, vấn đề e ngại người nông dân mất ruộng không có việc làm, theo Bộ trưởng, bây giờ đã đến lúc tất cả những mô hình này một ha người ta thuê từ bốn đến sáu công nhân, nông dân trở thành công nhân nông nghiệp và thu nhập từ 3 đến 5 triệu đồng từng vùng. Nếu tháo nút được điểm này thì chắc chắn góp phần tạo ra hàng hóa sản xuất nông nghiệp với quy mô nhất định mới hội nhập được.

Một nút thắt khác cần phải tập trung chỉnh sửa là 3 nhóm chính sách rất quan trọng hiện nay. Đó là các nhóm chính sách liên quan thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, phát triển HTX và ưu tiền đầu tư về những vùng dễ tổn thương, vùng sâu, vùng xa. Bộ trưởng cũng đề nghị nên dồn việc sản xuất lúa vào một số vùng nhất định và có chính sách riêng để ưu tiên đầu tư phát triển có trọng điểm.

Về vốn, Bộ trưởng đề nghị nên có một gói trực tiếp cho tái cơ cấu nông nghiệp và thay đổi phương thức đầu tư. Theo ông, nên đầu tư trực tiếp tới 63 tỉnh, thành để địa phương chủ động giải quyết những vấn đề căn cốt về tái cơ cấu của từng nơi, góp phần tái cơ cấu chung.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/31149402-de-nghi-sua-luat-de-go-nut-that-ve-tich-tu-dat-dai.html