Dế mèn còn phiêu lưu mãi...

Một chiều Hà Nội mưa như trút nước, nhóm chúng tôi những người viết văn trẻ từ miền Nam ra, tìm đến thăm nhà văn Tô Hoài ở 108 C3 - Khu tập thể Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội, ngôi nhà ông gắn bó từ thuở thơ bé.

Nhà văn Tô Hoài

Anh tài xế người ngoại thành Hà Nội phát âm “nội” thành “lội” qua rất nhiều chỉ dẫn hỏi đường cũng dừng được xe trước cánh cổng sắt thấp lè tè bên cạnh cây trứng cá quá thì chưa kịp trổ bông và dây leo bám trên những thanh sắt rỉ sét. Đây là lần thứ hai tôi đến trước cánh cổng này, lần đầu tiên cùng với nhạc sĩ Trần Tiến.

Một người đàn bà gầy gò, nhỏ thó, khuôn mặt với những nếp nhăn, mái tóc hoa tiêu đón chúng tôi. Bà chính là Đan Hà, con gái thứ của nhà văn Tô Hoài, làm dược sĩ, giờ về hưu, sống với cha để tiện chăm sóc cha.

Bà Đan Hà dìu nhà văn Tô Hoài, lúc đó đang ngồi phía sau hóng gió bên cửa sổ ra phòng khách phía ngoài. Ở tuổi 91 (sinh năm Thân, 1920) da dẻ nhà văn vẫn hồng hào, nụ cười hóm hỉnh, ánh mắt thấp thoáng tinh anh như cố níu lại chút phong trần, đa tình thời trai trẻ.

Nhà văn Tô Hoài mặc một bộ quần áo lụa màu mỡ gà đầy vẻ ung dung tự tại, khi nói chuyện, tay mân mê gấu áo, giọng sệt Hà Nội xưa, ông hỏi chúng tôi ở Sài Gòn là ở đâu. Rồi ông kể, ông từng vào Sài Gòn năm 17 tuổi, khi đó ông mới hoàn thành cuốn “Dế mèn phiêu lưu ký” được NXB Tân Dân in, nhuận bút được 25 đồng, khoản tiền rất lớn khi đó – 1 tạ gạo chỉ có 3 đồng. Tô Hoài đề nghị NXB Tân Dân cấp cho ông cái giấy phóng viên bản báo đi phiêu lưu Sài Gòn một chuyến. Và đó là chuyến đi đầu tiên của ông tới Sài Gòn.

""Dế mèn phiêu lưu ký" không phải là chuyện đồng thoại đơn thuần mà mang những tư tưởng của xã hội thời đó”.

Miên Di, anh chàng viết văn trẻ người Gia Lai có mặt trong nhóm, trước đây đã thảo một bức thư gửi nhà văn Tô Hoài xin phép được đưa chàng Dế mèn “xưa” phiêu lưu trong bối cảnh đương đại. Và câu chuyện về Dế mèn “xưa” và “tân Dế mèn” vô tình trở thành chủ đề chính trong buổi nói chuyện chiều hôm đó.

Nhà văn Tô Hoài cười hóm hỉnh khi nghe nhà văn trẻ Miên Di khoe là đã viết gần xong “tân Dế mèn”. Ông nói :“Tùy anh khai thác thôi, Dế mèn đâu là của tôi nữa, Dế mèn đã từ lâu là của tất cả chúng ta…”. Tác giả của “Dế mèn phiêu lưu ký” một lần nữa như sống lại trong những hồi ức ngày đó:

“Tôi viết Dế mèn năm 17 tuổi. Hồi bé rất hay đi đào dế, chơi chọi dế bên bờ sông Tô Lịch. Lúc đó Hà Nội không như Hà Nội bây giờ, vẫn còn những cánh đồng lúa ở Nghĩa Đô, ở làng Bái Ân, làng Hồ, làng An Thái… là thiên đường của trẻ con, chúng tôi có thể chơi suốt ngày ở ngoài đấy. Những trò húc dế, đấu dế, tôi rành lắm. Toàn bộ không gian của Dế mèn phiêu lưu ký chính là ở vùng ngoại ô ấy. Chính từ những thực tế nghịch ngợm tuổi thơ mà tôi xây dựng được anh chàng Dế mèn sống động. Còn tư tưởng tác phẩm thì ngày đó ai cũng ước mong thế giới đại đồng, cho nên Dế mèn cũng đã hành động, chiến đấu vì lí tưởng ấy”.

