Để hạn chế những bi kịch như gia đình chủ trại heo

Vì sao những người lâm vào hoàn cảnh bế tắc lại có ý định sát hại cả gia đình như chủ trại heo ở Khánh Hòa? Làm sao để xã hội, người thân và gia đình kịp thời phát hiện, ngăn chặn để không có thảm kịch đau lòng?

Vụ việc người chồng vì túng quẫn nợ nần đã đầu độc cả gia đình bằng khí CO khiến bốn mẹ con tử vong ở Khánh Hòa gây rúng động dư luận những ngày qua. Trước đó cũng đã có không ít vụ việc đau lòng tương tự xảy ra, mà nguyên nhân là do tâm lý quẫn bách của cha hoặc mẹ vì vấn đề nào đó đã kéo những đứa trẻ vô tội cùng chết theo.

Tính ích kỷ và trốn tội chung

. Phóng viên: Theo ông, vì sao trong thời gian gần đây lại nổi lên hiện tượng chính người cha, người mẹ ra tay sát hại cả gia đình và cả chính mình khi rơi vào tình cảnh quẫn bách?

+ PGS-TS Trương Văn Vỹ, Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM): Thực tế đã có không ít vụ việc đau lòng tương tự xảy ra. Đây là vấn đề đang được xã hội quan tâm bởi ngoài muốn tự tử họ còn lôi kéo người thân vào cục diện chung với mình.

Đa số nguyên nhân các vụ tự tử xuất phát từ áp lực xã hội như về tài chính, tình cảm, học hành… Đối với trường hợp người chồng ở Khánh Hòa do không thể trả được món nợ quá lớn, vượt quá khả năng nên mới có hành động muốn kết thúc cuộc sống. Không chỉ vậy, người chồng còn lôi kéo người thân vào cuộc như vậy vừa thể hiện tính ích kỷ vừa có tính trốn tội chung của người chồng.

Khi không có khả năng trả nợ, người chồng rất có thể suy nghĩ nếu bản thân chết đi có thể để lại gánh nặng ấy cho vợ con. Do đó việc người chồng muốn giải thoát cho vợ con cũng xuất phát từ ý định không muốn vợ con ở lại bị cuốn vào món nợ nần.

PGS-TS Trương Văn Vỹ, Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc Gia TP.HCM)

. Trong những hoàn cảnh như vậy, có động lực nào để giúp thay đổi suy nghĩ, hành vi, tâm lý của họ không?

+ Để giảm bớt nguy cơ tự tử vì những nguyên nhân xã hội thì có nhiều giải pháp, trong đó có những giải pháp từ tổng thể đến cá nhân.

Giải pháp tổng thể nói chung là trong trường hợp trên nếu có sự giúp đỡ của xã hội, các tổ chức tín dụng hay hội đoàn giúp đỡ người chồng trả nợ được thì cũng có thể tránh nguy cơ tự tử.

Về phía gia đình, gia đình bao giờ cũng là yếu tố quyết định nhất trong những vấn đề liên quan đến con người. Có sự quan tâm của gia đình sẽ giúp được rất nhiều người tránh nguy cơ tự tử lớn. Bên cạnh đó, gia đình bao giờ cũng là thành tố quan trọng giúp phát hiện sớm và ngăn ngừa kịp thời những hành vi, nâng cao ý thức, tác động vào tâm lý của họ.

Bên cạnh đó là việc nâng cao ý thức của người có ý định tự tử. Điều này không dễ nhưng ít nhiều giúp họ có thể trình bày mắc mớ của mình, giãi bày khó khăn của mình với người thân, bạn bè, tổ chức xã hội… và những suy nghĩ tiêu cực cũng sẽ giảm đáng kể.

Sự quan tâm của cộng đồng rất là lớn

. Theo ông, làm thế nào để những người thân, gia đình có thể nhận ra những bất thường trong tâm lý của họ và giúp họ vượt qua khủng hoảng để không có những hành động dại dột?

+ Khi một người có ý định giải thoát bản thân cùng những người thân xung quanh thì suy nghĩ đó xảy ra bột phát chứ không cần quá trình lâu dài. Do đó, những người thân, người xung quanh cần chú ý khi quan sát thấy các dấu hiệu bất thường.

Chẳng hạn, khi họ có những hành động bột phát như trầm tư, thường xuyên bi quan, buồn bã, tỏ ra ít nói, tránh giao tiếp, tìm nơi vắng vẻ… là những dấu hiệu chung mà người thân xung quanh có thể để ý. Khi đó từ từ tiếp cận, tác động vào tâm lý, dùng những lời giải thích, khuyên nhủ nhẹ nhàng giúp họ quên đi suy nghĩ nhất thời, giúp họ quay đầu.

Chủ trại heo đã mua bình khí CO về đầu độc cả nhà. Ảnh: ĐB

Đặc biệt, khi mối quan hệ càng thân thiết sẽ dễ dàng và nhanh chóng phát hiện được những bất thường của họ để sớm tiếp cận, ngăn ngừa kịp thời suy nghĩ tự đi tìm cái kết cho chính mình.

