Để hạn chế tình trạng 'giữa đường gặp chuyện bất bình… ngó lơ'

Trong cuộc sống, không ít người vì sợ vạ lây đã 'ngó lơ' khi thấy các đối tượng đánh nhau, đánh ghen hoặc nạn nhân bị tai nạn giao thông…

Anh V.H.D. (ngụ xã Phú Tân, H.Định Quán) được bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất phẫu thuật nối bàn tay trái vì bị chém khi can ngăn 3 thanh niên xô xát. Ảnh tư liệu

Một trong những nguyên nhân là do sợ làm ơn mắc oán hoặc bị vạ lây, nguy hiểm đến tính mạng khi ra tay cứu giúp người gặp nạn.

* Lo làm ơn mắc oán

Tháng 5-2023, anh N.V. (ngụ P.Bình Đa, TP.Biên Hòa) sau khi tan ca đêm trên đường đi làm về, anh chứng kiến một ô tô đâm trúng một người đàn ông đi tập thể dục sớm. Do trời lúc đó chưa sáng rõ, lại vắng người qua lại nên chiếc xe gây tai nạn bỏ chạy khỏi hiện trường. Anh V. liền dừng lại và hô hoán kêu người đến giúp nạn nhân. Sau vụ việc đó, anh V. đã mất khá nhiều thời gian khi được công an mời để lấy lời khai nhân chứng. Từ số xe ô tô anh V. cung cấp cho cơ quan chức năng, công an đã tìm ra người gây tai nạn.

Song, anh V. rất lo lắng khi thực nghiệm hiện trường, công an đã để cả người gây tai nạn và nhân chứng (là anh V.) cùng tham gia thực nghiệm, đối chất. “Tôi không ngại giúp người, nhưng do phải mất nhiều thời gian làm việc với công an và để người gây tai nạn biết mặt khiến tôi thấy mình bị vướng vào rắc rối và lo sợ bị trả thù” - anh V. nói.

Tháng 8-2023, trên quốc lộ 1 (đoạn qua P.Tân Biên, TP.Biên Hòa), một thanh niên đi ô tô đã cùng người đi đường đưa giúp một bà cụ bị tai nạn giao thông bất tỉnh trên đường đến Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cấp cứu. Sau khi làm xong thủ tục cho bà, quay ra thì anh thanh niên này bị 2 con trai của bà cụ chạy tới đấm đá túi bụi tại cửa phòng cấp cứu vì tưởng nhầm anh là người gây tai nạn cho mẹ của họ. Rất may người đi cùng anh thanh niên đã giải thích thì họ mới ngừng tay.

Đến nay, nhiều người dân khu Phước Hải (TT.Long Thành, H.Long Thành) vẫn còn nhớ, vào tháng 9-2022, trong khi đang đậu xe taxi chờ khách ở khu Phước Hải (H.Long Thành), anh Nguyễn Công Đức (42 tuổi, ngụ xã Tam An, H.Long Thành) thấy 2 thanh niên cầm lưỡi lê đi “giải quyết” mâu thuẫn tình ái với một cặp nam nữ sống ở gần đó. Lo sợ hành vi côn đồ của 2 thanh niên này sẽ gây ra án mạng cho nhiều người, anh Đức đã vào can ngăn và bị đối tượng đâm 2 nhát vào ngực khiến anh tử vong tại chỗ.

* Để tránh rắc rối khi giúp người bị nạn

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Huyện, Phó chánh văn phòng Viện KSND tỉnh cho biết, thực tế trong cuộc sống đã từng xảy ra những vụ việc người can ngăn, cứu giúp người gặp nạn lại bị vạ lây, gặp rắc rối khiến người khác sợ liên lụy hoặc bị trả thù nên dẫn đến tình trạng vô cảm, né tránh giúp người khi thấy họ gặp nạn.

Theo Điều 132, Bộ luật Hình sự năm 2015, trường hợp gặp người trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, người có điều kiện mà không cứu, dẫn đến việc người đó tử vong có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, phạt tù từ 2-7 năm.

Ông Huyện cho rằng: “Trước những vụ xô xát có hung khí, chúng tôi cũng không khuyến cáo người dân phải nhảy vào can ngăn bằng mọi giá hay bất chấp nguy hiểm cứu giúp người khi mình không đủ khả năng. Song, có nhiều cách khác để ngăn chặn hành vi trái pháp luật khi gặp các vụ đánh nhau, cướp giật tài sản trên đường, hay tai nạn giao thông… Nếu không đủ khả năng can ngăn hay cứu giúp trực tiếp thì có thể gọi báo Cảnh sát 113 hay công an phường; quay một đoạn clip, chụp một số hình ảnh (không tung lên mạng xã hội) gửi cho cơ quan chức năng nhằm làm bằng chứng để giải quyết vụ việc.

Theo phân tích của ông Huyện, thực tế người dân mới chính là “tai mắt”, là người giám sát xã hội tốt nhất, người phát hiện sự việc nhanh nhất nên người dân cần nâng cao ý thức đấu tranh bảo vệ pháp luật. “Bản thân mình sống tốt, tuân thủ pháp luật là đúng nhưng chưa đủ, mà mỗi người phải có ý thức cùng làm cho những người xung quanh, cộng đồng nơi mình sinh sống cũng tuân thủ pháp luật thì xã hội mới tốt dần lên. Bởi dửng dưng, im lặng, thờ ơ với cái xấu chính là đồng lõa với cái xấu” - ông Huyện nói.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, để nhiều người không ngần ngại khi giúp người gặp nạn thì người làm việc tốt cũng cần được sự bảo vệ của cơ quan chức năng; tránh để “nhân chứng” và “thủ phạm” gặp nhau gây tâm lý lo sợ, bất an cho những người cứu giúp người gặp nạn, để không còn tình trạng e dè khi cứu giúp người gặp nạn. Ngoài ra, người dân cũng cần bình tĩnh để nghe thông tin nhiều chiều, phân định đúng sai để tránh hiểu lầm, nhằm ngăn chặn những hậu quả đáng tiếc cũng như sự dằn vặt lương tâm khi hồ đồ, nóng nảy, ứng xử không đúng với ân nhân của mình.

Phương Liễu

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/ban-doc/202311/de-han-che-tinh-trang-giua-duong-gap-chuyen-bat-binh-ngo-lo-1254934/