Để kiến trúc Hà Nội đậm chất Việt

(LĐ) - "1.000 năm Thăng Long - Hà Nội: Những dấu ấn kiến trúc qua năm tháng" là cuộc hội thảo quốc tế, diễn ra sáng 2.10 tại HN. 25 tham luận của các học giả, nhà nghiên cứu, chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc - quy hoạch... đi sâu khai thác nhiều vấn đề lớn, trong đó có việc đánh giá kiến trúc đương đại Hà Nội.

Dấu ấn xưa và bất cập kiến trúc HN hôm nay GS-TS-KTS Nguyễn Việt Châu - TBT Tạp chí Kiến Trúc - trong bản tham luận của mình đã khái quát dấu ấn kiến trúc HN qua 10 thế kỷ dựng xây, với những nét đặc trưng riêng: Kiến trúc gắn bó hữu cơ với mạng lưới sông hồ, cây xanh; quy hoạch – kiến trúc mang dấu ấn rõ nét của chiều tiếp biến lịch sử, xét về tổng thể cơ bản là hài hòa, tương hỗ nhau; quá trình đô thị hóa diễn ra rất mạnh, xóa nhòa ranh giới nội đô với vùng nông thôn lân cận. Tuy nhiên, hàng loạt các vấn đề tồn tại thành những cặp phạm trù rất khó giải quyết: Bảo tồn và phát triển, cải tạo và phát triển, cân bằng và sinh thái, hiện đại và bản sắc... PGS-TS-KTS Nguyễn Quốc Thông - Phó Chủ tịch Hội KTS VN: Ngày nay, HN là một trong những thủ đô lớn nhất thế giới về mặt diện tích và thành phố đang chạy đua với những thành phố khác của khu vực trong xây dựng những tòa nhà cao tầng để nhanh chóng mang tính toàn cầu. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, thành phố đang bắt đầu với đặc điểm về khoảng cách lớn giữa giàu và nghèo, giữa văn hóa đô thị mới và văn hóa truyền thống”. KTS Phạm Thanh Tùng - Phó TBT Tạp chí Kiến Trúc: Bây giờ, HN đã vươn về phía tây, rộng gấp hơn ba lần HN cũ, trở thành một đại đô thị, mang diện mạo mới, vóc dáng mới, vị thế mới xứng tầm thủ đô... Nhưng bản giao hưởng kiến trúc Hà Nội vẫn mải miết tấu lên với đủ loại thanh âm sai cung, lỗi nhịp, bởi thiếu vắng cây gậy chỉ huy của một nhạc trưởng tài hoa và dũng cảm, không gian đô thị đầy bản sắc thấm đẫm lịch sử ông cha của thành phố ngàn năm tuổi này vẫn đang bị cái gọi là “phát triển” ngày càng phá vỡ... PGS-KTS Trần Hùng: Quan sát đề án “Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” thấy có niềm vui, vì hiện lên một viễn cảnh phát triển đô thị rất hoành tráng, nhưng cũng không tránh khỏi mối lo về một tâm lý “hoành tráng quá mức”, phản ánh một tư duy đô thị có màu sắc “duy ý chí”. Điều này dẫn tới mối lo của Hội Kiến trúc sư VN về chuyện “biến thủ đô thành siêu thành phố với “bệnh đầu to”...”. KTS Jin Watanabe và cộng sự (AWAAS), Tokyo, Nhật Bản... Ở HN hiện tại, tôi có thể thấy rất nhiều công trình xây dựng và các tòa nhà mới xây. Hầu hết trong số đó có chung một đặc điểm là có mặt tiền bằng kính? Chúng ta đang ở nơi có ánh nắng chói chang, nhiệt độ và độ ẩm cao. Điều này không thân thiện chút nào với môi trường. Đâu là tinh hoa địa phương mà chúng ta có thể chuyển vào thiết kế mới? Các giải pháp cho kiến trúc Hà Nội thế kỷ mới KTS Nguyễn Chí Tam, Cty Kiến trúc Highend (Pháp): Chúng ta nên tập trung xây dựng HN trên nền tảng HN; xây dựng một thành phố hiện đại trên chữ “hơn”: Thân thiện hơn, xanh hơn, chào đón hơn, bền vững hơn, mang tính xã hội hơn, khát vọng hơn, trách nhiệm hơn, thịnh vượng hơn, đẹp hơn, hiệu quả hơn...; xây dựng kiến trúc HN theo quy mô dân số; khuyến khích các kiến trúc sư VN xây dựng thành phố của mình; dựa vào kiến trúc hiện đại để tạo ra các điểm nhấn lớn; thúc đẩy chất lượng kiến trúc mọi nơi; con người là trên hết... KTS Marco Ferrera - Tổng GĐ Cty kiến trúc xây dựng Accademia Italia: Một trong những việc cần thiết để làm đẹp cho Hà Nội đó chính là bảo tồn khu phố cổ Hà Nội, đặc biệt là khu vực hồ Hoàn Kiếm. Tôi xin đề xuất một phương hướng cho việc tôn tạo giá trị của nó dựa trên 4 yếu tố cơ bản: Bản sắc, hình thái học, giá trị, công năng. Cụ thể: Giải tỏa áp lực giao thông quanh hồ và kết nối với mạng lưới đô thị xung quanh; mở rộng khoảng xanh hai bên bờ đông – tây, giảm lượng giao thông quanh hồ và chuyển hướng ra phía ngoài khu vực, lát lại nền đường để có thể trở thành đường đi bộ trong những ngày lễ lớn; hình thành một quảng trường đi bộ ở bờ bắc; kết nối quần thể di tích đền Ngọc Sơn và đền Bà Kiệu; hình thành một quảng trường nhỏ kết nối phố Tràng Tiền và Hàng Bài; chỉnh trang lại mặt ngoài phố cổ; thiết kế trang trí đô thị... KTS-nhà quy hoạch đô thị Han Ulrich Fuhrke: Những gì Hà Nội cần là 3 chữ D sau: Diversity, Density và Design (đa dạng, mật độ và thiết kế) cùng với một chữ D nữa là Development (phát triển) theo hướng chuyển đổi. KTS Olivier Souquet - GĐ Cty Deso: Thủ đô Hà Nội kỷ niệm 1.000 năm lịch sử. Hôm nay là dịp suy ngẫm về vận mệnh tương lai của thủ đô quyến rũ và đầy biến động này: Một vận mệnh tương lai bí ẩn và kiên cường, được kết tinh từ đạo lý Khổng Tử và Phật giáo. Thế nhưng, Hà Nội vẫn mang đậm chất VN dù trải qua nghìn năm văn minh Bắc thuộc và gần một thế kỷ Pháp thuộc. Chính vì vậy cần phải dung hòa với ký ức, sự phong phú và di sản này. Đó chính là vẻ duyên dáng lạ thường và huyền bí của Hà Nội. Và đó là nơi tương lai phải được định hình. Việt Văn lược ghi

Nguồn Lao Động: http://laodong.vn/tin-tuc/de-kien-truc-ha-noi-dam-chat-viet/15349