. Để ngăn chặn những vụ việc đau lòng trên, vai trò của các hội đoàn, các tổ chức xã hội sẽ nên thế nào, thưa ông? Việc hình thành các trung tâm an sinh xã hội hay quỹ tài chính vi mô, liệu có phải là giải pháp căn cơ?

+ Sự quan tâm của cộng đồng rất là lớn. Các hội đoàn, các tổ chức xã hội đóng vai trò rất quan trọng. Nếu cộng đồng và các tổ chức xung quanh ngoài gia đình quan tâm thì có thể giúp tránh một vụ việc đau lòng.

Cụ thể như vụ việc tại Khánh Hòa, khi người chồng nợ nần và được các tổ chức tín dụng, ngân hàng, công an, an ninh, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, các đoàn, hội khác… quan tâm, biết đến hoàn cảnh của gia đình để có những trợ giúp kịp thời có thể sẽ giúp họ vượt qua những khó khăn hiện tại, không nảy sinh suy nghĩ tự tử.

Mặt khác, cần kiểm soát sự phát triển của các tổ chức tín dụng đen, cho vay lãi nặng… lợi dụng những lúc người dân sa cơ lỡ bước để kiếm lợi. Hiện nay tình trạng này rất nhiều do đó cần sự chung tay từ chính quyền đến những người xung quanh để có thể giảm thiểu và đẩy lùi được nguy cơ trên.

. Xin cảm ơn ông.

Trang bị kỹ năng tài chính ngay từ khi còn nhỏ

Theo quan điểm cá nhân tôi, ý thức chủ quan “tự sát” dẫn đến hành vi làm cho cả nhà cùng chết vì nguyên nhân túng quẫn, áp lực cuộc sống… công an rất khó phát hiện, để triển khai các biện pháp đấu tranh, phòng ngừa hoặc ngăn chặn thích hợp.

Trong công tác phòng ngừa tội phạm, lực lượng công an vẫn thường xuyên triển khai đa dạng các hoạt động tuyên truyền để người dân nâng cao hiểu biết, đề phòng sập bẫy tín dụng đen, tội phạm lừa đảo sử dụng công nghệ cao... Công an chỉ hướng dẫn về kỹ năng phòng ngừa và các phương thức thủ đoạn để nâng cao nhận thức, nhận ra đó là hành vi lừa đảo, xâm hại để biết đường tránh xa.

Nguyên nhân phát sinh tội phạm trong vụ việc này liên quan nhiều đến điều kiện an sinh xã hội, vì vậy tôi nghĩ rằng cần tập trung các giải pháp hữu hiệu về mặt an sinh xã hội. Điều kiện an sinh xã hội tốt sẽ góp phần kéo giảm tình hình tội phạm nói chung và tội phạm xâm phạm sở hữu nói riêng.

Mặt khác, tư duy tài chính cần được đào tạo từ nhỏ, từ những bài học, hoạt động đơn giản hằng ngày của trẻ, để các cháu có nhận thức quản lý tài chính an toàn. Kỹ năng sống còn rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay chính là kỹ năng quản lý tài chính. Rất cần các chuyên gia kinh tế hướng dẫn người dân cách sử dụng tiền hợp lý, cách sử dụng, tái tạo đồng vốn, phát triển kinh tế một cách an toàn, bảo toàn vốn sao cho phù hợp với tài chính tối thiểu của mỗi gia đình. Khi đó, người dân biết cách kiểm soát được rủi ro, khó khăn kinh tế.

Trung tá NGUYỄN ĐÀO MINH HUY, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM

Tài chính vi mô, cứu cánh cho người khó khăn

Tổ chức Tài chính vi mô CEP luôn bám sát đời sống, việc làm của người lao động để có sự đồng hành, hỗ trợ họ vượt qua những khó khăn, không rơi vào bẫy tín dụng đen dẫn đến quẩn bách, bất ổn trong đời sống công nhân lao động.

Đặc biệt, trong thời điểm đơn hàng giảm, tăng ca không nhiều khiến thu nhập của đa phần người lao động bị sụt giảm, từ đó tăng thêm gánh nặng cho nhiều gia đình công nhân lao động. Thấu hiểu, bối cảnh khó khăn về tài chính, CEP cân chỉnh nguồn vốn để lúc khó khăn nhất vẫn luôn đồng hành cùng người lao động giúp họ không rơi vài bế tắc, không rơi vào những hoàn cảnh thương tâm như thời gian qua. Với nguồn tài chính hiện có, CEP sẵn sàng hỗ trợ anh chị em công nhân lao động vượt qua những trăn trở trong cuộc sống, con em học tập và cải thiện cuộc sống.

Với mạng lưới rộng khắp, CEP luôn lắng nghe những trăn trở của người lao động để có sự sát cánh, hỗ trợ kịp thời, qua đó giúp người lao động yên tâm bám việc bám nghề, san sẻ yêu thương giúp nhau vượt qua giai đoạn khủng hoảng việc làm, thu nhập và chăm lo việc học hành cho con em công nhân lao động. Bà NGUYỄN THỊ HOÀNG VÂN, Tổng Giám đốc Tổ chức Tài chính vi mô CEP

NGÔ ĐÀ - VÕ THƠ

Nguồn PLO: https://plo.vn/de-han-che-nhung-bi-kich-nhu-gia-dinh-chu-trai-heo-post748579.html