Quay qua Miên Di, nhà văn Tô Hoài nói tiếp “Bây giờ thì anh có thực tế hiện tại. Mà ngay cả thực tế cũng có nhiều dạng: thực tế của thực tế, thực tế của công nghiệp, thực tế của văn minh… Cho nên, chắc chắn anh sẽ khai thác tốt nhân vật Dế mèn ấy khi đặt trong thực tế hôm nay với cái nhìn của một người trẻ hôm nay”.

Và ông lấy dẫn chứng “khi viết Dế mèn, tôi có hai cuốn sách gối đầu giường là Gulliver du ký (Jonathan Swift)Con chim xanh (Maurice Maeterlinck). Chính cảm hứng từ hai cuốn sách đã khơi gợi trong tôi những tò mò về thế giới bên ngoài và ước muốn được phiêu lưu. Cả hai điều này nhuần nhuyễn trong tôi. Dế mèn phiêu lưu ký không phải là chuyện đồng thoại đơn thuần mà mang những tư tưởng của xã hội thời đó”.

Nhà văn trẻ Miên Di chia sẻ với nhà văn già Tô Hoài khi viết “tân Dế mèn”

Suốt buổi nói chuyện tôi quan sát thấy ông nhà văn già nếu không vê vê tà áo thì cứ xoắn xuýt đôi bàn tay của mình, đôi bàn tay với những ngón nhỏ và mềm.

Thấy tôi, một cô gái, nhìn hoài vào đôi bàn tay của ông, ông cười hóm hỉnh và đưa lên khoe: “Hồi tôi còn trẻ, các cô gái thích cầm tay tôi lắm, các cô cho rằng bàn tay tôi là bàn tay học giỏi và viết giỏi”.

Thế rồi phút chia tay với đôi bàn tay… lụa ấy cũng đến vì chúng tôi cảm thấy dù ông nhà văn cố rướn đến mấy để thêm thời gian bên cánh nhà văn trẻ chúng tôi cũng không thể cưỡng được cái lưng tuổi đang tiến về cái mốc 100. Tôi tự nhủ chắc là ông sẽ vui nếu một cô gái là tôi nắm bàn tay mà ông vừa khoe “các cô gái thích cầm tay tôi lắm”.

Vâng “các” chứ không phải là “một” và tôi đã nắm bàn tay của ông. Kì lạ tôi cảm thấy những ngón tay của mình như chú dế mèn kia đang tò mò phiêu lưu trên bàn tay của ông. Không biết có phải do cảm nhận sự phiêu lưu ấy không mà ông chợt hăng hái lên, giọng ông vượt lên hơi thở:

“Tôi rất quý các bạn trẻ, và tôi chỉ có duy nhất một lời khuyên với các bạn trẻ, viết viết và viết, ngày nào cũng nên viết. Phải học chữ nghĩa rất nhiều, giầu chữ nghĩa mới viết được, mà muốn giầu chữ nghĩa phải năng phiêu lưu. Giàu chữ ắt sẽ giỏi văn. Anh tồi chữ thì anh viết văn thế chó nào được.

Nhà văn cười. Không ai có thể nghĩ rằng đó là tiếng cười của một người đã bước qua tuổi 90.Và bây giờ khi ngồi viết lại những dòng này tôi vẫn cảm thấy tiếng cười ấy của ông vây quanh tôi mặc dù tôi biết rằng mãi mãi cuộc đời này không còn tiếng cười ấy nữa.

Một số hình ảnh tại nhà nhà văn Tô Hoài:

Sách như người bạn thân thiết trong suốt cuộc đời của nhà văn

Căn phòng đơn sơ của Tô Hoài

Tô Hoài phải dùng đến kính lúp mỗi lần đọc báo

Góc bàn làm việc, lúc nào con gái Đan Hà cũng chưng hoa tươi

Cổng vào nhà nhà văn Tô Hoài ở 108-C3 Khu tập thể Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Thùy Vân

Ảnh: Trương Anh Quốc

Nguồn Thanh Niên: http://motthegioi.vn/van-hoa-giai-tri/de-men-con-phieu-luu-mai-84719.html