Đề kiểm tra Ngữ văn của Sở vẫn đầy 'sạn', giáo viên ra đề phải làm sao?

Đề kiểm tra định kì môn Ngữ văn của một số Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo vẫn còn nhiều 'sạn' khiến giáo viên cảm thấy bất an khi tự ra đề.

Đề Ngữ văn nhiều "sạn" khiến giáo viên cảm thấy bất an khi tự ra đề. Minh họa: Pexel

Đề kiểm tra định kì môn Ngữ văn của một số tỉnh, thành trên cả nước thời gian qua nhận được nhiều sự quan tâm bình luận của dư luận xã hội vì mắc nhiều lỗi sơ đẳng.

Chẳng hạn, đề kiểm tra Ngữ văn 6, Ngữ văn 10 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nam hay đề kiểm tra Ngữ văn 8 của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp đã được truyền thông phản ánh.

Trong đó, đáng chú ý có vụ việc đề kiểm tra Ngữ văn của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Bình, Đồng Tháp khiến 3 giáo viên là người ra đề, người duyệt đề, người phản biện đều bị xử lí kỉ luật.

Trong phạm vi bài viết này, người viết xin có đôi điều bàn thêm về 1 đề kiểm tra Ngữ văn của 1 địa phương đã được truyền thông phản ánh nhằm góp thêm một tiếng nói xây dựng cho ngành giáo dục đang trong quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đề khảo sát chất lượng học kỳ 1, môn Ngữ văn lớp 6, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nam.

Giáo viên lúng túng vận dụng ngữ liệu ra đề kiểm tra Ngữ văn

Ví dụ, đề kiểm tra học kì 1 môn Ngữ văn 6 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nam khiến nhiều giáo viên bức xúc. Theo đó, phần viết của đề kiểm tra này có nội dung như sau:

"Trong vai người chứng kiến tình cảnh của cô bé bán diêm trong truyện Cô bé bán diêm của nhà văn Han Cri-xti-an An-đéc-xen (sách giáo khoa Ngữ văn 6, Kết nối tri thức với cuộc sống, tập 1, Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam 2022, trang 61-64), hãy kể về một trải nghiệm đáng nhớ của em trong đêm giao thừa khi chứng kiến tình cảnh đáng thương của cô bé. Hãy nêu một vài suy nghĩ của em về ý nghĩa của tình thương trong cuộc sống."

Một số giáo viên bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông ở tỉnh Hà Nam cho rằng, về hình thức, cách diễn đạt như trên là rối rắm, lủng củng, trúc trắc khiến học sinh lớp 6 (12 tuổi) đọc đề khó hiểu, ít nhiều có ảnh hưởng đến chất lượng bài làm.

Về nội dung, đề yêu cầu học sinh trong vai người chứng kiến tình cảnh của cô bé bán diêm, kể về một trải nghiệm đáng nhớ của em trong đêm giao thừa khi chứng kiến tình cảnh đáng thương của cô bé, là có vẻ bất nhẫn.

Bởi vì, truyện kể về một cô bé mồ côi mẹ, sống với người bố khắc nghiệt và em phải đi bán diêm để mưu sinh. Vào ngày cuối năm, đã nửa đêm nhưng em vẫn không bán được que diêm nào nên không dám về nhà.

Vì quá lạnh, em đã đốt những que diêm lên để sưởi ấm. Mỗi que bừng sáng là ảo ảnh dần hiện ra trước mắt em: lò sưởi, bàn ăn, cây thông Noel và cả người bà đã mất hiện về. Khi que diêm cuối cùng cháy hết cũng là lúc em lìa đời. Ngày đầu năm, mọi người tìm thấy một cô bé đã lạnh cóng với nụ cười nở trên môi.

Bàn về câu hỏi này, thầy giáo Phan H. ở Hà Nội chia sẻ: "Cách diễn đạt trúc trắc, trong vai chứng kiến cô bé bán diêm, lại kể về trải nghiệm đáng nhớ trong đêm giao thừa là sao? Người ra đề đọc lên không thấy mâu thuẫn hay sao?".

Phân tích sâu hơn, giáo viên Phương Thế N. ở tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cho biết: "Theo tôi, cái đề phản khoa học và thiếu nhân văn. Nếu là người chứng kiến (học sinh) cảnh cô bé trong đêm lạnh để kể lại, người đó sẽ cứu giúp cô bé, chứ không phải để em chết cóng.

Tưởng tượng phải có cơ sở, hợp lí. Tưởng tượng đóng vai kiểu này là cổ xúy cho sự vô cảm chăng? Nếu để một học sinh (đứa trẻ 12 tuổi) kể về việc mình chứng kiến một đứa trẻ đáng thương chết như thế nào, thì cái mệnh đề sau (hãy nêu một vài suy nghĩ của em về ý nghĩa của tình thương trong cuộc sống) đúng là trò cười (ra nước mắt)".

Các giáo viên băn khoăn không hiểu vì sao đề kiểm tra lại ghi "đề khảo sát chất lượng học kì 1"?

Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông cho biết, đánh giá định kì gồm đánh giá giữa kì và đánh giá cuối kì, được thực hiện thông qua: bài kiểm tra, bài thực hành, dự án học tập.

Nhiều giáo viên trải lòng, đề kiểm tra định kì môn Ngữ văn của Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo nhưng vẫn còn rất nhiều "sạn" khiến thầy cô giáo cảm thấy bất an khi tự ra đề.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần rà soát lại quy định trong Công văn 3175/BGDĐT-GDTrH: "Tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết" để điều chỉnh sao cho phù hợp với thực tiễn dạy và học ở các nhà trường phổ thông hiện nay.

Ly Hương

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/de-kiem-tra-ngu-van-cua-so-van-day-san-giao-vien-ra-de-phai-lam-sao-179240112152831773.htm