Để mạch nguồn sử thi chảy mãi

Cuộc sống hiện đại, những không gian văn hóa cộng đồng dần biến đổi, văn hóa sử thi Tây Nguyên vì thế cũng bị thu hẹp dần, thậm chí đối mặt với nguy cơ thất truyền. Vậy phải làm gì để nối dài những đêm khan huyền thoại, nối dài mạch nguồn văn hóa sử thi Tây Nguyên cho các thế hệ mai sau?

Sau gần 3 năm chuẩn bị, đầu năm 2022, lần đầu tiên ca kịch Khát vọng Dam San ra mắt công chúng yêu nghệ thuật ở Đắk Lắk. Chuyển thể từ anh hùng ca Dam San - Sử thi Dam San của người Êđê, vở ca kịch dài 70 phút, gồm 5 chương, ca múa liên tục với hầu hết là lời ca và chuyển soạn mới. Tác phẩm là tâm huyết của nhạc sĩ Nguyễn Cường, kết hợp cùng sự thể hiện của các nghệ sĩ Đoàn ca múa dân tộc Đắk Lắk. Với cách thể hiện mới mẻ, kết hợp dàn giao hưởng điện tử - hợp xướng được thu âm và hát diễn trực tiếp, pha trộn hương vị đặc sắc của âm nhạc Tây Nguyên.

Phần hợp xướng, ca diễn tại chỗ của các diễn viên cũng được đầu tư dày dặn, nhất quán từ đầu đến cuối, tạo được cảm xúc, sự rành mạch. Bà H Yim Kđoh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, ca kịch này thể hiện khát vọng nghìn năm của các dân tộc ở Tây Nguyên, được kỳ vọng trở thành cầu nối đại chúng với kho báu huyền thoại sử thi Tây Nguyên.

"Ca kịch Khát vọng Dam San được tỉnh cũng rất quan tâm và ủng hộ. Tỉnh cũng xác định đây là một trong những hoạt động văn hóa để nâng tầm chất lượng giáo dục, giáo dục thế hệ trẻ hiểu được truyền thống phong tục, tập quán của mình, tự hào về Sử thi Dam San. Và mong muốn phổ biến Ca kịch này đến với công chúng, đến với nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh và các tỉnh khu vực Tây Nguyên để ca kịch Khát vọng Dam San thật sự là nhịp cầu nối để cho tất cả các dân tộc hiểu được về Sử thi Dam San", Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết.

Ca kịch Khát vọng Dam San được kỳ vọng trở thành cầu nối đại chúng với kho báu huyền thoại sử thi Tây Nguyên

Ca kịch Khát vọng Dam San được kỳ vọng trở thành cầu nối đại chúng với kho báu huyền thoại sử thi Tây Nguyên

Trong nỗ lực gìn giữ, bảo tồn những giá trị của Sử thi Tây Nguyên, mới đây, Cơ quan Đài tiếng nói Việt Nam thường trú tại Tây Nguyên đã đưa vào phát sóng thử nghiệm chương trình phát thanh về Văn hóa Sử thi Tây Nguyên. Mỗi tháng một chương trình 15 phút phát vào chủ nhật tuần thứ 3 trong tháng, nội dung giới thiệu các trích đoạn Sử thi qua phần diễn xướng của các nghệ nhân hoặc phân tích, làm rõ nội dung, giá trị của một số sử thi tiêu biểu của các dân tộc Êđê và Jrai.

Theo ông Lại Đức Đại, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk, thử nghiệm này của Đài TNVN cũng mở ra hướng đi mới để Sử thi đến gần hơn với công chúng, nhất là những thính giả ở các buôn làng Tây Nguyên: "Việc bảo tồn văn hóa sử thi qua làn sóng phát thanh chính là cách bảo tồn hiệu quả. Bởi vì sử thi được thể hiện bằng lời nói, lời kể, lời hát, mà chỉ có làn sóng phát thanh mới có thể thể hiện hiệu quả nhất. Phát thanh đến được với vùng sâu, vùng xa và đến được với tất cả mọi thành phần của xã hội, len lỏi vào mọi ngõ ngách, mọi đối tượng".

Phóng viên VOV đến các buôn làng, gặp gỡ nghệ nhân hát kể sử thi

Phóng viên VOV đến các buôn làng, gặp gỡ nghệ nhân hát kể sử thi

Là một thành tựu độc đáo trong không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Sử thi Tây Nguyên thể hiện phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lịch sử của các dân tộc. Từ sử thi Dam San của người Êđê được công bố đầu tiên vào năm 1927, đến nay đã có hàng trăm sử thi của các dân tộc ở Tây Nguyên được sưu tầm, công bố, xuất bản thành bộ sách. Một số trích đoạn sử thi tiêu biểu cũng được đưa vào giảng dạy trong trường học.

Tuy vậy, trước sự tác động của nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, sử thi Tây Nguyên hiện đang đối mặt với nguy cơ bị thất truyền. Những nỗ lực của các địa phương, đơn vị trong việc gìn giữ, bảo tồn loại hình văn hóa độc đáo này vẫn còn khiêm tốn, khiến những nhà nghiên cứu văn hóa như bà Linh Nga Niê Kđăm và PGS.TS Buôn Krông Tuyết Nhung không khỏi ngậm ngùi.

"Theo tôi, Nhà nước đã có một chương trình sưu tầm và xuất bản Sử thi, vậy thì nên chăng là Nhà nước cũng phải có một chương trình cấp quốc gia về việc làm phim về những sử thi này. Chọn mỗi tộc người một Sử thi tiêu biểu. Thứ hai nữa là mình có thể làm những truyện tranh, lấy một trường đoạn nào đó thôi, làm những truyện tranh cho thiếu nhi. Bởi vì trẻ em là tương lai của chúng ta, nó phải biết rằng ông cha nó có cái gì. Và cái thứ ba mà tôi nghĩ cũng rất là công phu và đòi hỏi phải có chương trình quốc gia, đó là số hóa toàn bộ những Sử thi đã ghi được", bà Linh Nga Niê Kđăm cho biết.

"Tất cả các thể loại, các tác phẩm sử thi đều xứng đáng để chúng ta lựa chọn, để chuyển thể thành ca kịch, hoặc là chuyến thế thành một tác phẩm truyện tranh, hoặc cũng có thể là sân khấu hóa, cũng có thể là điện ảnh hóa. Nó trở thành một trong những cái phương tiện để chúng ta truyền thông. Đó là một trong những cái hạt nhân để họ tiếp tục tiếp nhận cái di sản này. Biết đâu họ lại diễn xướng ở một nơi rất là xa, để rồi càng ngày sử thi có cơ hội để tiếp tục được phổ biến", PGS.TS Buôn Krông Tuyết Nhung chia sẻ.

H Xíu/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/de-mach-nguon-su-thi-chay-mai-post1075478.vov