“Dế mèn vẫn còn đó, vĩnh biệt huyền thoại Tô Hoài”

Một bạn đọc đã thốt lên như vậy khi nghe tin nhà văn Tô Hoài – cây đại thụ của nền văn học Việt Nam, tác giả của những cuốn sách “gối đầu giường” dành cho thiếu nhi, qua đời ở tuổi 95.

“Tô Hoài ra đi nhưng Dế mèn vẫn còn đó, vĩnh biệt ông, vĩnh biệt cây đại thụ, huyền thoại trong làng văn học Việt Nam. Thật tiếc thay…”, độc giả Tú Tú chia sẻ cảm xúc sau khi hay tin nhà văn Tô Hoài qua đời .

Nhà văn Tô Hoài. Ảnh internet

Tô Hoài qua đời tại nhà riêng ở Hà Nội vào sáng qua, 6.7. Trong những năm gần đây, do sức khỏe yếu và những bệnh tật của tuổi già, ông thường xuyên phải ra vào bệnh viện. Cũng vì bệnh tật mà ông ít tham gia các hoạt động văn chương hơn.

Nhắc đến Tô Hoài, chắc chắn nhiều thế hệ của Việt Nam không thể quên được chú dế mèn lém lỉnh, tinh nghịch nhưng giàu lòng yêu thương trong Dế mèn phiêu lưu ký. Mỗi cuộc hành trình của dế mèn như mở ra một miền đất mới trước mắt người đọc, hình ảnh chú dế mèn ấy đã in sâu vào ký ức tuổi thơ mỗi người.

Tô Hoài tên thật là Nguyễn Sen. Ông sinh ngày 7.9.1920 tại quê ngoại ở huyện Thanh Oai, Hà Đông, Hà Nội, trong một gia đình thợ thủ công.

Ông lớn lên ở làng Nghĩa Đô, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Các bút danh của ông gắn liền với hai địa danh ông sinh ra và lớn lên: sông Tô Lịch và phủ Hoài Đức. Tô Hoài được coi như là nhà văn bậc thầy trong nghệ thuật sử dụng và sáng tạo ngôn ngữ văn học dân tộc.

Thời thanh niên, Tô Hoài đã phải làm nhiều nghề để kiếm sống như dạy trẻ, bán hàng, kế toán hiệu buôn,... và thậm chí, nhiều khi ông còn thất nghiệp.

Thời gian đầu tham gia văn chương, Tô Hoài bắt đầu bằng những bài thơ lãng mạn nhưng không được chú ý. Mãi đến khi viết những tác phẩm văn xuôi hiện thực thì Tô Hoài mới được chú ý đặc biệt. Ông trở nên nổi tiếng với nhiều tác phẩm, nhất là với Dế mèn phiêu lưu ký (1941) – tác phẩm trở thành kiệt tác về sau.

Năm 1943, Tô Hoài gia nhập Hội Văn hóa cứu quốc. Trong kháng chiến chống Pháp, ông chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực báo chí, nhưng vẫn có một số thành tựu quan trọng như Truyện Tây Bắc.

Sau 1945, Tô Hoài tham gia làm báo Cứu Quốc, nhiều năm giữ chức thư ký tòa soạn Tạp chí Văn nghệ. Thời gian này, ông tham gia chiến dịch Việt Bắc và viết tập Truyện Việt Bắc (1953), trong đó có truyện Vợ chồng A Phủ được đưa vào chương trình sách giáo khoa Trung học Phổ thông và được dựng thành phim sau này.

Ngoài tư cách là một người sáng tác, Tô Hoài còn giữ những chức vụ lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Văn nghệ Hà Nội từ sau 1954.

Từ năm 1954 trở đi, ông có điều kiện tập trung vào sáng tác.

Các sáng tác của ông vẫn tiếp tục với mảng đề tài truyện đồng thoại, viết lại truyện truyền thuyết, nhân vật anh hùng lịch sử dành cho đối tượng đọc là thiếu nhi. Một số tác phẩm tiêu biểu: Kim Đồng, Đảo hoang, Chim chích lạc rừng, Chuyện ông Gióng… Bên cạnh đó, là những cuốn hồi ký, tự truyện, chia sẻ kinh nghiệm viết lách: Mười năm (1957), Sổ tay viết văn (1967), Miền Tây (1967 – giải thưởng Hoa sen của Hội Nhà văn Á Phi năm 1970), Tự truyện (1978)…

Trong đó, nhiều tác phẩm đã được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật (đợt 1 - 1996) như Xóm Giếng, Nhà nghèo, O chuột, Dế mèn phiêu lưu ký, Núi Cứu quốc, Truyện Tây Bắc, Mười năm, Xuống làng, Vỡ tỉnh, Tào lường, Họ Giàng ở Phìn Sa, Miền Tây, Vợ chồng A Phủ… . Năm 2010, nhà văn Tô Hoài cũng được trao Giải thưởng Lớn - Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội.

Tính đến nay, sau hơn 60 năm lao động nghệ thuật bền bỉ, ông đã có hơn 100 tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau: truyện ngắn, truyện dài kỳ, hồi ký, kịch bản phim, tiểu luận và kinh nghiệm sáng tác.

Riêng Dế mèn phiêu lưu ký, cho đến nay đã được in hàng triệu bản tại Việt Nam và được dịch sang nhiều thứ tiếng, phát hành trên 30 quốc gia trên thế giới như: Anh, Nhật, Tây Ban Nha, Đức, Pháp, Trung Quốc, Hàn Quốc…

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/thoi-su/de-men-van-con-do-vinh-biet-huyen-thoai-to-hoai-455797.html