Để ngành hàng lúa - gạo phát triển bền vững

Để phát triển bền vững ngành hàng lúa - gạo, tỉnh Tiền Giang đã và đang triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ.HÌNH THÀNH CÁC CHUỖI LIÊN KẾT

Thời gian qua, tỉnh Tiền Giang đã tập trung nhiều giải pháp để đẩy mạnh liên kết trong sản xuất và tiêu thụ lúa - gạo. Trong đó, tỉnh đã tập trung triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Tiền Giang, thực hiện Nghị định 98/2018 của Chính phủ, đến nay có 20 dự án, kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa được phê duyệt.

Hiện tỉnh Tiền Giang đang tập trung đẩy mạnh thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ trên cây lúa.

Ngân sách hỗ trợ phê duyệt giai đoạn 2020 - 2026 trên 24,1 tỷ đồng, với hơn 40 doanh nghiệp (DN), thương nhân trong và ngoài tỉnh tham gia liên kết. Hình thức liên kết chủ yếu là cung cấp đầu vào (giống, phân bón, kỹ thuật), đảm bảo đầu ra cho sản phẩm thông qua các hợp đồng liên kết.

Trong vụ đông xuân năm 2023 - 2024, toàn tỉnh có 37 hợp tác xã (HTX) sản xuất và liên kết tiêu thụ lúa, tập trung chủ yếu ở các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Gò Công Đông, Gò Công Tây. Diện tích liên kết của các HTX khoảng 5.800 ha; giá bán dao động từ 8.000 - 11.000 đồng/kg.

Một số mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa hiệu quả như: Liên kết giữa HTX Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) Mỹ Quới với Công ty TNHH Phước Lộc Thiên Hộ tại xã Hậu Mỹ Bắc B (huyện Cái Bè), quy mô liên kết 300 - 500 ha/năm với giống lúa ST24, Nàng hoa 9; liên kết giữa HTX DVNN Bình Nhì, HTX Nông nghiệp Lợi An với Công ty TNHH HK Green, Công ty TNHH Vinh Hiển, quy mô 300 - 600 ha/năm; HTX DVNN Hưng Hòa liên kết đầu vào với Công ty TNHH HK Green, đầu ra liên kết tiêu thụ với Công ty TNHH Vinh Hiển…

THÁO GỠ KHÓ KHĂN

Thực tế cho thấy, việc triển khai xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ lúa hiện nay còn gặp khó khăn. Diện tích sản xuất lúa tham gia liên kết tiêu thụ vẫn còn hạn chế. Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT, tỉnh Tiền Giang khó khăn trước hết là về cơ chế, chính sách.

Diện tích sản xuất lúa tham gia liên kết tiêu thụ chưa nhiều.

Theo đó, thực hiện liên kết tiêu thụ lúa theo Nghị định 98/2018 của Chính phủ, các quy định về thủ tục quyết toán thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu nên hồ sơ phức tạp, từ đó HTX, DN rất ngán ngại. Trong khi đó, thiếu hành lang pháp lý phù hợp cho việc giải quyết tranh chấp, phá vỡ hợp đồng trong liên kết giữa các “nhà”, nhất là hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa DN và nhà nông.

Mặt khác, nội dung hỗ trợ cho DN chưa nhiều; tỷ lệ đối ứng cao (70%) nên chưa thu hút được DN tham gia liên kết xây dựng vùng nguyên liệu, trong khi thủ tục quyết toán phức tạp. Vì vậy, một số DN chưa thấy được lợi ích và lợi nhuận khi tham gia chuỗi với nông dân, HTX.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn, Tiền Giang đăng ký tham gia Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án) với diện tích 29.500 ha tại 7 huyện, thị xã gồm: Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước, Gò Công Tây, Gò Công Đông, TX. Cai Lậy và TX. Gò Công; với khoảng 50.837 hộ nông dân/45 xã, thị trấn tham gia.

Sở NN&PTNT đã thành lập Tổ đề xuất dự án tham gia trên địa bàn tỉnh trên cơ sở kế thừa thành viên có kinh nghiệm từ Dự án VnSAT trước đây. Thời gian tới, Sở NN&PTNT sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Đề án này với các nội dung trọng tâm.

Trước hết là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, truyền thông sâu rộng về Đề án tại tỉnh. Đồng thời, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng tại vùng chuyên canh; hoàn thiện các gói kỹ thuật đảm bảo tiêu chí phát triển bền vững. Một trong những nội dung quan trọng là xây dựng các mô hình trình diễn về chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh cấp tỉnh và cấp huyện làm cơ sở cấp tín chỉ carbon.

