Đề nghị bỏ quyền thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế-xã hội

(TBKTSG Online)- Nên bỏ quy định về quyền thu hồi đất cho dự án vì mục đích phát triển kinh tế-xã hội là quan điểm của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Phan Trung Lý khi Thường vụ Quốc hội tiếp tục góp ý về Luật Đất đai (sửa đổi) hôm 17-4.

Lan Nhi

Tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được đưa ra hôm 17-4, không còn điều khoản nào cho phép thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế-xã hội như Luật Đất đai hiện hành. Từ ngữ được sửa trong dự thảo luật cho phép nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.

“Lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng ” trong dự luật được liệt kê là xây dựng các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, các dự án, công trình do Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư, xây dựng các đô thị mới, các khu dân cư nông thôn...

Giải trình về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu nói rằng một số ý kiến đề nghị quy định rõ các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào các mục đích nêu trên, trong đó bao gồm cả các dự án phát triển kinh tế-xã hội quan trọng và bồi thường thỏa đáng cho người có đất khi nhà nước thu hồi. Còn những dự án phát triển kinh tế-xã hội khác thì phải thỏa thuận với người dân.

Quan điểm của Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, với các dự án như vậy thì nhà nước phải thực hiện thu đồi đất, nhất là các dự án đầu tư được hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua hay các dự án bằng vốn hỗ trợ phát triển ODA. Khi thu hồi đất để tạo quỹ đất sạch và thực hiện dự án giao đất, cho thuê đất qua đấu giá, nhà nước sẽ điều tiết được phần giá trị tăng thêm từ đất (không phải do người sử dụng đất tạo ra), nhằm có thêm nguồn thu để thực hiện bồi thường, hỗ trợ cho người sử dụng đất khi bị thu hồi, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên. Việc quy định cụ thể các trường hợp nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế-xã hội là thể chế hóa đúng tinh thần của Nghị quyết số 19-NQ/TW.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nói rằng, dù diễn giải như thế nào đi chăng nữa thì bản chất của các quy định về thu hồi đất nêu trên (trừ thu hồi đất vì mục đích an ninh quốc phòng, lợi ích công cộng) vẫn có những nội dung quy định thu hồi đất vì phát triển kinh tế-xã hội, không khác gì Luật Đất đai hiện hành, đang gây nhiều tranh cãi,khiếu kiện trong quá trình thực hiện. Ông Lý đề nghị bỏ mục đích thu hồi đất để phát triển các dự án kinh tế-xã hội.

“Nói như vậy không có nghĩa là không thu hồi cho một số dự án dạng này nhưng phải dùng cho mục đích công cộng. Còn loại dự án phát triển vì mục đích lợi nhuận, mục đích thương mại thì theo cơ chế khác”. Cơ chế khác mà ông và một số đại biểu Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất là cơ chế trưng mua.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đồng thuận việc bỏ mục đích thu hồi đất vì lợi ích kinh tế-xã hội và phải làm rõ cái gì là lợi ích quốc gia, cái gì vì lợi ích công cộng. Ông nhấn mạnh, trong trường hợp nhà nước không thu hồi, không trưng mua, trước thì cho doanh nghiệp tự thỏa thuận với người dân, nay có quay lại cơ chế tự thỏa thuận không. “Nếu không làm rõ cứ thu hồi là phức tạp”, ông nhắc.

Những rắc rối, tranh chấp liên quan đến việc thu hồi đất, giá đền bù đất chiếm 80% tổng số khiếu kiện về đất đai nên luôn là một nội dung rất quan trọng trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này. Dự thảo luật tuy có chỉnh sửa nhưng riêng về nội dung thu hồi đất vẫn có những điểm như trên mâu thuẫn với Luật Dân sự và phải chờ Hiến pháp (sửa đổi) có thay đổi, khác biệt gì đáng kể, trên cơ sở đó mới sửa Luật Đất đai cho đồng bộ được.

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/home/xahoi/sukien/94867/