Đề kiểu mới sẽ thay đổi cách dạy và đánh giá học sinh

Theo nhận định, đề kiểu mới sẽ thay đổi cách dạy học, cách kiểm tra, đánh giá trong nhà trường để học sinh tăng tính tự giác, chủ động học tập.

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh minh họa: Khôi Nguyên.

Nhiều điểm mới

Ngày 29/12, Bộ GD&ĐT đã chính thức công bố cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 để các thí sinh tham khảo. Thầy Trần Mạnh Tùng - giáo viên Toán tại Hà Nội nhận định, đề thi thể hiện việc đánh giá năng lực rõ nét, chính xác hơn; tư duy sâu hơn so với đề hiện tại.

Khác với 50 câu trắc nghiệm đang dùng, đề mới có nhiều định dạng câu hỏi trong khi lại có ít cách thức để tìm đáp án. Kiểu câu hỏi đúng, sai và điền đáp án với mức độ nâng cao dần đòi hỏi học sinh vận dụng kiến thức, kỹ năng có độ sâu tương ứng.

Đề thi phù hợp với Chương trình GDPT 2018. Mục tiêu lớn nhất của môn Toán là để rèn tư duy, đề thi mới làm tốt được việc này. Dù các năng lực chưa được “cài cắm” hết, song 3 năng lực cơ bản được thể hiện rất rõ: Năng lực tư duy, lập luận toán học; năng lực giải quyết vấn đề; năng lực mô hình hóa toán học.

Thầy Trần Mạnh Tùng - giáo viên Toán tại Hà Nội.

Theo thầy Tùng, đề thi có sự phân loại tốt, có thể dùng để tuyển sinh đại học. Đặc biệt, đề kiểu mới sẽ thay đổi cách dạy, cách học, cách kiểm tra, đánh giá trong nhà trường.

Tâm lý "học để thi" vẫn ăn sâu vào tâm trí của nhiều người Việt. Sắp tới chắc chắn việc dạy và học cũng sẽ có chuyển biến theo, để chuẩn bị tốt nhất cho các bài kiểm tra, bài thi theo định dạng mới.

Học sinh sẽ cần phải học một cách toàn diện, chủ động và thực chất hơn, sẽ không còn chờ đợi việc đoán đáp số, thử đáp án hay trông chờ việc bấm máy tính.

Dưới góc độ cá nhân, thầy Tùng cho rằng Bộ GD&ĐT cần giới thiệu cả ma trận và bảng đặc tả. Dù học sinh mới học đến lớp 11 nhưng chương trình các lớp đã rõ ràng. Bộ GD&ĐT cần công bố các bảng này, nó là căn cứ cho đề thi và là cơ sở để xây dựng các đề khác; tránh những khó khăn cho người dạy, người học.

Học sinh lớp 11 tại Trường THPT Hoài Đức C đang trong giờ ôn tập chuẩn bị kiểm tra cuối học kỳ 1.

Hơn nữa, theo thầy Tùng, đề thi Toán mới chỉ có các nội dung của lớp 10 nên rất cần công bố đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 có đầy đủ các nội dung đến lớp 12.

Đề cần bổ sung mức độ vận dụng cao. Để việc phân loại học sinh được tốt hơn nữa, thầy Tùng đề xuất đề có đủ 4 mức độ: Nhận biết (3 điểm) – Thông hiểu (4 điểm) – Vận dụng (2 điểm) – Vận dụng cao (1 điểm). Từ đó sẽ khuyến khích việc dạy, học Toán và thuận lợi cho tuyển sinh đại học.

Ngoài ra, đề cần bổ sung thêm năng lực sử dụng công cụ, phương tiện toán học. Môn Toán có 5 năng lực cơ bản. Ngoài 3 năng lực đã có trong đề thi thì còn thiếu 2 năng lực: Giao tiếp toán học; sử dụng công cụ, phương tiện toán học.

"Với đề thi kiểu này, không thể đánh giá được năng lực giao tiếp toán học nhưng cần đưa thêm năng lực sử dụng công cụ, phương tiện toán học. Thời đại ngày nay, việc sử dụng công cụ, máy móc, phần mềm rất quan trọng; thiếu năng lực này thì đề thi đang bị lạc hậu", thầy Tùng cho hay.

Cần đưa cuộc sống vào Toán

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại Nam Định.

Thầy Tùng nêu quan điểm, Chương trình GDPT mới đề cao tính ứng dụng của Toán học. Các đề bài cần xuất phát từ một vấn đề cụ thể của cuộc sống.

Toán của Việt Nam được xếp thứ hạng cao trên thế giới (xếp thứ 6/112 quốc gia tại kỳ thi Olympic Toán học quốc tế 2023). Tuy nhiên, học sinh cũng có điểm yếu cố hữu là “ứng dụng kém”… Vì thế học được thì cần phải làm được; học đi đôi với hành ngay cả trong đề thi.

Bộ GD&ĐT cho biết, đề thi minh họa theo cấu trúc định dạng mới đã được thử nghiệm tại các tỉnh/thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình, Gia Lai, Thái Nguyên với khoảng gần 5.000 học sinh.

Các em thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

"Bộ GD&ĐT cần tiếp tục thử nghiệm và lấy ý kiến rộng rãi, tiến tới xây dựng và công bố ma trận, bảng đặc tả và đề thi minh họa tốt nghiệp THPT cho năm 2025 để thuận lợi cho việc dạy, học và kiểm tra, đánh giá theo chương trình mới. Bồi dưỡng cho tất cả giáo viên hiểu, thực hiện việc đánh giá theo định dạng mới này cũng như có lộ trình triển khai cho các địa phương, nhà trường", thầy Tùng nói.

Trong bối cảnh này, học sinh cần học thực chất để hiểu bản chất của vấn đề; không học vẹt, học đối phó. Đề thi kiểu mới triệt tiêu việc học tủ, học lệch hay dự đoán nội dung sẽ thi, không thi. Các kiến thức Toán hỗ trợ cho nhau, thiếu cái này có thể ảnh hưởng đến cái kia.

Việc luôn tìm hiểu nguồn gốc vấn đề, mở rộng, tổng quát hóa sẽ giúp học sinh có bức tranh toàn diện về một vấn đề. Tìm hiểu ý nghĩa, tính ứng dụng, tính thực tế của vấn đề. Rèn thói quen đưa Toán vào thực tế, đưa thực tế vào Toán sẽ giúp các em yêu Toán hơn, giải quyết các vấn đề của cuộc sống tốt hơn.

Thầy Tùng cho rằng, để đạt điểm cao với đề thi này, kỹ năng tính toán tốt cũng rất quan trọng. Học sinh có thể tiết kiệm được thời gian và không mắc lỗi dẫn đến kết quả sai. Các em cần rèn luyện ngay trong quá trình học, làm bài tập, làm bài kiểm tra tại lớp; rút ra những kinh nghiệm để cải thiện cho bản thân.

Khôi Nguyên

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/de-kieu-moi-se-thay-doi-cach-day-va-danh-gia-hoc-sinh-post666863.html