Ngành Nông nghiệp sẽ kiện toàn lại Tổ khuyến nông cộng đồng để phục vụ cho chuyển giao, theo dõi, đo đạc mức độ phát thải trong quá trình thực hiện Đề án. Đồng thời, tổ chức lại sản xuất đảm bảo các hộ trồng lúa, HTX, DN tham gia Đề án cam kết thực hiện quy trình canh tác lúa bền vững và phát thải thấp.

Tỉnh Tiền Giang sẽ đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ cấp tỉnh, huyện, HTX, DN, nông dân về quy trình kỹ thuật canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp; tập huấn nâng cao năng lực HTX; tập huấn về giảm phát thải khí nhà kính, hệ thống đo đạc… Ngành Nông nghiệp sẽ đẩy mạnh liên kết sản xuất, kết nối và hỗ trợ các DN tham gia vào chuỗi giá trị lúa - gạo trong vùng triển khai Đề án. Ngoài ra, tỉnh còn chú trọng các giải pháp về xây dựng thương hiệu gạo Gò Công, gạo VD20… và giải pháp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.

“Trước mắt, trong khi chờ ban hành chính thức kế hoạch thực hiện Đề án này, Sở NN&PTNT sẽ có văn bản hướng dẫn các địa phương và giao các đơn vị trực thuộc Sở thực hiện Đề án năm 2024.

Trong đó, tập trung vào các nội dung: Truyền thông Đề án; phổ biến quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp; nâng cao năng lực HTX; tổ chức liên kết sản xuất - tiêu thụ lúa - gạo” - đồng chí Nguyễn Văn Mẫn cho biết thêm.

Việc triển khai liên kết còn gặp khó khăn do diện tích sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nên quy mô liên kết còn ít, phân tán. Năng lực điều hành, quản lý, thương thảo đàm phán hợp đồng, quản lý thành viên sản xuất của HTX còn yếu; thiếu HTX đủ năng lực triển khai các dịch vụ đầu vào thu hoạch hay sơ chế để hỗ trợ một phần cho DN.

Tinh thần hợp tác, niềm tin, chữ tín trong liên kết sản xuất giữa nông dân, HTX, thương lái, DN không bền chặt, trong khi giá cả biến động liên tục nên dẫn đến việc phá vỡ hợp đồng. Ngoài ra, công tác theo dõi, quản lý, kết nối hỗ trợ, cùng trao đổi với DN, HTX để hài hòa lợi ích trong liên kết tiêu thụ của chính quyền địa phương nhiều nơi chưa quan tâm, sâu sát.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn, để phát triển bền vững ngành hàng lúa - gạo ở tỉnh, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục tổ chức tuyên truyền nhằm thay đổi tư duy trong sản xuất. Theo đó, cần phải hợp tác, liên kết và phải có niềm tin, chữ tín cho cả nông dân/DN/thương lái.

Yếu tố quan trọng là phải mời gọi các DN tham gia liên kết với nông dân, HTX để xây dựng vùng nguyên liêu ngay từ đầu. Đặc biệt là việc liên kết phải có sự cam kết, hợp đồng cùng chia sẻ lợi ích giữa 2 bên; tránh đến mùa vụ mới liên kết tiêu thụ thì dễ “bẻ kèo”.

Một trong những giải pháp quan trọng là hoàn thiện các cơ chế, chính sách với nhiều chính sách hỗ trợ, thu hút để mời gọi DN tham gia liên kết xây dựng vùng nguyên liệu; tháo gỡ các thủ tục trong đầu tư, mua sắm đơn giản hơn.

Cũng theo đồng chí Nguyễn Văn Mẫn, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ HTX nông nghiệp để nâng cao năng lực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Điều này nhằm giúp các HTX có đủ khả năng thực hiện tốt vai trò kết nối giữa nông dân với DN trong liên kết tiêu thụ như: Hỗ trợ về hạ tầng, cán bộ trẻ, đào tạo, bồi dưỡng...

Ngoài ra, trong công tác quản lý nhà nước cần quy hoạch vùng nguyên liệu sản xuất lúa lớn tại địa phương. Đồng thời, tổ chức hướng dẫn nông dân hoàn thiện quy trình sản xuất từ khâu giống; sản xuất an toàn, chất lượng; ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa, công nghệ số để ghi chép, truy xuất nguồn gốc, xây dựng mã vùng trồng.

T. ĐẠT

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202404/de-nganh-hang-lua-gao-phat-trien-ben-vung-1009192/